Đề xuất chế tài mạnh thương nhân xuất khẩu gạo không báo cáo

(PLO)- Theo Bộ Công thương, số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo định kỳ theo quy định đạt dưới 50%, cần có chế tài mang tính răn đe đối với các hành vi vi phạm về chế độ báo cáo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý dự thảo lần thứ tư nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Video: Đề xuất chế tài mạnh thương nhân xuất khẩu gạo không báo cáo

Theo VCCI, dự thảo bổ sung quy định về ủy thác xuất khẩu gạo (quyền kinh doanh xuất khẩu gạo). Theo đó, thương nhân có giấy phép xuất khẩu gạo chỉ được ủy thác hoặc nhận ủy thác từ thương nhân có giấy phép.

Theo VCCI, tờ trình dự thảo giải thích quy định này để tránh trường hợp doanh nghiệp (DN) không được cấp phép uỷ thác nhận từ DN được cấp phép để thực hiện thủ tục xuất khẩu gạo tại cơ quan hải quan, không đảm bảo công tác quản lý cũng như truy xuất nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ không cho phép DN được cấp phép xuất khẩu gạo nhận ủy thác xuất khẩu từ DN chưa có giấy phép. Từ đó hạn chế cơ hội xuất khẩu gạo của các DN nhỏ đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới.

Theo phản ánh của DN, những yêu cầu về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn cần chi phí đầu tư lớn, chỉ phù hợp với DN xuất khẩu gạo số lượng lớn. DN nhỏ đang cố gắng thâm nhập các thị trường mới rất khó đáp ứng.

Trong khi đó, nhiều DN Việt rất năng động trong tìm kiếm thị trường mới như Châu Âu, Canada… Hơn nữa, khách hàng tại các thị trường này thường có nhu cầu tìm kiếm DN cung cấp nhiều loại nông sản chứ không riêng gạo.

Những DN này vẫn không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cao như trên mà buộc phải ủy thác xuất khẩu cho DN đủ điều kiện. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định DN có giấy phép chỉ được nhận ủy thác xuất khẩu từ thương nhân khác có giấy phép.

mua-gao-gia-cao.jpg
Hiện giá gạo có biến động nhẹ so với tháng trước. ẢNH: TÚ UYÊN

Bên cạnh đó, dự thảo lần thứ tư nghị định sửa đổi, bổ sung chế tài thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đối với "Tường hợp sau 45 ngày kể từ ngày Bộ Công thương có văn bản đôn đốc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mà không nhận được báo cáo theo quy định".

Theo Bộ Công thương, nghị định 107/2018 quy định thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, thực tế tồn kho…

Tuy nhiên, số lượng thương nhân báo cáo định kỳ theo quy định đạt dưới 50% tổng số thương nhân được cấp giấy chứng nhận (210). Năm 2019 chỉ khoảng 18%, năm 2020 khoảng 25%, năm 2021 khoảng 45%, năm 2022 đạt 30%. Trong tám tháng đầu năm 2023 số lượng thương nhân báo cáo chỉ đạt 40%.

Với tỉ lệ trên, cơ quan quản lý thiếu thông tin, số liệu cần thiết phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo. Vì vậy, cần có chế tài mang tính răn đe đối với các hành vi vi phạm về chế độ báo cáo của các thương nhân.

Đa số ý kiến bộ, ngành, địa phương thống nhất bổ sung chế tài này.

Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 18-10, trên cả nước có 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trong 26 địa phương, TP.HCM có số lượng thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo chiếm nhiều nhất với 37 thương nhân.

Vị trí thứ hai là TP Cần Thơ có 35 thương nhân, Long An là 22 thương nhân, An Giang có 16 thương nhân.

Trước đó, tính đến ngày 17-8, cả nước có 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trong 29 địa phương, TP.HCM cũng chiếm nhiều nhất với 47 thương nhân, Cần Thơ là 42 thương nhân, Long An có 25 thương nhân, An Giang là 18 thương nhân

.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm