Đề xuất lập quỹ hỗ trợ cho người lao động ngoài trời

(PLO)- Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội trong năm 2024, người lao động ngoài trời có sức khỏe yếu, thường xuyên phải nghỉ làm để điều trị bệnh...

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân bị ngã từ trên cao xuống ở công trình đang thi công trên đường Phó Đức Chính (quận 1, TP.HCM). Qua đánh giá ban đầu, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng.

Đây là một trong những trường hợp điển hình về rủi ro mà người lao động (NLĐ) ngoài trời phải đối mặt.

Rủi ro cao, sức khỏe yếu

Theo ghi nhận của chúng tôi, những người thường xuyên lao động ngoài trời phải đối diện với nhiều rủi ro.

Chị Châu, một người làm công việc bán đồ ăn lề đường hơn 5 năm qua, chia sẻ: “Nhiều khi trời nắng gắt, đứng lâu khiến tôi đau đầu, mệt lả. Có lần tôi bị chóng mặt, mắt mờ đi nhưng cố bám vào xe bán hàng để đứng vững. Tôi sợ ngã mà không ai đỡ thì lỡ hỏng cả xe bánh, coi như mất hết vốn”.

Chị Châu bán chuối chiên từ trưa đến tối mỗi ngày. Ảnh: HẢI NHI

Tương tự, ông Lê Minh Tuấn (quê An Giang), mưu sinh bằng việc bán kem dạo, cho hay cách đây vài tháng, trong một buổi chiều trời đổ mưa lớn, ông Tuấn bị trượt chân khi đẩy xe qua đoạn đường dốc, khiến xe đổ nghiêng và ông ngã mạnh xuống đất.

“Tôi nghĩ nếu khi ấy không có người chống đỡ giùm chắc tôi đã bị thương nặng hơn” - ông Tuấn nói.

Mỗi ngày, ông Tuấn thường đẩy xe kem đi khắp phố. Ảnh: HẢI NHI

Anh Lê Tường Phong (ngụ huyện Bình Chánh), công việc chính là sơn tường, cho biết công việc của anh thay đổi tùy vào từng ngày, khi thì sửa chữa trong nhà, khi thì làm việc ngoài trời.

Công việc sơn tường của anh Phong đòi hỏi sự tập trung cao độ, dù làm trong nhà hay ngoài trời. Ảnh: HẢI NHI.

“Ngày nào tôi được làm trong nhà thì khỏe hơn, ngoài trời cực lắm, nhất là thời tiết nắng nóng. Có hôm, tôi đang đứng trên giàn giáo để sơn bức tường ngoài trời, ánh nắng chói chiếu vào mắt tôi, tay chân đổ mồ hôi liên tục, suýt thì bị trượt chân vì ánh nắng chiếu vào mắt” - anh Phong chia sẻ.

Người lao động làm việc tại công trường, đối mặt với nắng nóng và nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường xung quanh. Ảnh: HẢI NHI.

Năm 2024, Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), đã tiến hành khảo sát 400 NLĐ làm các công việc ngoài trời tại 4 thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Kết quả khảo sát, có đến 65,5% phải làm việc trong điều kiện thời tiết nguy hiểm. Họ là công nhân xây dựng, lái xe, bán hàng rong, khuân vác… chỉ 32,8% NLĐ có khoản tiết kiệm để ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Cần quỹ hỗ trợ

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, hiện nay người sử dụng nhóm lao động ngoài trời chỉ được hỗ trợ chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân cơ bản.

“Chính quyền địa phương cần xây dựng một hệ thống các trạm nghỉ di động tại những khu vực đông như chợ, bến xe và khu vực xây dựng… Tôi đề xuất cần thiết lập một quỹ hỗ trợ thu nhập khẩn cấp dành riêng cho người lao động ngoài trời trong những ngày thời tiết cực đoan” - PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đề xuất.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội. Ảnh: TÙNG NGUYÊN

Để việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động ngoài trời khả thi hơn, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết không nên chỉ tập trung vào các dịch vụ miễn phí, phải cần thêm sự kết hợp hài hòa giữa các dịch vụ miễn phí và có thu phí, phù hợp với khả năng chi trả của người lao động.

Đặc biệt, cần xã hội hóa các địa điểm hỗ trợ, nhằm tạo ra không gian nghỉ ngơi an toàn, tiện ích.

“Các công viên cũ hoặc xuống cấp có thể được nâng cấp, tận dụng trạm dừng xe buýt, hợp tác với các quán cà phê và doanh nghiệp ưu tiên có công nghệ tiên tiến để cung cấp các dịch vụ nghỉ ngơi tại chỗ, phục vụ cả người lao động ngoài trời lẫn người dân" - ông Nhựt nói.

Đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng thu nhập của lao động ngoài trời rất thấp. Ảnh: HẢI NHI

Ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho biết công đoàn sẽ xem xét mở rộng việc thu thập và bổ sung số liệu về tình hình hỗ trợ hiện tại cho nhóm này.

“Đặc biệt, công đoàn quan tâm xây dựng các nghiệp đoàn lao động tự do, tổ chức các điểm dừng chân an toàn, nơi người lao động có thể nghỉ ngơi sau giờ làm việc” - ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, công đoàn sẽ tăng cường cung cấp thiết bị bảo hộ hiện đại, dịch vụ y tế di động tại công trường và thúc đẩy các điểm dừng chân an toàn. Đồng thời, công đoàn sẽ kiểm tra định kỳ, kiến nghị giảm giờ làm trong thời tiết khắc nghiệt và cải thiện chế độ dinh dưỡng cho lao động.

NLĐ ngoài trời ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ảnh: HẢI NHI

Trao đổi với PLO, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn an toàn lao động bài bản để giảm thiểu rủi ro khi làm việc ngoài trời.

“Ngoài việc hướng dẫn sử dụng thiết bị bảo hộ hay phòng ngừa tai nạn cơ bản, cần chú trọng hơn nữa vào việc trang bị kỹ năng thực tế, đặc biệt là cách ứng phó với các nguy cơ như say nắng, kiệt sức do nhiệt hay mất nước.

Cạnh đó, lao động ngoài trời cần được đội ngũ chuyên môn hướng dẫn cách nhận biết sớm các dấu hiệu say nắng như chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi nhiều cũng như vấn đề về dinh dưỡng, bổ sung nước và muối khoáng đúng cách để giảm nguy cơ mất nước khi lao động ngoài trời” - ông Hải cho hay.

Nhiều lao động ngoài trời thường xuyên phải nghỉ làm để điều trị bệnh

Theo Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội, kết quả khảo sát trong 400 người lao động làm các công việc ngoài trời, có 22,3% NLĐ ngoài trời có sức khỏe yếu, dễ bị tác động bởi thời tiết và thường xuyên phải nghỉ làm để điều trị bệnh.

Nhóm lao động ngoài trời chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30-60, chiếm đến 70,5%; 48,5% đã gắn bó với công việc này trên 10 năm; 46,3% lao động ngoài trời tốt nghiệp trung học cơ sở, trong khi 19,3% chỉ dừng lại ở cấp tiểu học.

Một phát hiện đáng lo ngại khác là 21 loại bệnh tật đã được ghi nhận với các bệnh liên quan đến nhiệt độ chiếm tỷ lệ cao nhất (23,8%). Nhiều trường hợp ghi nhận mức giảm thu nhập lên đến 40-50% trong những tháng cao điểm nắng nóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới