Đến tháng 9, tỉnh Bạc Liêu đã ghi nhận trong báo cáo nhiệm vụ chống khai thác IUU với hàng loạt chỉ số 100%. Đáng chú ý là các chỉ số tàu cá gắn thiết bị định vị, ghi nhật ký khai thác, báo cáo sản lượng, chủng loại khai thác, không xâm phạm vùng biển nước ngoài… đều là 100%. Tất cả nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và hơn cả là sự tự ý thức của bà con ngư dân để cùng chung tay gỡ thẻ vàng.
Gỡ được thẻ vàng, khỏe cả làng
Dù đang bận rộn cùng các ngư phủ chuyển hải sản lên cảng cá Gành Hào, anh Trần Văn Hai (quê Bến Tre) chia sẻ: “Từ khi bị EU thực hiện thẻ vàng với thủy hải sản Việt Nam, giá tôm cá cứ túc tắc đi sau tất cả thứ khác như xăng dầu, ngư lưới cụ. Những chuyến biển càng khó kiếm lời hơn. Từ đó, chúng tôi thường nhắc nhau cỡ nào cũng gắng thực hiện tốt các quy định để sớm gỡ được thẻ vàng. Gỡ được thẻ vàng là khỏe cả làng”.
Còn ngư dân Trương Minh Lợi (quê Kiên Giang) đang có mặt tại cảng này tiếp lời: “Thiệt hại rất lớn cho ngư dân trong mấy năm qua. Giờ ai cũng mong sớm được gỡ thẻ vàng để thủy hải sản Việt Nam được bán đi mọi quốc gia trên thế giới. Điều đó sẽ làm tăng giá cả sản phẩm, ngư dân sẽ có lời mà tiếp tục đầu tư phát triển nghề nghiệp”.
Nhiều ngư dân cùng kể về một quy trình thống nhất, thuộc nằm lòng. Đó là gắn định vị tàu cá 24/24 giờ, hoạt động trên các vùng biển được phép khai thác, tuyệt đối không lén qua vùng biển nước ngoài. Quá trình khai thác, bà con ngư dân ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ về hành trình, về sản lượng đánh bắt được, ghi cả chủng loại tôm cá đã bắt được và bán đi.
Khi muốn vào một cửa biển nào đó để bán sản phẩm phải gọi điện thoại trước cho cơ quan chức năng 1 tiếng đồng hồ. Cập bờ là bà con ngư dân phải đem sổ nhật ký khai thác đi trình cơ quan chức năng, báo cáo cả sản lượng, chủng loại khai thác…
Ông Đặng Mẫn Tiệp, Phó Giám đốc cảng cá Gành Hào, phấn khởi kể về sự chuyển đổi ý thức của ngư dân. Ông bảo rằng chỉ mấy năm thôi, bà con ngư dân đã thay đổi nhận thức rất lớn. Với công việc tiếp nhận kiểm tra ban đầu nhật ký khai thác, báo cáo nguồn gốc, ông và các nhân viên hằng ngày chứng kiến sự đồng thuận, sự đổi thay trong ý thức chống khai thác bất hợp pháp IUU.
Không làm theo quy định chỉ có nước bỏ nghề
Những ngư dân được hỏi chuyện trong chuyến khảo sát ở Bạc Liêu hiểu rõ công tác chống khai thác hải sản trái phép, cũng như toàn bộ hoạt động kiểm soát của Nhà nước đối với nghề khai thác biển. Nhiều người nói nếu không làm theo quy định thì chỉ có nước bỏ nghề.
Ngư dân Phan Thanh Bình (68 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu) cho biết tàu đánh mực của gia đình do con trai ông làm thuyền trưởng đã ra khơi hơn hai tháng qua. Ông Bình chia sẻ: “Dù ở nhà trông cháu nhưng tôi vẫn có thể biết được tàu đang ở đâu và có thể liên hệ với con bất cứ lúc nào. Đặc biệt, những lúc thời tiết xấu hay tàu có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài là tôi liên lạc ngay để nhắc liền. Tất cả là nhờ vào thiết bị giám sát hành trình”.
“Từ hai năm trở lại đây, ngư dân Đông Hải không vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Bà con ngư dân thực hiện nhật ký khai thác, báo cáo truy xuất nguồn gốc ngày càng tốt hơn. Được như vậy do chúng ta tích cực tuyên truyền và do người dân ngày càng hiểu rõ quyền lợi chung khi thẻ vàng của EU được gỡ bỏ” - ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, nói.