Chiều 10-10, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM chủ trì hội thảo góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sẽ được QH thông qua tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XV.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VÕ THƠ |
Bà Phạm Thị Ngọc Thùy, Phó phòng Quản lý giá Sở Tài chính TP, kiến nghị nên bỏ danh mục 3 về “Dịch vụ sử dụng đường bộ, gồm đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh” ra khỏi danh mục do Nhà nước định giá.
Theo bà Thùy, dự án xây dựng đường bộ đều thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) thông qua các hợp đồng dự án được ký kết giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư (hợp đồng BOT). Trong đó quy định mức giá thu phí cụ thể, phương án tài chính, thời gian hoàn vốn (đa số các dự án đều có thời gian hoàn vốn 20 năm, 30 năm...).
Do đó, việc UBND cấp tỉnh quy định mức giá áp dụng hàng năm sẽ không phù hợp với nội dung theo hợp đồng PPP đã ký kết. Trường hợp phải điều chỉnh hợp đồng PPP sẽ dẫn đến điều chỉnh hàng năm.
“Điều này vừa không khả thi vừa mất rất nhiều thời gian, công sức của các bên” - bà Thùy nhìn nhận.
Bà Phạm Thị Ngọc Thùy, Phó phòng Quản lý giá Sở Tài chính nêu kiến nghị. Ảnh: VÕ THƠ |
Bà Thùy cũng đề xuất điều chỉnh danh mục số 21 về “Dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập”. Cụ thể, đề xuất điều chỉnh thành Bộ Y tế quy định giá tối đa và cơ sở khám chữa bệnh quy định giá cụ thể.
Bà Thùy cho biết thực tế thực hiện nay, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định mức giá cụ thể, vì để làm được thì cần xây dựng phương án giá trên cơ sở cơ cấu chi phí của các cơ sở y tế công lập.
“Việc cơ sở khám chữa bệnh quy định giá cụ thể sẽ phù hợp với những yêu cầu cấp thiết trong công tác kiểm dịch y tế” - bà Thùy nhận định.
Phó phòng Quản lý giá Sở Tài chính TP cũng kiến nghị điều chỉnh danh mục số 32 về “Dịch vụ ra, vào bến xe ô tô” thành cho phép tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện kê khai giá và niêm yết giá đối với giá dịch vụ ra, vào bến xe ô tô.
Bà Thùy nêu lý do là hiện nay cơ sở vật chất của các bến xe có quy mô khác nhau nên giá dịch vụ ra, vào bến xe ô tô cũng khác nhau. Do đó, việc cho các bến xe tự quyết định mức giá cụ thể là giao quyền chủ động cho các bến xe trên cơ sở quản lý giá của sở ngành quản lý bằng biện pháp kê khai giá. Tuy nhiên, khi đơn vị đề xuất điều chỉnh tăng giá phải có cơ sở giải trình mức tăng phù hợp kèm theo thuyết minh cơ cấu chi phí.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ ý kiến, góp ý của các ĐB và có báo cáo đến QH về các kiến nghị. “Nội dung các ý kiến của ĐB là cơ sở để đoàn ĐBQH nghiên cứu và đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XV" - bà Tuyết nói.
Bổ sung quy định về luật kê khai giá đối với mặt hàng thiết yếu
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Võ Văn Thủ, Phó Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Bình Chánh, nhận định cần bổ sung quy định về luật kê khai giá đối với mặt hàng thiết yếu.
“Qua thực tế có thể thấy việc kê khai của các đơn vị rất ít và hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý cụ thể những cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm kê khai cũng như hậu kiểm. Nếu không giải thích rõ các cơ cấu thì rất khó để xử phạt khi vi phạm” - ông Thủ nói.
Ông Võ Văn Thủ, Phó Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Bình Chánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VÕ THƠ |
Ông Thủ phản ánh thực tế trước đây nếu kê khai giá cao hơn giá niêm yết sẽ bị phạt nhưng giờ kê khai giá thấp hơn giá niêm yết cũng bị phạt. Đơn cử, nếu kê khai giá là 100.000 đồng thì bán đúng 100.000 đồng chứ không được bán cao hơn hoặc thấp hơn giá niêm yết.
Ông Võ Văn Thủ cũng cho rằng cần phải làm rõ, phân biệt giữa định giá và thẩm định giá. Đặc biệt định giá thì có định giá trong quá khứ và định giá trong tương lai. Hiện nay, Hội đồng định giá chỉ nêu phương pháp nhưng thực tế để cho ra một giá chuẩn là rất khó, bởi vì nếu áp dụng phương pháp này sẽ cho ra giá khác.