Nội dung này đã được đưa ra lấy ý kiến chuyên gia, các cá nhân liên quan vào ngày 28-7. Bên cạnh đó, các mục tiêu trong thời gian đề án hướng tới đặc biệt chú ý đến việc thư viện các địa phương có trụ sở độc lập. Riêng hệ thống thư viện cấp tỉnh được đề ra đến năm 2030 có 100% thư viện có trụ sở độc lập.
Dự thảo đề án thể hiện quan điểm chỉ đạo là phát triển văn hóa đọc nhằm tiếp thu tri thức nhân loại, làm giàu thêm vốn tri thức của dân tộc và con người Việt Nam; điều chỉnh các biểu hiện lệch lạc, hình thành thị hiếu lành mạnh; góp phần xây dựng con người có nhân cách, có tri thức, kỹ năng sống... Nhiệm vụ trọng tâm của đề án là tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và dư luận xã hội về văn hóa đọc.
Tại hội thảo, khi đề cập đến thói quen đọc sách của người Việt, một đại biểu đã đưa ra so sánh giữa tủ rượu và tủ sách trong mỗi gia đình rằng sự hiện diện của các tủ sách trong các gia đình thường ít hơn sự hiện diện của một tủ rượu. Tuy nhiên, đó dường như không phải là vấn đề cốt yếu. Một nhà văn từng kể câu chuyện ông đến nhà người bạn và tỏ ra khá ngạc nhiên khi thấy một tủ sách sừng sững được đặt giữa nhà. Điều làm ông sững sờ hơn là sau khi tham quan và nhấc một vài tựa sách ra khỏi tủ sách hoành tráng ấy, ông thấy rất nhiều cuốn sách dường như còn chưa được mở ra một lần, có những trang sách kẹp dính vào nhau vẫn được để nguyên trạng.
Dự thảo dù có đề cập đến việc tuyên tuyền, phổ biến kiến thức, tạo ra thói quen đọc sách cho người Việt, đó là điều đáng mừng trong lúc xã hội đang gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh về những hành xử lệch chuẩn hiện nay. Bên cạnh đó, yêu cầu về hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ mục đích này cũng được lưu ý đến. Một thư viện hiện đại, những đầu sách hấp dẫn là điều cần thiết để thu hút người dân tìm đến với thư viện. Tuy nhiên, làm sao để thư viện hoành tráng, to đẹp đó không có chung số phận giống chiếc giá sách trong nhà ông bạn nhà văn (là một vật trang trí hơn là nơi tạo ra các giá trị tri thức khác) là câu hỏi cần đặt ra ngay từ bây giờ.
Trên cả nước, rất dễ thấy những thư viện bỏ không hoặc im ỉm đóng, lý do có nhiều, phần vì ở những vị trí không phù hợp, phần vì ít người tìm đến, phần vì sách không hấp dẫn. Thế nên có lẽ đến năm 2030, khi khoảng 50% gia đình có tủ sách đi chăng nữa, sự lạc quan ở sự ham đọc sách của người Việt chưa chắc đã được cải thiện. Thói quen không nằm ở sự tiện nghi, thói quen nằm ở trong những tầng nấc thái độ khác của con người.
VIẾT THỊNH