Đề xuất đầu tư mới hệ thống đường gom dọc Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

(PLO)-  Đồng Tháp đề nghị Ban quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp khảo sát để kiến nghị Bộ GTVT bổ sung đầu tư mới hệ thống đường gom dọc 2 bên tuyến Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân có đất bị ảnh hưởng
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản gửi Ban quản lý dự án Mỹ Thuận về việc đầu tư xây dựng hệ thống đường gom và khắc phục ảnh hưởng hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn khi thi công dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Theo đó, Đồng Tháp đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp Sở GTVT tỉnh, UBND huyện Châu Thành tiến hành khảo sát để kiến nghị Bộ GTVT xem xét, bổ sung đầu tư mới hệ thống đường gom dọc hai bên tuyến. Hệ thống đường gom này nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân do việc thực hiện tuyến đường cao tốc đi qua chia cắt thành 2 thửa đất, không có đường đi vào đồng ruộng để sản xuất.

Về khối lượng chiều dài đường gom dự kiến sơ bộ do UBND huyện Châu Thành đề xuất: tại địa bàn xã An Khánh gồm 02 đoạn, với tổng số hộ dân có đất tiếp giáp là 85 hộ. Cụ thể vị trí: từ đoạn từ Rạch Đìa Rúng đến Rạch Cả Trinh phía Đông của đường cao tốc với chiều dài đường gom là 1,235 km, với tổng số hộ có đất tiếp giáp bị ảnh hưởng là 22 hộ; đoạn từ Rạch Cả Trinh đến cầu vượt của đường cao tốc, phía Tây của đường cao tốc với chiều dài đường gom là 2,260 Km, tổng số hộ dân có đất tiếp giáp bị ảnh hưởng là 63 hộ.

Còn tại địa bàn xã An Phú Thuận gồm 3 đoạn, với tổng số hộ dân có đất tiếp giáp là 49 hộ, cụ thể: đoạn từ đập Bà Cả đến sông Xẻo Vang phía bên trái chiều dài đường gom khoảng 0,7 Km; đoạn từ sông Xẻo Vang đến sông Rạch Ấp phía bên trái chiều dài đường gom khoảng 1,4 Km; đoạn 3 từ sông An Phú Thuận đến sông Xẻo Lò giáp xã An Khánh phía bên phải chiều dài đường gom khoảng 1,7 Km.

cao tốc mỹ thuận

Công trình thi công dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh; HD

Đồng thời UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo các nhà thầu định kỳ, thường xuyên kiểm tra, khẩn trương thi công khắc phục kịp thời các tuyến đường bị ảnh hưởng, xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tạo điều kiện đi lại bình thường cho người dân.

Sau khi gần kết thúc công trình, hết nhu cầu sử dụng các tuyến đường địa phương, nhà thầu phải có trách nhiệm thi công hoàn trả mặt đường đúng theo hiện trạng ban đầu tất cả các tuyến đường đã sử dụng (thi công bù vênh đá dăm, láng nhựa mặt đường). Bên cạnh đó cần khảo sát chất lượng một số cầu trên tuyến đã xuống cấp trong quá trình phục vụ thi công, thuê Tư vấn tiến hành kiểm định đánh giá chất lượng công trình cầu làm cơ sở khắc phục (nếu có).

Khi thi công hoàn trả xong có trách nhiệm mời địa phương, phòng chuyên môn của UBND huyện Châu Thành kiểm tra giải pháp khắc phục và lập biên bản tiếp nhận bàn giao trong khoảng thời gian tháng 11-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm