Học sinh, giáo viên ở Hà Nội mong sớm chốt 3 môn thi vào lớp 10

(PLO)- Đề xuất thi 3 môn kỳ thi vào lớp 10, trong đó có Toán và Ngữ văn, môn còn lại được bốc thăm ngẫu nhiên khiến cả học sinh, gia đình và thầy cô lo lắng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến các địa phương, trường học về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, trong đó có việc góp ý cho phương án thi vào lớp 10 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đưa ra 2 phương án thi vào lớp 10: Xét tuyển hoặc thi tuyển.

Trong đó, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của học sinh. Nếu học sinh lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Về thi tuyển, Bộ GD&ĐT đề xuất kỳ thi diễn ra với 3 môn Toán, Ngữ văn và 1 môn được bốc thăm ngẫu nhiên, thuộc chương trình mới. Môn này được công bố trước ngày 31-3 hàng năm. Học sinh thi trường chuyên sẽ thi thêm môn chuyên tương ứng.

Như vậy, các môn còn lại thi vào lớp 10 có thể là: Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Hoá học, Vật lý, Sinh học), Lịch sử - Địa lý, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân. Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.

thi vào lớp 10 -7.jpg
Đề xuất thi 3 môn kỳ thi vào lớp 10, trong đó 1 môn được bốc thăm ngẫu nhiên khiến nhiều học sinh hoang mang. Ảnh minh họa: THANH THANH

Học sinh hoang mang, phụ huynh lo lắng

Em Nguyễn Phùng Nhật Hà, học sinh lớp 9, Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, cho biết hiện em có 6 buổi học Ngữ văn, 4 buổi học Toán và 4 buổi tiếng Anh.

“Nếu được chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10, em và phần lớn các bạn trong lớp đều mong sẽ là môn tiếng Anh. Trong lớp có nhiều bạn học thiên về các môn Khoa học tự nhiên, một số bạn lại học Khoa học xã hội nhiều hơn nên em nghĩ tiếng Anh là môn thi thứ 3 thì sẽ hợp lý nhất” - em Nhật Hà nói.

Tương tự, em Nguyễn Bảo Linh, học sinh lớp 9, Trường THCS Kim Giang, quận Hoàng Mai, cho biết hiện em có 4 buổi học môn Toán, 2 buổi học Ngữ văn và 3 buổi học tiếng Anh.

“Em mong kỳ thi vào lớp 10 giống như năm trước, với 3 môn thi là Toán, Ngữ văn và tiếng Anh, vì theo chương trình học hiện tại thì đây vẫn là những môn mà chúng em được ôn luyện nhiều nhất và bản thân chúng em cũng tự đầu tư nhiều thời gian nhất” - Linh chia sẻ.

Theo phụ huynh Bùi Thu Trang (quận Đống Đa), năm học này là năm đầu tiên kỳ thi vào lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây vốn đã là một áp lực lớn đối với cả thầy và trò. Việc môn thi thứ 3 kỳ thi vào lớp 10 có thể được bốc thăm ngẫu nhiên và công bố quá muộn (trước ngày 31-3) sẽ tạo rất nhiều khó khăn cho cả thầy trò và gia đình.

“Thay vì cần tập trung ôn luyện vào 3 môn thi, các con phải học dàn trải, rất căng thẳng. Tôi phản đối đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10, đồng thời tôi mong muốn tổ hợp môn thi hoặc môn thi thứ 3 được công bố sớm hơn để các con có thời gian chuẩn bị một cách tốt nhất” - chị Trang nêu ý kiến.

Còn theo anh Nguyễn Hải Sơn (quận Hoàng Mai), nếu dùng yếu tố may rủi để quyết định môn thi thứ 3 sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của cấp THPT. Bởi, nếu bốc thăm vào môn thuộc khối Khoa học tự nhiên, sẽ có lợi cho các học sinh có định hướng học Khoa học tự nhiên, gây bất lợi cho nhóm học sinh thuộc khối Khoa học xã hội, và ngược lại.

“Như vậy, nếu con tôi học rất giỏi môn Vật lý, lên cấp 3 cháu có định hướng học khối Khoa học tự nhiên, nhưng ngay từ kỳ thi đầu vào đã có kết quả không tốt vì thi 3 môn Toán, Ngữ Văn, Lịch sử, vậy sẽ như thế nào?.

Tôi mong Bộ GD&ĐT nên xem xét lại đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3, chỉ nên thi 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ” - anh Sơn cho hay.

thi vào lớp 10-8.jpg
Phụ huynh đánh giá việc công bố môn thi thứ 3 vào cuối tháng 3 hàng năm gây nhiều khó khăn cho cả thầy trò và gia đình. Ảnh minh họa: THANH THANH

Giáo viên mong sớm chốt và công bố phương án thi

Về phía giáo viên, nhiều thầy cô cũng bày tỏ nên sớm chốt 3 môn thi vào lớp 10, tốt nhất là sau khi kết thúc học kỳ 1 của năm học và nên duy trì thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để giảm áp lực không cần thiết cho cả thầy và trò.

“Là một giáo viên đứng lớp nhiều năm, chuyên ôn tập cho học sinh khối 9, tôi mong muốn Bộ GD&ĐT có thể lựa chọn môn thi thứ 3 là môn học gần gũi với các con và đặc biệt là theo chương trình học mới. Môn thứ 3 này sẽ cho các con cơ hội để phát huy được hết khả năng của mình” - cô Nguyễn Thị P.L, giáo viên một trường THCS trên địa bàn quận Tây Hồ chia sẻ.

Còn theo phó hiệu trưởng của một trường ở Tây Hồ nhận định nếu để số lượng môn thi quá nhiều, không chốt sớm thì sẽ gây áp lực rất lớn cho học sinh. Khối lượng kiến thức quá lớn phải học, phải ghi nhớ, dần dần tạo áp lực thi cử, sinh ra hệ quả tiêu cực.

“Phương án thi 3 môn là phương án tối ưu cho cả học sinh, gia đình và nhà trường, để việc chuẩn bị được chu đáo nhất. Ngoài ra, môn thi thứ 3 cũng cần công bố sớm, không nên để hạn là cuối tháng 3 hàng năm.

Nếu Bộ GD&ĐT lo lắng việc công bố sớm có thể dẫn đến học lệch thì nên tìm phương án khác hiệu quả hơn, thay vì tạo áp lực không cần thiết theo cách này” - vị này cho hay.

Cuối tháng 8-2024, Hà Nội công bố định dạng cấu trúc 7 đề thi minh họa kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025-2026, với 2 môn thi chính thức là Toán và Ngữ văn.

Theo đó, đề Ngữ văn và Toán thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Các môn còn lại có dạng trắc nghiệm, thời gian làm bài trong 60 phút.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm