Sáng nay, 6-6, sau 120 phút làm bài, hơn 98.000 học sinh TP.HCM đã hoàn thành bài thi Ngữ văn, môn thi đầu tiên trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2024.
Đề Ngữ văn như sau:
Tại điểm thi Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12, nhiều thí sinh rời phòng thi môn Ngữ Văn với nét mặt tươi cười hớn hở.
Văn Tịnh, học sinh Trường THCS Trần Quang Khải nói: “Em chắc chắn được hơn điểm môn Văn. Phần nghị luận văn học ra tác phẩm Chiếc lược ngà, em đã ôn khá kỹ. Trong khi đó, phần nghị luận xã hội em làm cũng tương đối ổn. Kỳ thi còn 2 môn nữa, em sẽ cố gắng để có thể đạt được nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn”.
Trong khi đó, một thí sinh khác cho hay, trong đề thi môn ngữ Văn, em thích nhất là phần nghị luận xã hội. Phần này nêu vấn đề nghị luận suy nghĩa bằng con tim, em thấy rất hay và khá gần gũi. “Để làm phần này em đã lấy dẫn chứng từ những con người luôn dành thời gian làm việc từ thiện bằng cái tâm như nấu cơm cho người nghèo..” - nam sinh này nói và cho biết phần nghị luận văn học do đã được giáo viên dạy khá kỹ nên em làm cũng khá ổn. Em dự đoán Văn khoảng được 6 điểm.
Đồng quan điểm, Thảo Nhi, học sinh Trường THCS Trần Quang Khải cũng cho rằng đề thi Văn khá “dễ thở”. Do môn Văn em ôn hết các tác phẩm nên việc đề ra Chiếc lược ngà không làm khó em. “Đề thi Văn không quá khó khiến em tự tin để bước vào bài thi ngoại ngữ chiều nay” - Nhi nói.
Đề thi môn Ngữ văn
Nhịp đập trái tim không chỉ dành cho riêng mình
Câu 1 (3,0 điểm)
Những trái tim mang “nhịp đập khơi xa”…
Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức đã diễn ra vào thời điểm hết sức đặc biệt, kỉ niệm 49 năm Thống nhất đất nước và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Với chủ đề: “Tôi yêu Tổ quốc tôi, chuyến hành trình vượt sóng gió biển khơi đến với quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã làm rung lên nhịp đập của những trái tim chan chứa yêu thương.
Đó là niềm xúc động của Y Việt Sa, người con vùng đất Tây Nguyên, khi trực tiếp chứng kiến cuộc sống của những người lính đảo:
Những dòng này tôi viết ở Trường Sa
Giữa những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ
Mang trong mình một tình yêu đẹp đẽ
Để vững vàng vượt sóng giữ bình yên
Là nỗi xốn xang khó tả của một người mẹ lần đầu đến đảo Sinh Tồn thăm con. Dù còn bao lo lắng khi biết con, một người lính trẻ, phải đối mặt với những gian nan, thử thách nhưng người mẹ ấy vẫn tự hào và tin tưởng con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Là niềm cảm phục của những người con người đất liền trước câu chuyện người thầy giáo trên đảo Sinh Tồn. Vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, người thầy ấy đã thắp lên ngọn lửa tri thức cho các em nhỏ nơi đảo xa.
Là sự rung động trước những vườn rau mướt xanh giữa khô cằn sỏi đá và những cây bàng vuông nở hoa trong nắng gió. Mỗi đóa hoa khoe sắc, mỗi luống rau xanh tươi là thành quả của biết bao giọt mồ hôi người lính đảo.
Hành trình đến với Trường Sa – vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc – đã để lại nhiều cảm xúc cho tất cả thành viên trong đoàn. Những trải nghiệm trong chuyến đi ấy đã vun đắp khát vọng cống hiến cho những người trẻ để từ đó họ hiểu sâu hơn về trách nhiệm của chính mình đối với đất nước.
(Tổng hợp thông tin từ các bài viết về Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê trên báo Thanh Niên từ 04-5-2024 đến 13-5-2024)
Thực hiện các yêu cầu:
a, Theo văn bản, hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2024 diễn ra trong thời điểm đặc biệt nào và có chủ đề gì? (0,5 điểm)
b, Chỉ ra một thành phần biệt lập trong đoạn cuối của văn bản. (0,5) điểm
c, Đoạn thơ trong văn bản giúp em hiểu gì về những người lính ở quần đảo Trường Sa? (1,0 điểm)
d, Nếu được tổ chức một hoạt động để khơi lên nhịp trái tim dành cho biển đảo quê hương ở các bạn trẻ, em sẽ tổ chức hoạt động gì? Vì sao? Trả lời trong 4- 6 dòng (1,0 điểm).
Câu 2. (3,0 điểm)
Thông thường người ta nghĩ bằng khối óc – suy nghĩ, nhận thức, đánh giá… về con người, cuộc sống bằng lí trí, trí tuệ, kiến thức,…Nhưng trong quyển sách Một nghệ thuật sống (NXB Trẻ, 2018), tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần lại khuyên: Biết nghĩ bằng con tim.
Em có đồng ý với lời khuyên trên không? Hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của em.
Câu 3. (4,0 điểm)
Học sinh được chọn 1 trong 2 đề sau:
Cảm nhận của em về tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ với thực tế cuộc sống hoặc với một tác phẩm khác cũng viết về đề tài gia đình để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi người.
Đề 2:
Câu lạc bộ Bạn yêu thơ
Góc chia sẻ
Thân gửi các bạn thành viên câu lạc bộ.
Được biết chủ đề sinh hoạt tháng 6 của câu lạc bộ là “Những nhịp tim dành riêng cho thơ”, mình mạnh dạn chia sẻ như sau:
Mình là một học sinh lớp 9. Dù không vô cảm với thơ nhưng mình thấy rất khó khăn trong việc phân tích thơ. Mình mong muốn được các bạn chia sẻ một bài phân tích hay về bài thơ. Các bạn có thể tự chọn một khổ thơ (hoặc đoạn thơ, bài thơ) để phân tích. Ví dụ phân tích khổ cuối trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu”
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
Trong bài viết, mình muốn được các bạn chia sẻ thêm về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca khởi lên trong các bạn.
Các bạn giúp mình nhé. Mình cảm ơn các bạn rất nhiều!
Trong vai trò là một thành viên câu lạc bộ, em hãy viết bài văn đáp ứng các yêu cầu của bạn trẻ trên.
…HẾT…