Đề xuất Sở GTVT quản lý các trung tâm đăng kiểm

(PLO)- Bộ GTVT đề xuất giao Sở GTVT thay Cục Đăng kiểm làm nhiệm vụ cấp, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các trung tâm đăng kiểm…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo (lần hai) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất “nới” một số quy định trong lĩnh vực đăng kiểm và phân cấp cho Sở GTVT quản lý trực tiếp các trung tâm đăng kiểm (TTĐK).

Công an, quân đội tham gia đăng kiểm trong trường hợpcấp bách

Cụ thể, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định “trong trường hợp hệ thống các đơn vị hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới không đáp ứng được nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp thì các cơ sở vật chất, nhân lực kiểm định thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đang thực hiện nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh được công nhận, huy động tham gia thực hiện kiểm định xe cơ giới thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này…”.

Bộ GTVT cho biết quy định này nhằm huy động được tối đa các nguồn lực của xã hội, như cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S/4S… cho công tác cung ứng dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Qua đó, giải quyết một số trường hợp cấp bách khi không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.

Dự thảo cũng bổ sung quy định mỗi TTĐK phải có tối thiểu các bộ phận như ban lãnh đạo, văn phòng và bộ phận kiểm định. Trong đó, tối thiểu phải có một lãnh đạo đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định, một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao phụ trách dây chuyền kiểm định.

Mỗi dây chuyền kiểm định cũng chỉ cần hai đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định. Thay vì phải có tối thiểu ba đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao như quy định hiện hành.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một thành viên của ban soạn thảo cho biết trước đây, khi xây dựng nghị định trên có quan điểm là phải quy định tối thiểu ba đăng kiểm viên để giám sát lẫn nhau. “Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy quy định này không cần thiết vì nếu lỡ cả ba ông “bắt tay” nhau thì cũng không làm gì được. Vì vậy, vấn đề ở đây là việc giám sát con người nên cần nới quy định này” - vị này nói.

Việc thành lập các trung tâm đăng kiểm tới đây sẽ do Sở GTVT quyết định. Ảnh: V.LONG

Việc thành lập các trung tâm đăng kiểm tới đây sẽ do Sở GTVT quyết định. Ảnh: V.LONG

Đề xuất Sở GTVT quản lý trực tiếp các TTĐK

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo này là việc Bộ GTVT đề xuất Cục Đăng kiểm không còn nhiệm vụ cấp, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, thay vào đó Sở GTVT các địa phương được đảm nhận toàn bộ việc này.

Theo đó, hồ sơ xin thành lập TTĐK và các thủ tục có liên quan đến hoạt động đăng kiểm đều chuyển về Sở GTVT giải quyết thay vì Cục Đăng kiểm.

Đại diện Bộ GTVT cho biết việc phân cấp cho Sở GTVT phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước thay vì Cục Đăng kiểm thực hiện như hiện nay. Quy định này cũng để xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát của UBND, Sở GTVT các tỉnh, thành đối với các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

“Cạnh đó, dự thảo cũng quy định điều khoản chuyển tiếp để các sở GTVT có thời gian chuẩn bị sau khi được phân cấp, phân quyền trong việc thực hiện quy định của nghị định này…” - Bộ GTVT cho hay.

Về thời hạn tạm đình chỉ hoạt động của các TTĐK vi phạm, dự thảo không quy định “mềm” từ một đến ba tháng như hiện nay mà quy định “cứng”. Cụ thể, dự thảo quy định: “Đơn vị đăng kiểm bị tạm đình chỉ hoạt động kiểm định ba tháng nếu vi phạm các lỗi như thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, thẩm quyền…”.

Bộ GTVT cho biết việc quy định “mềm” như hiện nay sẽ tạo ra sự tùy tiện trong việc xử lý vi phạm, điều này có thể dẫn đến nhận định thiếu khách quan, tiềm ẩn nguy cơ sinh ra tiêu cực của cơ quan quản lý.

Về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên, cơ quan soạn thảo giữ nguyên yêu cầu tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí nhưng rút ngắn thời gian thực tập đối với đăng kiểm viên ở các cơ sở bảo dưỡng theo hướng: “Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô theo quy định có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12 đến 24 tháng thì thời gian thực tập là sáu tháng, trên 24 tháng thì thời gian thực tập là ba tháng (có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô)”.

Bộ GTVT cho biết nghị định trên được sửa theo hướng siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước nhằm minh bạch các thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, công nhận đăng kiểm viên. Đồng thời cũng nới lỏng một số quy định nhằm thu hút được các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của lĩnh vực này.•

Bị tù treo vẫn được làm đăng kiểm viên

Bộ GTVT cũng đề xuất đăng kiểm viên sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong trường hợp “bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới”. Cơ quan soạn thảo cho rằng quy định như vậy để phù hợp với nguyên tắc áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại BLHS. Ví dụ, đăng kiểm viên vi phạm các tội thuộc lĩnh vực khác mà chỉ bị cải tạo không giam giữ thì vẫn có thể làm đăng kiểm viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm