Đề xuất cơ chế sàng lọc cán bộ trên nguyên tắc có vào – có ra, có lên – có xuống

(PLO)- Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ trên nguyên tắc có vào – có ra, có lên – có xuống; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với cơ hội đào tạo, thăng tiến, tiền lương.

Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ trình.

Có cơ chế loại trừ trách nhiệm đối với cán bộ khi thực hiện đề xuất đổi mới

Trong đó, đáng chú ý, Bộ Nội vụ đề xuất chính sách về hoàn thiện quy định về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế tạo nguồn, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị.

Mục tiêu của chính sách này, theo Bộ Nội vụ là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài để phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ trên nguyên tắc có vào – có ra, có lên – có xuống. Ảnh: THUẬN VĂN

Về giải pháp thực hiện, cơ quan lập đề nghị đánh giá tác động ba giải pháp và đề xuất lựa chọn giải pháp 1.

Cụ thể, quyền của cán bộ, công chức được khuyến khích, bảo vệ trong thực hiện nhiệm vụ. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.

Nghiêm cấm biểu hiện, hành vi né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng.

Cơ chế loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo.

Xây dựng cơ chế để bồi dưỡng, sàng lọc, tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ khi đang ở môi trường học tập.

Xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ trên nguyên tắc có vào – có ra, có lên – có xuống; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với cơ hội đào tạo, thăng tiến, tiền lương.

Hoàn thiện chính sách về thu nhập và các đãi chính sách ngộ đủ mạnh để công chức yên tâm công tác, cống hiến; xây dựng chính sách “đột phá” đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cùng những chi phí vô hình

Đánh giá tác động của giải pháp này, Bộ Nội vụ cho hay sẽ giúp tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng mỗi năm từ tình trạng né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định..., chưa kể những chi phí vô hình. Đồng thời, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí vật chất, phòng chống tham ô, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Qua đó, người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ việc thu hút được nhân tài vào làm việc trong bộ máy cơ quan nhà nước; văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH

Với đề xuất này, Bộ Nội vụ cho hay còn tạo cơ sở pháp lý, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Cạnh đó là ngăn ngừa, xử lý nghiêm những cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức sẽ lựa chọn được đúng đối tượng, tăng chất lượng, hiệu quả công việc, giảm các chi phí phát sinh, tạo cơ chế công khai, minh bạch, khuyến khích cán bộ, công chức tự trau dồi, bồi dưỡng.

Giải pháp này còn giúp bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan; hạn chế được tình trạng tiêu cực trong công tác quy hoạch tại nhiều địa phương, đơn vị, đặc biệt là tình trạng cục bộ địa phương, bè phái trong công tác tổ chức cán bộ; chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ.

Tạo động lực, khích lệ ý chí phấn đấu, phát triển nghề nghiệp của mỗi công chức; góp phần phát huy phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ.

Đối với người dân, điều này có tác động tốt đến dư luận thông qua việc tổ chức các kỳ thi công khai, minh bạch, khách quan; sự đồng tình của dư luận xã hội trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính.

Bộ Nội vụ cho hay thời gian dự kiến Quốc hội xem xét thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là tại Kỳ họp thứ 10, tháng 11-2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới