Đề xuất thành lập đội phản ứng nhanh trật tự đô thị ở TP.HCM

Sáng 18-1, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã gặp gỡ, đối thoại với chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn.

Liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị số 19 về cuộc vận động người dân không xả rác, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Chủ tịch phường 10 (quận 3), cho rằng mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng tình trạng xả rác bừa bãi tại một số khu vực vẫn còn.

Thiếu người kiểm tra, giám sát

Việc xử phạt đối với các hành vi xả rác ra đường, kênh rạch còn ít và chưa thể hiện tính răn đe. “Còn xử lý hành vi vứt rác không đúng nơi quy định chưa được phát huy do thiếu lực lượng kiểm tra, giám sát địa bàn” - bà Loan nói.

322 chủ tịch phường, xã, thị trấn tại buổi gặp gỡ, đối thoại với chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Từ đó, bà Loan cho rằng nên thành lập một đội phản ứng nhanh về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường từ thành phố đến quận, phường. Đồng thời tăng mức xử phạt thật nặng đối với hành vi xả rác không đúng nơi quy định.

“Xử phạt nặng trước tiên nhằm nâng cao tính chấp hành của người dân, sau đó là thay đổi thói quen, ý thức và hành vi xả rác bừa bãi như hiện nay” - bà Loan lý giải. Bà cho rằng hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh qua việc áp dụng Nghị định số 100/2019 của Chính phủ về xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia.

Bà Loan cũng cho rằng khi đời sống người dân khá hơn thì nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa, công trình ngày càng nhiều, nguy cơ dễ phát sinh các điểm đen về tập kết rác có kích thước lớn, cồng kềnh hay rác thải xây dựng. Do vậy TP.HCM cần tổ chức dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn đặc biệt như rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp, vật dụng có kích thước lớn, cồng kềnh... và quy định mức phí đối với dịch vụ này.
Về cải cách thủ tục hành chính, bà Bùi Thị Hồng Quế, Chủ tịch phường 19 (quận Bình Thạnh), cho biết trong năm qua phường đã triển khai nhiều mô hình. Chẳng hạn như: Đề xuất cấp đổi, cấp mới căn cước công dân cho người cao tuổi; tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ tại nhà cho người cao tuổi và người khuyết tật không đi lại được trên địa bàn phường; thẻ xe dân vận; cấp sổ tạm trú trong ngày đối với các hồ sơ hợp lệ của công an phường (rút ngắn 2 ngày so với quy định)...
Kết quả cải cách hành chính của phường cho thấy hầu hết thủ tục hành chính đều trả kết quả trước hẹn và đúng hẹn; không có trường hợp cán bộ, công chức phường bị người dân phản ánh, tố cáo gây phiền hà, nhũng nhiễu.
Theo bà Quế, thông qua các ý kiến góp ý, phản ánh của người dân trong các hội nghị, những vụ việc, vấn đề mà người dân phản ánh nếu có thể giải quyết ngay thì lãnh đạo phường đã trả lời, làm rõ ngay tại buổi đối thoại hoặc yêu cầu các bộ phận liên quan giải trình trước nhân dân.
Còn với những vấn đề cần có thời gian xác minh làm rõ thì lãnh đạo phường nghiêm túc tiếp thu, hẹn thời gian cụ thể giải quyết cho dân. “Từ cách làm việc đó, lãnh đạo phường đã kịp thời giải quyết nhiều vụ việc, vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân và cũng từ đó tạo được niềm tin, đồng thuận cao trong dân” - bà Quế nói.

Đề xuất được lấy hình ảnh camera để phạt nguội

Liên quan đến việc sử dụng camera trong đấu tranh chống tội phạm, giữ an ninh trật tự, bà Quế cho biết khi vận động người dân đóng góp kinh phí cùng Nhà nước lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự, bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhưng sau khi lắp đặt, trong quá trình vận hành, camera bị hư hỏng, việc vận động kinh phí sửa chữa rất khó khăn.

“Chỉ khoảng 50% người dân đồng ý đóng tiền sửa chữa nên khi camera hư hỏng rất khó khắc phục” - bà Quế nói và cho rằng trước năm 2015 TP.HCM có thu quỹ an ninh quốc phòng, sau đó không thu nữa.
Từ đó, bà Quế đề xuất UBND TP trình HĐND TP cho thu quỹ an ninh quốc phòng để trích một phần kinh phí thực hiện cho việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống camera do nhân dân đóng góp được hoạt động liên tục.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch UBND phường 14 (quận Tân Bình), cũng nhìn nhận trên địa bàn TP hiện lắp đặt camera giám sát rất nhiều nhưng chưa phát huy được hết hiệu quả. "Trong các cuộc họp với người dân, bà con nói rất nhiều chuyện này. Cái khó là chưa có cơ chế để sử dụng hình ảnh từ các camera để xử lý vấn đề phát sinh, nhất là khi có vi phạm" - ông Hiếu nói và cho rằng nếu không bắt quả tang thì cũng không xử lý được.
Từ đó, ông Hiếu đề xuất UBND TP xem xét, kiến nghị các ngành chức năng sớm có hướng dẫn quy trình sử dụng hình ảnh từ camera để phạt nguội các vi phạm về an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường nhằm phát huy cao nhất hiệu quả từ hệ thống camera.
Trả lời các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết hiện chỉ có ngành công an và một số đơn vị chức năng được Nhà nước quy định có thẩm quyền sử dụng hình ảnh từ camera để xử lý, xử phạt.
"Các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác trước mắt thông qua hình ảnh từ camera để có giải pháp cảnh giác, ngăn ngừa, răn đe là chủ yếu, còn muốn xử phạt phải có quy định cụ thể về pháp lý" - ông Tuyến nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới