Đại biểu kiến nghị bổ sung quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh online

(PLO)- Các đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh trên không gian mạng và khai thuế theo hình thức điện tử để minh bạch nguồn hàng hoá, bảo vệ người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 10-10, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM chủ trì hội thảo góp ý cho dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo. Ảnh: VÕ THƠ

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo. Ảnh: VÕ THƠ

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Thủ Đức thông tin, sau dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh trên không gian mạng chiếm 60%. Bà Trâm kiến nghị dự thảo luật cần quy định rõ về việc cung cấp thông tin, thuế... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM nhìn nhận, tại điểm d, khoản 1, điều 22 của dự thảo luật có quy định, yêu cầu của đơn vị bán hàng, người bán hàng trực tuyến tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí và quảng cáo nhưng thiếu quy định pháp luật về thuế.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VÕ THƠ

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VÕ THƠ

Theo Thượng tá Hà, hiện nay Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, bán hàng qua mạng và các trang thương mại điện tử. Vì vậy, trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần phải thêm quy định về việc khai thuế theo hình thức điện tử.

“Tôi đề nghị bổ sung thêm quy định pháp luật về thuế. Việc khai thuế giúp cơ quan chức năng dễ quản lý, nắm đầu vào đầu ra và tính minh bạch của hàng hoá. Đồng thời việc bổ sung sẽ hoàn thiện quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn”, Thượng tá Hà nói.

Bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện Sở Thông tin & Truyền thông nhận định, trong giai đoạn tới, hoạt động kinh doanh trên môi trường điện tử sẽ phát triển rất nhanh. Điều này dẫn đến các hoạt động quảng cáo cũng ngày càng được được đẩy mạnh. Tuy nhiên, quy định hiện nay chưa xác lập đến vấn đề quảng cáo xuyên biên giới. Vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về những dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội.

“Gần đây tình trạng trốn thuế rất nhiều và thường đến từ các dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Tôi kiến nghị cần quy định rõ ràng về luật này để dễ dàng áp dụng vào thực tiễn”, bà Hà đưa ra kiến nghị.

Phát biểu kết luận hội thảo, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, đoàn ĐBQH sẽ tiếp thu các ý kiến, góp ý của các đại biểu về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

"Trước mắt, tôi sẽ chuyển thông tin đến các ĐBQH trong đoàn để tiếp tục nghiên cứu và đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 4 quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10, 11 sắp tới", bà Tuyết nói.

Quy định về việc cung cấp thông tin người tiêu dùng cho bên thứ ba

Bà Vũ Ngọc Anh, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, hiện nay dự thảo đã quy định các tổ chức cá nhân kinh doanh khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng phải để người tiêu dùng lựa chọn, cho phép hoặc không cho phép việc tiết lộ chuyển giao thông tin cho bên thứ ba.

“Tôi cho rằng người tiêu dùng cần được biết về bên thứ ba để cho họ có thêm thông tin về quyết định lựa chọn có cung cấp thông tin hay không”, bà Ngọc Anh nói.

Vì vậy, bà Ngọc Anh cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh có cơ chế tiếp nhận yêu cầu của người tiêu dùng và thực hiện yêu cầu này, đảm bảo trong một thời hạn nhất định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm