Đi đòi nợ cũng bị tội!

Mới đây, VKSND thị xã Dĩ An (Bình Dương) truy tố một bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản. Nhưng khi xét xử, TAND thị xã Dĩ An lại kết án bị cáo về tội bắt người trái pháp luật, vì cho rằng bị cáo không có ý thức chiếm đoạt.

Buộc con nợ theo về để trả nợ

Theo hồ sơ, Phan Thị Quý và bà Lê Thị Khuê Bích chơi hụi với nhau từ tháng 5-2013. Sau khi hốt tiền hụi 198 triệu đồng, do chưa có khả năng đóng hụi nên ngày 2-9-2013, bà Bích bỏ trốn qua huyện Hóc Môn (TP.HCM) thuê nhà trọ ở. Không tìm thấy bà Bích, bị cáo Quý nhờ anh Tâm (không rõ lai lịch) - bạn của bà Bích đi tìm nơi ở của bà Bích.

Ngày 5-1-2014, anh Tâm tìm được bà Bích đang ở tại xã Xuân Thới Sơn (Hóc Môn) nên báo cho Quý biết. Quý nói anh Tâm dẫn đến nơi bà Bích đang ở. Khi đi, Quý gọi thêm Lưu Thành Điền và một thanh niên khác (không rõ lai lịch) cùng đi. Khi đến nơi, Điền, anh Tâm và người thanh niên đứng ngoài, Quý vào phòng trọ thấy bà Bích đang nằm trên giường. Quý nói với bà Bích: “Bà sung sướng quá, thiếu nợ trốn xuống đây nằm”. Sau đó Quý nói với bà Bích: “Mày đi về với tao, đưa sổ đỏ sang tên cho tao để trả nợ”. Bà Bích gom quần áo bỏ vào ba lô về nhà Quý ở 21A/5, khu phố Tân Phú 2, phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương.

Đến đây, Quý nói bà Phi (mẹ Quý) qua báo công an phường đến giải quyết. Bà Phi đi báo Công an phường Tân Bình nhưng công an viên cho rằng đây là việc dân sự, tự hai bên giải quyết nên bà Phi về nói lại cho Quý biết. Quý kéo dây kéo túi xách của bà Bích trút xuống bàn thì thấy tiền và một túi nhỏ đựng nữ trang. Quý đếm được gần 30 triệu đồng. Bà Bích viết giấy và ký tên với nội dung: “Ngày mùng 5-12-2013 Bích trả Quý 29,8 triệu đồng” rồi giao cho Quý giữ. Đối với nữ trang của bà Bích, Quý nói bà Bích đem đi bán trả nợ. Quý nhờ Hồ Văn Tâm chở bà Bích đi ra tiệm vàng và bán vàng được 54 triệu đồng. Bà Bích đưa Quý số tiền này và yêu cầu Quý viết giấy biên nhận đã trả số tiền gần 84 triệu đồng.

Chuyển tội danh và áp dụng hình phạt nhẹ

Sau đó Quý bị khởi tố hình sự. Cáo trạng của VKSND thị xã Dĩ An đã truy tố Quý về tội cưỡng đoạt tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 135 BLHS.

Tại phiên tòa, trong phần tranh luận, đại diện VKS giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị HĐXX phạt bị cáo Quý từ ba năm sáu tháng đến bốn năm tù.

Bào chữa cho bị cáo, luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội cưỡng đoạt tài sản như cáo trạng truy tố. Bởi lẽ người bị hại nợ tiền của bị cáo nên bị cáo phải đi tìm người bị hại để đòi nợ. Bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tiền của người bị hại. Khi tìm được người bị hại, bị cáo đã nhờ mẹ đi báo công an. Việc bị cáo lấy tiền của người bị hại và buộc người bị hại phải bán vàng để lấy tiền là việc đòi nợ. Số tiền người bị hại đưa cho bị cáo chưa bằng 1/2 số tiền mà người bị hại nợ bị cáo. Hơn nữa, việc người bị hại giao tiền cho bị cáo, người bị hại đều yêu cầu bị cáo viết giấy biên nhận.

Đồng tình với quan điểm của luật sư, HĐXX đã tuyên bố Phan Thị Quý không phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, tòa lại cho rằng bị cáo Quý phạm tội bắt người trái pháp luật. Từ đó, tòa phạt bị cáo tám tháng 21 ngày cải tạo không giam giữ và ghi nhận bị cáo đã chấp hành xong hình phạt vì bị cáo đã bị tạm giam 87 ngày.

Về dân sự, tòa buộc Quý phải trả lại cho người bị hại gần 84 triệu đồng.

Sau phiên tòa, người bị hại kháng cáo, VKS cũng kháng nghị đề nghị TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm kết án bị cáo Quý về tội cưỡng đoạt tài sản. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.

Cẩn thận khi đi đòi nợ

Việc chơi hụi giữa bị cáo Phan Thị Quý và bà Lê Thị Khuê Bích là có thật. Lẽ ra sau khi hốt hụi, bà Bích phải có trách nhiệm đóng hụi như đã thỏa thuận nhưng bà Bích đã không thực hiện nghĩa vụ mà bỏ nhà đến Hóc Môn (TP.HCM) thuê nhà trọ ở để tránh mặt. Do không gặp được bà Bích nên bị cáo Quý phải nhờ một số người đi tìm để đòi tiền hụi. Trong suốt quá trình tìm, gặp và đưa bà Bích về, bị cáo chỉ có mục đích để bà Bích phải trả tiền nợ đóng hụi chứ không có mục đích nào khác.

Việc bị cáo lục túi của bà Bích thấy tiền và vàng là sai nhưng bà Bích cũng đồng ý, không có phản ứng gì. Mục đích của bị cáo cũng chỉ nhằm buộc bà Bích nộp tiền nợ hụi. Sau đó bà Bích đã giao tiền và tự nguyện viết giấy đã trả nợ cho bị cáo. Việc bị cáo buộc bà Bích phải đem số vàng đi bán cũng là để bà Bích có tiền trả nợ chứ hoàn toàn không có ý định chiếm đoạt số vàng của bà Bích. Khi bán được vàng, bà Bích còn yêu cầu bị cáo phải viết giấy đã nhận gần 84 triệu đồng. So với số tiền mà bà Bích phải trả cho bị cáo (194 triệu đồng) thì số tiền mà bà Bích đã thực trả cho bị cáo vẫn còn thiếu hơn 100 triệu đồng nữa.

Như vậy, ngay từ đầu và trong quá trình đi tìm bà Bích, đưa bà Bích từ Hóc Môn về, bị cáo không hề có ý định chiếm đoạt tài sản mà chỉ muốn bà Bích phải trả nợ tiền chơi hụi. Do đó không thể xác định bị cáo có ý định chiếm đoạt và thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của bà Bích. Đã không có ý định chiếm đoạt và không có hành vi chiếm đoạt thì không thuộc nhóm tội chiếm đoạt tài sản.

Tội cưỡng đoạt tài sản là tội bắt buộc phải có yếu tố chiếm đoạt nhưng căn cứ vào diễn biến sự việc và ý thức chủ quan của bị cáo thì bị cáo Quý không có ý định chiếm đoạt tài sản của bà Bích, mà chỉ có ý định đòi nợ. Số tiền bị cáo lấy được của bà Bích chưa được 1/2 số tiền mà bà Bích nợ của bị cáo. Vì vậy, hành vi của bị cáo không phải là hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản như cáo trạng truy tố.

Tuy nhiên, việc chơi hụi cũng như nợ tiền đóng hụi là một quan hệ pháp luật dân sự. Trước đây, quan hệ hụi họ chưa được Nhà nước thừa nhận nhưng nay BLDS đã thừa nhận quan hệ này là quan hệ dân sự. Lẽ ra nếu bà Bích không có tiền đóng hụi thì bị cáo Quý có quyền kiện bà Bích ra tòa án để giải quyết nhưng thay vì kiện ra tòa, bị cáo đã nhờ người đi tìm bà Bích để “xiết nợ” là việc làm không được pháp luật bảo vệ. BLHS nước ta chưa có quy định hành vi “xiết nợ” là hành vi phạm tội nhưng cũng không ủng hộ việc tự xử này. Nếu hành vi “xiết nợ” gây ra những thiệt hại khác cho người bị “xiết nợ” và hành vi đó cấu thành một tội phạm cụ thể thì người có hành vi “xiết nợ” phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, nếu dùng vũ lực gây chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, nếu gây thương tích thì bị truy cứu tội cố ý gây thương tích…

Trong vụ án này, việc bị cáo Quý nhờ một số người đi tìm bà Bích rồi ép bà Bích phải về cùng với mình và buộc bà Bích phải bán vàng trả nợ là hành vi bắt người trái pháp luật được quy định tại Điều 123 BLHS. Do đó TAND thị xã Dĩ An chuyển tội danh, kết án Quý về tội bắt người trái pháp luật là đúng tội.

Tuy nhiên, hành vi bắt người trái pháp luật của bị cáo cùng với một số người cũng xuất phát từ việc bà Bích có lỗi, đã không nộp tiền hụi, lại còn bỏ trốn, gây bức xúc cho bị cáo. Khi bắt được bà Bích, bị cáo cũng đã báo với công an sở tại nhưng công an lại cho rằng đó là việc dân sự nên không can thiệp. Do đó tòa áp dụng loại hình phạt nhẹ hơn là hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo Quý cũng có tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa
Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm