Di sản thế giới oằn mình trước thiên tai và nhân tai

(PLO)- Biến đổi khí hậu, thiên tai và những tác động từ con người đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho quá trình bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-9 tại Saudi Arabia diễn ra phiên họp mở rộng lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Tại lễ khai mạc một số đại biểu đã chia buồn với người dân và chính phủ Morocco về những thiệt hại kinh hoàng sau trận động đất hôm 8-9.

Các đại biểu cũng bày tỏ sự quan ngại về thực tế một số di sản thế giới và nhiều công trình lịch sử tại Morocco bị hư hại sau thảm họa, theo tờ The National.

Nhà thờ Hồi giáo Kharbouch ở thành phố Marrakech (Morocco) bị hư hại nặng nề sau trận động đất. Ảnh: UNESCO

Nhà thờ Hồi giáo Kharbouch ở thành phố Marrakech (Morocco) bị hư hại nặng nề sau trận động đất. Ảnh: UNESCO

Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận sâu về tình trạng các di sản dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai.

Đại biểu của Nigeria đề nghị các nước cần "duy trì và tăng cường" bảo vệ các di sản trước tác động của biến đổi khí hậu. Đại biểu của Nigeria cũng cảnh báo “những sự kiện xung quanh chúng ta gần đây chứng tỏ thời kỳ thử thách lớn hơn đang ở phía trước”.

Tuy nhiên, bên cạnh thiên tai, biến đổi khí hậu, những tác động của con người, các hoạt động du lịch cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến các di sản thế giới.

Di sản thế giới chịu thách thức trước thiên tai

Theo UNESCO, các di sản thế giới và các khu di sản đang phải chịu tác động của các sự kiện thảm khốc do tự nhiên và do con người gây ra, đe dọa tính toàn vẹn và có thể làm tổn hại đến giá trị của chúng. Ngoài ra, di sản thế giới rất dễ bị tổn thương dưới tác động của các thảm họa như động đất, hỏa hoạn, các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Trận động đất mạnh 6,8 độ Richter ở Morocco hôm 8-9 đã khiến một số di sản thế giới vốn được UNESCO công nhận bị hư hại nghiêm trọng.

Nhiều tòa nhà ở Marrakech - thành phố được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1985 - bị hư hại. Trận động đất cũng gây thiệt hại lớn cho nhà thờ Hồi giáo Tinmel được xây dựng vào thế kỷ XII, theo hãng tin Reuters.

Hồi tháng 2 Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hứng trận động đất mạnh 7,7 độ richter khiến hơn 50.000 người thiệt mạng, hơn 3,3 triệu người phải di dời chỗ ở, thiệt hại ước tính 103,6 tỉ USD. Bên cạnh thiệt hại về người và của còn có hơn 8.000 công trình kiến trúc lịch sử bị hư hại, theo Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Các công trình này nằm rải rác trên khắp 11 khu vực ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Syria, thành phố cổ Aleppo bị động đất phá hủy nghiêm trọng. Aleppo được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới kể từ năm 1986 và cũng nằm trong Danh sách Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm từ năm 2013 vì xung đột ở Syria.

Bên cạnh các thảm họa tàn khốc như động đất, biến đổi khí hậu cũng đang khiến các di sản thế giới đối mặt với nhiều rủi ro.

Nhân tai, mối đe dọa tiềm tàng

Bên cạnh những tác động từ thiên nhiên, hành động từ con người cũng đang khiến cho quá trình bảo vệ các di sản gặp nhiều khó khăn.

Tại Ý, thành phố Venice được UNESCO công nhận là di sản thế giới và là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 8, UNESCO khuyến nghị đưa Venice vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.

Báo cáo của UNESCO ghi nhận tình trạng mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt đã tác động tiêu cực đến các di sản ở Venice. Trước đó, vào tháng 11-2019, lũ lụt đã làm hư hại một số di tích và công trình lịch sử tại Venice. Đầu năm nay, Venice lại phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, khiến những chiếc thuyền gondola không thể đi lại trên số kênh đào của thành phố.

Bên cạnh đó, thực tế phát triển du lịch và các hoạt động xây dựng quá mức cũng góp phần khiến các tòa nhà và cảnh quan cổ ở Venice gặp nguy hiểm.

Báo cáo của UNESCO nêu rõ cả 2 yếu tố nhân tai và thiên tai: "Các tác động của con người và tự nhiên (mực nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và các hiện tượng biến đổi khí hậu khác) đang gây ra sự suy thoái, hư hại đối với các công trình xây dựng và khu vực đô thị, đồng thời đe dọa tính toàn vẹn của văn hóa, môi trường và cảnh quan của Venice”.

Quảng trường St. Mark ở Venice (Ý) bị ngập lụt vào năm 2019. Ảnh: GETTY IMAGES

Quảng trường St. Mark ở Venice (Ý) bị ngập lụt vào năm 2019. Ảnh: GETTY IMAGES

Hành động vô ý của con người cũng là một thách thức với việc bảo vệ di sản. Một ví dụ nhỏ, vào cuối tháng 6, một du một du khách người Anh bị cáo buộc phá hoại Đấu trường La Mã tại Rome (Ý). Anh này đã khắc tên của mình và bạn gái lên bức tường của Đấu trường La Mã.

Du khách trên đang bị điều tra, truy tố vì hành vi làm hư hại di sản văn hóa. Theo tờ The Guardian, nếu bị kết tội, anh này sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 2.500 euro (gần 65 triệu đồng) đến 15.000 euro (gần 390 triệu đồng) và có thể phải án tù từ 2 đến 5 năm.

Cấp thiết bảo vệ các di sản

Theo báo cáo của UNESCO và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công bố đầu tháng 9, dù chỉ chiếm chưa đến 1% bề mặt Trái Đất, nhưng các di sản thế giới chứa hơn 20% đa dạng sinh học của hành tinh.

Do đó, UNESCO kêu gọi 195 quốc gia tham gia Công ước Di sản Thế giới nỗ lực bảo tồn các di sản trước tình trạng biến đổi khí hậu và nguy cơ nhiều loài động vật tuyệt chủng gia tăng.

“Các địa điểm di sản này không chỉ nổi bật về mặt lịch sử và văn hóa, mà còn rất quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng của sự sống trên Trái Đất, duy trì các hệ sinh thái và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu” - bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, nhận định.

Việc các di sản bị mất mát hoặc hư hại có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến các địa phương và quốc gia, vì chúng có giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội cao. Do đó, đầu tư vào việc giảm thiểu rủi ro thiên tai tại các khu di sản thế giới là điều rất cần thiết.

Bên cạnh việc chống chọi với thiên tai và các thảm họa tự nhiên, việc bảo vệ các di sản thế giới khỏi tác động tiêu cực của con người cũng là điều đáng được quan tâm.

Phố cổ Hội An, Quảng Nam sau khi bị bão Molave quét qua vào năm 2020. Ảnh: AFP

Phố cổ Hội An, Quảng Nam sau khi bị bão Molave quét qua vào năm 2020. Ảnh: AFP

Tính đến hết tháng 8 năm nay UNESCO đã công nhận 1.157 di sản thế giới ở 167 quốc gia. Rất nhiều trong số những di sản này là các địa điểm du lịch.

Mối quan hệ giữa di sản thế giới và du lịch là mối quan hệ hai chiều. Theo đó, di sản thế giới là những điểm thu hút khách du lịch lớn. Ngược lại, ngành du lịch có khả năng giới thiệu di sản thế giới tới công chúng và giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của các di sản.

Tuy nhiên, việc du lịch phát triển nhanh chóng và không kiểm soát có thể gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với các di sản.

Theo ông Shahbaz Khan - Giám đốc Văn phòng UNESCO khu vực Đông Á, để giảm thiểu tình trạng ngành du lịch và khách du lịch ảnh hưởng đến các di sản, nhà chức trách cần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa du khách, môi trường và cộng đồng địa phương.

Ngoài ra, để đảm bảo phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm, ban quản lý các khu di sản bắt buộc phải hợp tác hiệu quả với tất cả các cơ quan chức năng có liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm