Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ diễn ra chiều 9-5, báo chí hỏi về việc bỏ hình thức giáng chức và có nên “luật hóa” chuyện nịnh bợ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Cân nhắc việc nịnh bợ
Tại cuộc họp báo, báo chí hỏi quan điểm của Bộ Nội vụ về đề xuất “luật hóa” các quy định “công chức không được nịnh bợ cấp trên”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết việc có “luật hóa” các quy định về hành vi nịnh bợ hay không được đặt ra trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Có một số ý kiến đề nghị đưa quy định này vào. Bộ Nội vụ đã tiếp thu và tính toán đưa nội dung này vào một số điều luật… “Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật. Những gì luật hóa được mà tốt thì các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xây dựng” - ông Nguyễn Trọng Thừa nói. “Luật hóa được (việc nịnh bợ) thì cũng tốt” - ông Thừa bình luận thêm.
Báo giới đặt vấn đề nịnh bợ là vấn đề thuộc văn hóa, đạo đức công vụ, công chức, vậy sẽ được quy định như thế nào từ cấp độ ứng xử hằng ngày đến luật.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết Bộ Nội vụ được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng đề án văn hóa công vụ. Khi đề án được ban hành, Bộ tiếp tục xây dựng kế hoạch, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, phân công một số nội dung cho các bộ. “MTTQ và các ban của Đảng đề nghị đề án sẽ áp dụng toàn diện trong hệ thống chính trị” - ông Thừa nói và cho biết ý tưởng của cơ quan xây dựng (Bộ Nội vụ) là chỉ áp dụng trong khuôn khổ khối nhà nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, đề án văn hóa công vụ đánh giá một cách toàn diện vấn đề thực thi nhiệm vụ. Kế hoạch đã được bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành và đã có lộ trình cụ thể.
Phó vụ trưởng Vụ Công chức- viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long trả lời tại cuộc họp báo. Ảnh: T.TUẤN
Bỏ giáng chức để tránh duy tình
“Bộ Nội vụ đã nêu quan điểm trình Chính phủ, Chính phủ cũng thống nhất trình bỏ hình thức kỷ luật giáng chức” - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho biết. Ông thông tin thêm vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận vấn đề này và còn có ý kiến khác nhau.
“Câu hỏi đầu tiên là bỏ hình thức kỷ luật giáng chức có làm bớt tính nghiêm minh, nghiêm khắc của việc thực thi pháp luật hay không? Câu trả lời là không! Vì hình thức kỷ luật giáng chức chỉ áp dụng đối với công chức lãnh đạo quản lý. Ngoài hình thức này còn có hình thức kỷ luật cách chức” - vẫn lời ông Long.
Nếu có thêm giáng chức thì sẽ có năm hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. “Ranh giới giữa giáng chức và cách chức là rất mỏng. Mà quá trình thực thi người Việt Nam ta nhiều khi duy tình. Đáng lẽ ra phải cách chức thì đâu đó có hiện tượng chỉ giáng chức. Đây không phải là lách luật mà là giảm nhẹ hình thức kỷ luật đi” - ông Long nói.
Ngoài ra, việc giữ hình thức kỷ luật giáng chức có xung đột với các yêu cầu về vị trí việc làm. Vị trí việc làm xác định rất rõ, ví dụ một cấp trưởng, ba cấp phó.
“Một người đang là trưởng bị giáng chức, tức là được bổ nhiệm vào một chức vụ thấp hơn. Bây giờ có ba ông phó ngồi đó rồi thì làm gì còn vị trí việc làm để bổ nhiệm ông ấy làm cấp phó” - ông Long dẫn chứng. Ông cho biết điều này khiến thực tế sinh ra một số trường hợp bị giáng chức, chẳng hạn từ vụ phó xuống trưởng phòng, tức là từ cấp phó lại sang cấp trưởng, không tương đương.
Ngoài ra, theo ông Long, việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đáp ứng yêu cầu tương thích với bốn hình thức kỷ luật bên Đảng quy định gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Điều này giúp bảo đảm sự liên thông trong công tác cán bộ.
Con được nâng điểm, sao “bêu tên” cha?
PV đặt câu hỏi: “Bộ Nội vụ đánh giá thế nào về việc có nhiều cán bộ, công chức, viên chức có con được nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua? Quan điểm xử lý những cán bộ này thế nào, có công bố danh tính hay không?”.
Ông Nguyễn Tư Long nói quy định của pháp luật rất rõ: “Sai phạm đến đâu xử lý đến đó”. Theo ông, cần đặt vấn đề công bố danh tính cha (hoặc mẹ) để làm gì. Nếu các cán bộ đó có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, hành chính. Nếu có việc tác động đến việc chạy điểm thì sẽ bị xử lý nghiêm. Lúc đó, việc có công bố danh tính hay không ở tại giai đoạn tố tụng phải theo quy định của pháp luật.
“Việc công bố danh tính phải cân nhắc nhiều vấn đề, đặc biệt là có hành vi vi phạm hay không, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quyền về nhân thân của cán bộ” - ông Long nói.
Báo chí hỏi về việc kỷ luật ông Nguyễn Bá Cảnh Báo chí đã đặt câu hỏi về việc vừa qua Đà Nẵng có một số trường hợp kỷ luật cán bộ trẻ như ông Nguyễn Xuân Anh và gần đây nhất là trường hợp ông Nguyễn Bá Cảnh. “Bộ Nội vụ có bình luận gì về việc nhiều cán bộ trẻ liên tục bị kỷ luật, có rút được kinh nghiệm gì trong việc bổ nhiệm cán bộ trẻ” - báo chí nêu. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng chính sách đối với cán bộ trẻ được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. “Ít có nước nào quy định 15% cán bộ trẻ tham gia cấp ủy” - ông Thừa nói và khẳng định các chính sách về cán bộ trẻ của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào, thậm chí có những chính sách vượt trội. Ông Nguyễn Tư Long (Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ) cho biết thêm: Việc xử lý kỷ luật cán bộ trẻ, việc thu hút cán bộ trẻ có năng lực lúc nào cũng cần thiết. “Cái cần làm nhất là thắt chặt và làm nghiêm túc hơn tốt hơn đầu vào, tuyển đúng cán bộ trẻ có năng lực, có trình độ và có mong muốn cống hiến trong bộ máy nhà nước. Tuyển dụng rồi, cần đào tạo họ thực hiện đúng nhiệm vụ, không dẫn đến vi phạm” - ông Long nói. Trước đó, Thành ủy Đà Nẵng xác định ông Cảnh vi phạm Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình, vi phạm Quy định 47 của trung ương về những điều đảng viên không được làm, đề nghị kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông. |