Năm gần đây, các ngư dân ở Bạc Liêu đã chung tay thực hiện những hướng dẫn của ngành chức năng trong nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (chống khai thác IUU).
Bất cứ tàu cá nào vào các cửa biển ở tỉnh Bạc Liêu, việc đầu tiên của ngư dân là liên hệ cảng cá Gành Hào hoặc Biên phòng cửa biển Nhà Mát để trình, kiểm tra nhật ký khai thác, ghi nhận sản lượng, chủng loại hải sản đã đánh bắt.
Xoay chuyển tích cực về nhận thức của ngư dân
Điều này cho thấy hiệu quả từ các chiến dịch chống khai thác hải sản bất hợp pháp của Bạc Liêu đã tạo sự xoay chuyển về nhận thức trong cộng đồng ngư dân.
Anh Nguyễn Minh Tuấn là nhân viên của cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Công việc của anh là tiếp nhận thông tin cập bờ của tàu cá, nhận sổ nhật ký khai thác, chứng từ về sản lượng, chủng loại thủy sản khai thác được của ngư dân…
“Ngư dân đánh cá thì giỏi nhưng bảo họ cầm bút ghi chép hành trình, nhật ký khai thác, họ rất ngán ngại. Anh em chúng tôi nỗ lực động viên, hướng dẫn, khuyến khích nhiều năm qua. Bây giờ đã đâu vào đấy. Chỉ còn một bộ phận nhỏ ngư dân chưa biết cách ghi chép cho đúng, cho đủ, còn chút ngán ngại, đối phó. Chúng tôi vẫn còn phải hướng dẫn nhưng công việc giờ nhẹ nhàng hơn trước nhiều” - anh Tuấn kể lại.
Cánh cửa phòng “nơi tiếp nhận sổ nhật ký” lại mở ra, ông Nguyễn Văn Bảy bước vào, mặt tươi cười và đưa tập hồ sơ cho anh Tuấn kiểm tra. Anh Tuấn mở hệ thống giám sát tàu cá trên máy tính và bắt đầu đối chiếu hành trình.
Qua rà soát kỹ càng, anh Tuấn ký xác nhận, đóng dấu và trả sổ nhật ký cho ông Bảy. Từ các chứng từ này, tàu cá của ông Bảy sẽ được ra khơi tiếp, bằng không có thì sẽ bị các lực lượng biên phòng, kiểm ngư, cảnh sát biển kiểm tra và không cho ra khơi.
Ông Nguyễn Văn Bảy chia sẻ: “Bà con đang cố gắng làm cho đúng quy định để cùng Nhà nước gỡ thẻ vàng thủy sản. Bà con đã thấy rõ vì cái thẻ này mà nhiều năm qua, giá cả tôm cá khai thác được gần như đứng tại chỗ, trong khi giá xăng dầu, vật tư, ngư lưới cụ cứ tăng đều, năm sau cao hơn năm trước, thậm chí tháng sau đã cao hơn tháng trước”.
Xây dựng khung pháp lý rõ ràng, quyết liệt
Tại báo cáo chín tháng đầu năm 2023 của Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Bạc Liêu thể hiện cốt lõi là bám sát, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp chống IUU của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương chỉ đạo, giao phó cho địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến quy định về khai thác thủy hải sản, chống khai thác IUU…
Đồng thời, việc xử lý vi phạm liên quan khai thác hải sản luôn thực hiện đúng phương châm 100% vi phạm phải bị xử lý đúng quy định, đồng thời được công khai để tuyên truyền chung. Trong đó, các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá của ngư dân Bạc Liêu đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, cơ quan chức năng của Bạc Liêu đều điều tra, truy tố và xét xử nghiêm.
Theo ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, đến nay sở đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 quyết định, 1 chỉ thị, 9 kế hoạch, 2 quy chế phối hợp và hàng loạt văn bản triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia chống khai thác IUU.
Bạc Liêu đã thành lập được 16 tổ tàu thuyền an toàn tại TP Bạc Liêu và huyện Đông Hải với tổng cộng 118 tàu. Ngoài việc hỗ trợ nhau khi đánh bắt trên biển, các tổ còn tích cực tuyên truyền, vận động nhau cùng chống khai thác IUU.
“Khi mọi hoạt động của chiến dịch được triển khai trên các khung pháp lý rõ ràng, chiến dịch chống khai thác IUU của tỉnh đã có những kết quả ngoài mong đợi. Năm 2022, Bạc Liêu đã không còn một ngư dân nào vi phạm vùng biển nước ngoài, số lượng phương tiện gắn thiết bị định vị, ghi nhật ký khai thác, báo cáo sản lượng chủng loại khai thác đều đã đạt 100%” - ông Phạm Văn Mười chia sẻ.
Không chủ quan với kết quả đạt được thời gian qua
Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, từ đó tạo sự chuyển biến rất lớn, bà con ngư dân chấp hành nghiêm nên thời gian qua Bạc Liêu không có tàu nào vi phạm về đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.
“Chúng tôi không chủ quan với kết quả đạt được. Vừa qua Ban Chỉ đạo IUU tỉnh tiếp tục đặt ra năm nhiệm vụ, giải pháp chống IUU trong thời gian tới” - ông Thiều cho hay.
Một là thực hiện chiến dịch truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến quy định về khai thác thủy hải sản, đặc biệt là quy định chống khai thác IUU. Hai là xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS.
Nhìn thẳng vào những tồn tại
Tháng 9, Ban Chỉ đạo IUU tỉnh đã ban hành một báo cáo thể hiện sự quyết tâm gỡ thẻ vàng của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) và có những kế hoạch hành động mới hiệu quả hơn.
Theo đó, tỉnh có những tồn tại, vướng mắc cần sớm tháo gỡ. Đó là các vấn đề về nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất. Cạnh đó việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về khai thác IUU theo Nghị định 42/2019 trong thời gian qua còn hạn chế, chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở. Lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật về khai thác thủy hải sản trên biển và tại cảng cá của tỉnh hiện quá mỏng…
Ba là lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU và các tàu cá đã sang bán nhưng chưa làm thủ tục chuyển nhượng để gửi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương theo dõi, giám sát, quản lý. Bốn là duy trì bền vững hoạt động kiểm tra, kiểm soát tàu cá nhằm đảm bảo 100% tàu cá thực hiện tốt các việc như lắp định vị 24/24 giờ, lập nhật ký khai thác, báo cáo sản lượng… Năm là 100% các vi phạm phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả chống khai thác hải sản trái phép, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết tỉnh đã kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, đảm bảo thường xuyên hiện diện trên các vùng biển, nhất là vùng giáp ranh để kịp thời xử lý các tàu cá vi phạm khai thác IUU, vừa tạo tâm lý an tâm cho ngư dân bám biển sản xuất, vừa kịp thời xử lý các tình huống lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ trái phép tàu cá Việt Nam.
Tín hiệu đáng mừng cho thủy sản Bạc Liêu
Bà con ngư dân Bạc Liêu đã thay đổi nhận thức, cùng chung tay gỡ thẻ vàng.
Theo ông Trần Hải Thọ, thuyền trưởng tàu kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, đơn vị phối hợp với Hải đội 2 biên phòng triển khai nhiều tuần tra, kiểm soát trên biển với 43 phương tiện, tuyên truyền pháp luật cho bà con ngư dân. Qua đó, nhận thức của ngư dân ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với Cảnh sát biển Vùng 4 tuần tra, kiểm soát vùng biển. Nhờ sự phối hợp tốt giữa các đơn vị nên tình hình vi phạm trên biển đã giảm rõ rệt.
Đại tá Đào Huy Hùng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội biên phòng tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Công tác phòng, chống khai thác IUU không thể chỉ một mình biên phòng làm được, mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan chức năng và sự hợp tác, tuân thủ của người dân. Biên phòng đã phối hợp với lực lượng hải quân tuần tra trực tiếp trên biển. Tổ chức đường dây nóng để ngư dân gặp vấn đề thì gọi lực lượng biên phòng điều tàu hỗ trợ. Còn tại đất liền, bộ đội biên phòng luôn có tổ trực 24/24 giờ giám sát, khi phương tiện nào có dấu hiệu đến vùng biển giáp ranh, ngắt kết nối là lực lượng sẽ nhắc nhở ngay”.
Còn ông Đặng Mẫn Tiệp, Phó Giám đốc cảng cá Gành Hào, chia sẻ: “Ngư dân đã thực hiện nghiêm các quy định về khai thác hải sản. Dù còn một số ít ngư dân ghi nhật ký chưa đầy đủ theo quy định nhưng nhìn chung bà con đã có ý thức rất tốt. Nó xuất phát từ việc bà con mình đã nhận ra cái lợi ích chung khi gỡ được thẻ vàng của EU. Một nề nếp mới được hình thành trong ngư dân và doanh nghiệp kinh doanh thủy hải sản. Chỉ mấy năm thôi, bà con ngư dân đã thay đổi nhận thức rất lớn, điều đó rất đáng mừng cho ngành khai thác biển của Bạc Liêu”.