Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: ‘Tôi không đồng tình’

(PLO)- Nhiều nhà giáo không đồng tình đề xuất miễn học phí cho con giáo viên. Bởi nghề giáo không nên có đặc quyền, đặc lợi, hãy bình đẳng như các nghề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8-10 họp cho ý kiến lần 2 về dự thảo Luật Nhà giáo.

Bộ GD&ĐT - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo, đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác.

Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi miễn học phí cho con giáo viên dự kiến khoảng 9.200 tỉ đồng mỗi năm.

Cô trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận 12 trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sau khi nắm bắt thông tin trên, nhiều nhà giáo đã bày tỏ quan điểm của mình.

"Tôi không đồng tình"

Một giáo viên đang làm việc tại tỉnh Nghệ an thẳng thẳn bày tỏ việc miễn học phí cho con giáo viên không nên. Thứ nhất, giáo viên là công chức nhà nước cũng giống như bộ đội, công an, cũng như bộ phận hành chính nhà nước. Do đó, không có lý do gì để có thể miễn học phí cho con em giáo viên.

Hơn nữa, lực lượng giáo viên rất đông, nếu thực hiện miễn học phí cho con em giáo viên sẽ là một khoản hụt về mặt ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện nay mức lương của giáo viên cũng đã được cải thiện, nếu so với mặt bằng chung trong xã hội không thuộc dạng thấp cho nên không có lý do gì để miễn học phí.

“Mặt khác, thời điểm hiện tại có rất nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục, hơi nhạy cảm. Trong bối cảnh thực tế hiện nay lại đề xuất miễn học phí cho con em giáo viên thì ngay lập tức sẽ phản tác dụng.

Nếu cảm thấy đãi ngộ của nhà nước đối với ngành giáo dục chưa đủ, hãy thay đổi bằng cách tăng lương, tăng phụ cấp cho giáo viên, không nhất thiết phải thực hiện động thái trên” - giáo viên này bày tỏ.

Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, TP Thanh Hóa, cho hay đề xuất miễn học phí cho con giáo viên từ bậc mầm non đến đại học là một ý kiến ý nghĩa, nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của xã hội đến nhà giáo.

Tuy nhiên, thầy Hiển cho rằng nghề giáo không nên có đặc quyền, đặc lợi mà hãy bình đẳng như các nghề khác, không nên đưa quy định này thành thực tế.

“Nếu có, hãy nêu quy định miễn học phí cho con nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn" - thầy Hiển nhấn mạnh và cho rằng ngân sách nhà nước nên ưu tiên miễn giảm học phí cho con em các dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em mồ côi, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật... rồi sau đó có thể mở rộng dần đối tượng miễn giảm học phí.

Điều quan trọng hiện nay là làm sao để toàn dân được đi học mà không phải đóng học phí, học phí càng thấp càng tốt chứ không phải miễn cho đối tượng này đối tượng khác nữa.

Là một giáo viên và có các con đang bắt đầu đi học, tôi không đồng tình với đề xuất trên dù đó là một đề xuất rất tốt.

Thầy Lê Đình Hiển

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận 12 trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

"Vui vì được quan tâm"

Trước đề xuất trên, nhiều nhà giáo cảm thấy vui vì được quan tâm.

Cô Lê Thị Thu Ngân cùng học trò của mình. Ảnh: TN

Cô Lê Thị Thu Ngân, Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, nói: “Là giáo viên, tôi cảm thấy vui khi nghe được thông tin trên vì được ghi nhận công sức đóng góp vào ngành giáo dục. Giáo viên lương đã có sự cải thiện nhưng chưa cao do đó khi được miễn học phí cho con em sẽ đỡ một phần rất lớn gánh nặng về kinh tế. Từ đó, giáo viên sẽ có thêm động lực để dạy học sinh, toàn tâm toàn ý cho công việc”.

Tương tự, thầy ĐTH, giáo viên THCS tại quận Gò Vấp, chia sẻ đề xuất miễn học phí cho con giáo viên là sự tri ân cho những người trực tiếp làm công tác giáo dục, đứng lớp giảng dạy.

Thay vì tăng lương, giảm hoặc miễn học phí cho con giáo viên cũng là cách đảm bảo cuộc sống để thầy cô an tâm cống hiến. Bên cạnh đó, điều này cũng góp phần thu hút người giỏi vào ngành giáo dục.

Các bé Trường Mầm non Mai Vàng, quận Gò Vấp trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trong khi đó, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho rằng đề xuất trên cho thấy được sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đối với đời sống nhà giáo. Lương nhà giáo không cao, việc hỗ trợ này cũng giúp nhà giáo an tâm hơn trong công tác và có thể đồng hành, gắn bó lâu dài với ngành.

Tuy nhiên, thầy Bảo nhìn nhận việc làm này cần được cân nhắc cẩn thận, trước tiên là cần lắng nghe ý kiến từ xã hội.

“Bởi nó có thể khiến nhiều người cảm thấy thiếu sự công bằng giữa các ngành nghề. Thêm vào đó, việc miễn học phí còn phải tính đến chuyện nhà giáo có muốn nhận ưu đãi này hay không. Nó liên quan tới lòng tự trọng của mỗi người khi nhận bất kì ưu ái nào của xã hội".

Thầy Võ Kim Bảo

Đảm bảo công bằng giữa các đối tượng

Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỉ đồng mỗi năm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá nguồn hỗ trợ của Nhà nước đối với chính sách này tương đối lớn.

“Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hàng năm. Các đồng chí phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý và cho rằng việc đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng là quan trọng nhất.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ phạm vi, đối tượng thụ hưởng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo, nhất là chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới