Đề xuất tài xế xe công nghệ đóng BHXH bắt buộc có hợp lý?

(PLO)- Việc đưa tài xế xe công nghệ vào nhóm đối tượng đóng BHXH bắt buộc là cần thiết nhưng phải tính toán lại mức đóng hàng tháng sao cho phù hợp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với mục tiêu hướng đến BHXH toàn dân.

Trong dự thảo báo cáo các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định tại kỳ họp Quốc hội trước, có ý kiến đề nghị cần có quy định bắt buộc tham gia BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức, lao động mới như lái xe công nghệ (Grab, Gojek, Be…).

Nhiều người cho rằng với đề xuất này, tài xế xe công nghệ sẽ được bảo đảm quyền lợi như những người lao động (NLĐ) khác. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn liệu với mức thu nhập không ổn định thì mức đóng sẽ được tính toán như thế nào?

Đóng BHXH bắt buộc để đảm bảo quyền lợi hơn

Anh Nguyễn Văn Hùng (quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ rằng trước đây anh làm công nhân cho một công ty ở quận Bình Tân với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Năm 2021, do tình hình dịch bệnh, công ty mất đơn hàng nên anh mất việc. Vì tham gia BHXH bắt buộc hơn 20 năm nên khi nghỉ việc, anh không được rút BHXH một lần mà phải chờ đến tuổi nhận lương hưu. Không có vốn làm ăn, anh bắt đầu gia nhập xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống.

“Nếu chạy chăm chỉ, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối thì tôi có thể kiếm được 500.000- 600.000 đồng/ngày. Dù công ty quản lý app trừ khoảng 30% số tiền nhận từ khách/cuốc xe nhưng tôi không được đóng một loại bảo hiểm nào. Trước đây, khi tôi còn làm công nhân, dù hàng tháng phải trích một khoản tiền từ lương nhưng đổi lại khi tôi ốm đau thì đã có bảo hiểm y tế lo; nghỉ bệnh cũng nhận được trợ cấp; mất việc có trợ cấp thất nghiệp. Còn hiện nay, hầu như tôi không có quyền lợi gì. Như vậy là rất thiệt thòi cho NLĐ như chúng tôi” - anh Hùng ý kiến.

bhxh bat-buoc- de xuat.jpg
Việc tài xế xe công nghệ vào nhóm đối tượng đóng BHXH bắt buộc là cần thiết nhưng phải tính toán lại mức đóng hàng tháng sao cho phù hợp. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Cùng tâm tư như anh Hùng, chị TTD, chạy xe ôm, giao hàng cho một công ty xe công nghệ được gần 2 năm nay, cũng chia sẻ: “Hiện tôi phải tự mua BHYT hộ gia đình. Tôi chỉ mong được hỗ trợ đóng BHXH, để mỗi khi đi làm yên tâm hơn. Tôi rất muốn được công ty đóng BHXH bắt buộc để sau này có lương hưu; hoặc nếu không đủ thời gian đóng thì khi nghỉ việc cũng có một khoản để dành”.

Không hợp đồng lao động, xác định mức đóng BHXH ra sao?

Khác với ý kiến của anh Nguyễn Văn Hùng và chị TTD, ông Trần Văn Thái, một đối tác chạy xe ô tô công nghệ, băn khoăn: “Dù thu nhập của tôi chủ yếu đều dựa vào việc chạy xe công nghệ nhưng giữa tôi và công ty không bị ràng buộc bởi bất kỳ hợp đồng lao động nào.

Chính vì thế, nếu ngày nào tôi rảnh thì chạy nhiều, bận thì chạy vài cuốc rồi nghỉ. Tôi thấy như vậy thoải mái hơn. Nếu như phải đóng BHXH bắt buộc thì mức đóng hàng tháng sẽ được xác định như thế nào?”.

Tài xế chạy được một cuốc xe 100.000 đồng, sau khi trừ phí % thì công ty sẽ tiếp tục trừ khoản đóng BHXH của người lao động.

Đến cuối tháng, công ty cộng lại phần tiền đã trừ của người lao động và trích thêm phần đóng của công ty để đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.

Ông TRẦN DŨNG HÀ, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM

Tài xế xe công nghệ đóng BHXH bắt buộc là phù hợp

Trao đổi với PV, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, nhìn nhận việc đưa đối tượng tài xế công nghệ, lao động tự do trên môi trường mạng,… tham gia BHXH bắt buộc là phù hợp. Dù những đối tượng này làm việc không có hợp đồng lao động nhưng thực tế có phát sinh quan hệ lao động là có làm việc và có trả lương, có giám sát của một bên,… Tuy nhiên, điều quan trọng là việc tính mức đóng hàng tháng như thế nào thì cần phải tính toán cho hợp lý bởi những người này thu nhập không ổn định.

“Theo tôi để xác định được mức đóng BHXH hàng tháng cho các tài xế xe công nghệ nếu đề xuất này được thông qua thì các công ty cho thuê app phải tính tổng thu nhập của NLĐ trong một tháng và có trách nhiệm đóng cho NLĐ.

Tôi lấy ví dụ, tài xế chạy được một cuốc xe 100.000 đồng, sau khi trừ phí % thì công ty sẽ tiếp tục trừ khoản đóng BHXH của NLĐ. Đến cuối tháng, công ty cộng lại phần tiền đã trừ của NLĐ và trích thêm phần đóng của công ty để đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ” - ông Hà chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng bày tỏ: “Việc mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để hướng đến BHXH toàn dân là cần thiết bởi đây là một trong những chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, đối với các đối tượng như lao động tự do, cụ thể là những tài xế xe công nghệ thì cần phải có sự tính toán, đánh giá thêm về tính khả thi.

Trên thực tế, mức thu nhập của NLĐ thuộc đối tượng này không cao; nếu phải tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ gây thêm nhiều áp lực cho họ. Mặt khác, nếu đưa đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc thì phải tính toán mức đóng phù hợp hơn và cần có chính sách hỗ trợ thêm với tháng thu nhập của NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Có như thế, mục tiêu hướng tới BHXH toàn dân mới khả thi; và chính sách an sinh này mới thực sự có ý nghĩa”.

6 nhóm đối tượng được đề xuất tham gia BHXH bắt buộc

Theo cơ quan soạn thảo, dự luật đã quy định thêm nhóm người phải tham gia BHXH bắt buộc gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng (quy định hiện hành là đủ 3 tháng), kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác (biên bản, giao kèo) nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

- Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.

- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động nước ngoài có hợp đồng lao động ở Việt Nam từ 1 năm trở lên.

- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố

- Lao động khu vực phi chính thức, lao động mới như lái xe công nghệ (Grab, Gojek, Be…), hoặc lao động tự do trên môi trường mạng…

- Người làm việc thuộc nhóm giáo viên của các nhóm trông trẻ, dược sĩ của các nhà thuốc tư nhân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm