VÌ SAO ÁN LY HÔN NGÀY CÀNG TĂNG? - BÀI 4

Để gia đình là bến đỗ bình yên

Về thực trạng ly hôn, chuyên gia Nguyễn Thị Thương (Giám đốc Trung tâm Tư vấn gia đình và ly hôn - Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam) đã có một bài phân tích sâu sắc khi nhìn vấn đề từ góc độ của một nhà tư vấn tâm lý - xã hội học…

Do tác động của mặt trái xã hội đang phát triển mà tình trạng ly hôn ở Việt Nam năm sau cao hơn năm trước, độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ, số năm chung sống ngày càng giảm. Đây là điều đáng báo động bởi việc ly hôn kéo theo những hậu quả nặng nề trên nhiều phương diện.

Giá trị truyền thống dần mất vị trí

Trước hết là với phụ nữ, chủ thể đang chủ động trong việc ly hôn. Xã hội càng phát triển thì càng có nhiều cơ hội cho phụ nữ tiếp cận thông tin, mở rộng quan hệ xã hội. Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách, chế độ khuyến khích phụ nữ phát triển tài năng, tự khẳng định. Thực tế, nhiều phụ nữ đã làm tốt chức năng gia đình gánh vác công tác xã hội ở nhiều cương vị ngày càng cao trên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Điều này mâu thuẫn với tập quán gia trưởng, tư tưởng áp đặt của người chồng và của gia đình chồng là phụ nữ chỉ nên giỏi công việc nội trợ, tề gia phụng chồng. Tư tưởng này có nguồn gốc từ ngàn năm phong kiến để lại và vẫn còn đọng lại trong ý thức hệ của những người lớn tuổi. Hiện nay, nhiều phụ nữ không còn cam chịu và phục tùng vô điều kiện sự điều khiển của ông chồng hoặc chịu đựng sự bất công nhiều mặt trong đời sống hôn nhân như thế hệ phụ nữ các thập niên trước. Theo tôi, đây là yếu tố tích cực, khẳng định vị trí của người vợ trong xã hội bình đẳng.

Mặt khác, đất nước ta đang đổi mới, giao lưu quốc tế mở rộng, phương tiện thông tin đại chúng phát triển, con người có thể tiếp nhận khối lượng thông tin đa dạng và đa chiều. Vì vậy, nhiều quan điểm về lối sống, về tình yêu, hôn nhân - gia đình ở các nước phát triển, trong đó đan xen giữa hiện đại và truyền thống, giữa tiêu cực và tích cực, tốt và xấu đã và đang tác động không nhỏ đến suy nghĩ, hành xử của nhiều tầng lớp trong xã hội.

Để gia đình là bến đỗ bình yên ảnh 1

Ngày nay, ở thành thị hay ở nông thôn, chuyện bỏ chồng/vợ hay bị chồng/vợ bỏ không còn bị dư luận đàm tiếu hoặc lên án gay gắt như ngày xưa. Thủ tục ly hôn cũng dễ dàng, chỉ cần vợ hoặc chồng có đơn xin ly hôn, sau khi hòa giải không thành tòa án sẽ phân xử. Điều này lý giải việc có nhiều đôi vợ chồng chịu đựng nhau cả mấy chục năm, đã có cháu nội, cháu ngoại cũng xin ly hôn. Có những cặp ly hôn ở tuổi xế chiều, con cháu không những không can ngăn mà còn nói: “Lẽ ra cha mẹ chia tay sớm thì hai người đỡ khổ hơn”…

Những ngộ nhận về hôn nhân

Sự phát triển của kinh tế - xã hội khiến nhận thức của con người về hôn nhân cũng thay đổi, nhất là giới trẻ. Họ quan niệm về tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình chưa đầy đủ. Họ ngộ nhận tình yêu trước và sau hôn nhân giống nhau. Thật ra tình yêu trước hôn nhân đượm chất lãng mạn và sự cuốn hút. Còn tình yêu sau hôn nhân cần phải có lòng tin, sự vị tha, sự chịu đựng, tinh thần trách nhiệm, biết dựa nhau mà sống, biết sống vì con cái. Đã có người ví von tình yêu trước hôn nhân là buổi bình minh, còn tình yêu sau hôn nhân có cả buổi trưa và xế chiều.

Nhiều bạn trẻ nghĩ đơn giản “lấy nhau hợp thì ở, không hợp thì đường ai nấy đi”. Hiện tượng “yêu cuồng sống vội”, khi yêu không tìm hiểu kỹ lưỡng hoặc “có tìm mà không hiểu” dẫn đến tình trạng khi chung sống không xử lý được những mâu thuẫn về sự khác biệt thói quen cá nhân, tâm lý vùng miền, gia phong nội ngoại... Trong quá trình tư vấn hôn nhân và ly hôn, tôi thấy rõ vấn đề này và đã cứu vãn sự chia ly cho nhiều người. Tôi chọn phương pháp cùng họ thảo luận thiệt hơn, chọn giải pháp nhận thức lại vấn đề, tạm trì hoãn ly hôn để cùng điều chỉnh từ hai phía.

Xã hội càng phát triển thì cái “tôi” của con người càng được đề cao và tôn trọng. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân nếu ai đề cao cái “tôi” thái quá, sống ích kỷ, thiếu đức hy sinh thì cũng làm cho hôn nhân chết yểu.

Cạnh đó, nhận thức và kiến thức về đời sống tình dục trong hôn nhân của giới trẻ còn lạc hậu. Không nói ra nhưng ai cũng biết sự hòa hợp về đời sống chăn gối quyết định tới 50% hạnh phúc gia đình. Nhiều đôi vợ chồng “trục trặc” nhưng khi đến tư vấn hoặc ra tòa chỉ dám nói “chúng tôi không hợp nhau”. Khi tư vấn cho các bạn trẻ, tôi thấy hiểu biết về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của họ còn có lỗ hổng khá lớn. Đành rằng trên sách báo, trên mạng cũng đã truyền tải nhiều thông tin về lĩnh vực này nhưng để có kiến thức cơ bản toàn diện và chuẩn xác thì không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận.

Những sai lầm về sự bất bình đẳng giới trong đời sống vợ chồng theo kiểu “chồng chúa vợ tôi” còn khá phổ biến. Nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ trong đời sống chăn gối còn quá sai lệch khi chồng nặng về quyền lợi, vợ nặng về nghĩa vụ. Đời sống tình dục trong hôn nhân là lĩnh vực hàm chứa nhiều yếu tố văn hóa mà người ta gọi là văn hóa tình dục, không ai có sẵn mà phải học. Ở Việt Nam, văn hóa tình dục chưa được phổ cập và chẳng có trường lớp nào dạy cả.

Ly hôn cũng có yếu tố tích cực

Nhìn một cách khách quan, công bằng và khoa học thì trong ly hôn, bên cạnh những hệ quả xấu cũng có yếu tố tích cực. Bởi lẽ nếu thực sự cuộc sống gia đình không thể kéo dài, mối lương duyên giữa vợ và chồng đã hết thì việc ly hôn là cần thiết. Khi đó ly hôn là sự giải thoát hợp lý và có ý nghĩa tích cực đối với cả hai người, cũng như tạo một tương lai khác cho họ.

Các biện pháp kéo giảm ly hôn

Để kéo giảm tỉ lệ ly hôn cần phải có các giải pháp đồng bộ và sự góp sức của cộng đồng.

- Trước hết nên phát triển các lớp “chuẩn bị hôn nhân” hay còn gọi là “tiền hôn nhân” để trang bị kiến thức, kỹ năng cho nam nữ về ba lĩnh vực: Tâm lý trước và sau hôn nhân; Luật Hôn nhân và Gia đình; vấn đề sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Cần thiết phải tiến tới thể chế hóa vấn đề này là khi đăng ký kết hôn thì nam nữ phải có giấy chứng nhận đã qua lớp học “chuẩn bị hôn nhân”.

- Cần nhân rộng mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc để phổ biến kiến thức, kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình, đồng thời tư vấn, hóa giải những bất đồng trong hôn nhân tại cộng đồng. Đây là mô hình hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, trên thực tế đã hoạt động khá tốt ở một số quận, huyện.

- Về phương diện luật pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình cần bổ sung quy định khi xét xử án ly hôn phải xem xét đến yếu tố lỗi để quyết định tỉ lệ phân chia tài sản như một số nước đã làm. Chẳng hạn thực tế có nhiều ông chồng lười biếng, rượu chè, ngoại tình, bạo lực trong khi người vợ bươn chải, tích lũy được một số tài sản. Khi ly hôn, tài sản chung trong hôn nhân đều đem chia đôi là điều không công bằng.

NGUYỄN THỊ THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm