Đề xuất 44 cơ chế đặc thù cho sự phát triển của TP.HCM

(PLO)- Các cơ quan đều phấn đấu trình Quốc hội xem xét, quyết định nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 ngay tại kỳ họp thứ năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-5, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết phiên họp này sẽ xem xét cho ý kiến về 13 nội dung lớn, trong đó có dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi

Trình nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 tại kỳ họp thứ năm

Trước đó, tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022), QH đã có nghị quyết cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM đến hết 2023. Chính phủ được giao trình QH về nghị quyết mới cho TP.HCM trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, theo ông Huệ, thời gian qua, cả Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ đều phấn đấu trình QH xem xét, quyết định nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 ngay tại kỳ họp thứ năm (dự kiến khai mạc ngày 22-5 tới).

Ông Vương Đình Huệ đánh giá lần này Chính phủ đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết rất công phu. Dự kiến có tám nhóm chính sách liên quan đến 44 cơ chế được Chính phủ trình, do đó ông đề nghị Thường vụ QH tập trung cho ý kiến các chính sách mới, trong đó có sáu loại chính sách cụ thể được đưa vào các dự án luật trình QH, với hàm ý cho TP.HCM đi trước thực hiện.

“Cần cho ý kiến thêm khi ban hành các cơ chế, chính sách thí điểm để xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế” - Chủ tịch QH nói.

Chúng ta cần phải tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ.

Phản ứng chính sách có cực đoan không?

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nhận xét báo cáo Chính phủ “có cảm giác rất nhiều màu hồng”, trong khi phân tích về tồn tại, hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân không rõ.

Theo phó chủ tịch QH, đầu năm 2023, một số đánh giá cho rằng dù có nhiều khó khăn nhưng những biện pháp tháo gỡ ban hành từ đầu năm đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực. Cụ thể như trái phiếu doanh nghiệp (DN), bất động sản, đầu tư công và khơi thông điểm nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế.

“Thực chất, khi chúng tôi làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học thì thấy dòng tiền vẫn còn nghẽn, những biện pháp chưa phát huy tác dụng. Mình đánh giá lạc quan quá nên việc xác định biện pháp điều hành tới đây sẽ rất khó” - ông Trần Quang Phương nói.

Đặc biệt, phó chủ tịch QH cho rằng báo cáo Chính phủ chỉ nêu khó khăn, vướng mắc mà không nêu bất kỳ tồn tại nào trong điều hành. “Dự báo để tham mưu cũng có những biến động. Phản ứng chính sách cũng không kịp thời và chúng ta thử kiểm tra lại đâu đó có cực đoan không, có nghĩa là nhảy từ thái cực này qua thái cực khác” - ông Phương nói và cho hay người dân phản ánh tình trạng này xảy ra ở một số lĩnh vực như PCCC, kiểm định xe, trái phiếu DN…

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay hiện các chuyên gia, nhà khoa học góp ý cần phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ.

Dẫn lại số liệu điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vương Đình Huệ nói hiệu lực điều hành ở những lĩnh vực liên ngành như đầu tư xây dựng, đất đai và môi trường… rất yếu, kể cả cấp trung ương và địa phương. “Những vấn đề có tính liên ngành, khi có một văn bản kết luận nào đó hoặc chỉ đạo nào đó của trung ương và địa phương còn chung chung thì DN nói hầu như ngồi im, tức là ngồi chờ chỉ đạo tiếp hoặc không làm gì” - Chủ tịch QH nói.

“Đổi mới, sáng tạo, năng động, trách nhiệm là của người đứng đầu. Bây giờ cái gì cũng lấy ý kiến tập thể như thế này rồi thì làm sao” - ông Vương Đình Huệ nói và cho rằng cần khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, chưa biết là lớn hay nhỏ, ở cả trung ương và địa phương, nhất là trung ương né tránh trách nhiệm, sợ sai và không chịu làm, việc của mình đẩy cho người khác, việc cấp dưới đẩy cho cấp trên.

Lo ngại về mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Chúng tôi rất lo ngại về mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Chúng tôi đã báo cáo nhiều lần về kịch bản tăng trưởng, muốn đạt được 6,5% thì các quý sau tăng trưởng phải rất cao, xấp xỉ khoảng 8%, mà như vậy rất khó. Tuy nhiên, Chính phủ đang giữ mục tiêu này để phấn đấu.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG

Có hiện tượng né tránh, đùn đẩy

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định những khó khăn chính, chủ yếu từ tác động từ bên ngoài. Còn khó khăn bên trong, theo ông Dũng là tâm lý của thị trường, niềm tin xã hội và sự né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp hiện nay.

Cũng theo bộ trưởng Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2018-2021, TP.HCM cấp trung bình mỗi năm khoảng 70 dự án bất động sản. Tuy nhiên, hai năm vừa qua TP chỉ cấp tám dự án, tức là hầu như “đứng bóng”. “Có lẽ vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy và lẩn tránh không làm” - ông Dũng nêu quan điểm.

Liên quan đến các thủ tục đầu tư, ông Dũng nói các DN cần 1-2 năm mới giải quyết được một vấn đề. DN lo ngại kinh tế đã khó khăn như thế nhưng tinh thần giải quyết công việc không có nên rất khó.

Về môi trường đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận xét hiện “rất kẹt”. Ông nói lại việc đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh nhưng bây giờ, thông qua văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới. Hiện bộ đã giao cơ quan chuyên môn rà soát, xem văn bản nào của bộ, ngành trái quy định, đi ngược, hạn chế quyền của người dân, DN.•

Nhiều doanh nghiệp lớn đã bán gần hết tài sản

Nói về khó khăn của DN, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng có “rất nhiều vấn đề”, trong đó vấn đề đầu tiên là dòng tiền. “Hiện điều hành tín dụng của chúng ta có vấn đề, lúc thả ra nhanh quá, lúc lại siết quá nên các DN rất khó khăn. Nhiều DN lớn chúng tôi biết đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đều đã bán” - ông Dũng nói và nhìn nhận đây là việc rất đáng lo ngại.

Nghiêm trọng hơn, theo ông Dũng, giá bán lại chỉ bằng 50% giá thực. Người mua chủ yếu là nước ngoài. “Đây là vấn đề mà chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần” - bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm