Cách đây hơn một tuần, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Đây là lần đầu tiên một tổng thống đắc cử Mỹ hay một tổng thống Mỹ có cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã có hàng chục cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước kể từ khi thắng bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh minh họa
Giới chuyên gia lo ngại động thái trên có thể gây gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ đã chính thức chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan vào năm 1979 sau khi công nhận nguyên tắc “một Trung Quốc” của chính quyền Bắc Kinh.
Cùng khoảng thời gian đó, ông Trump cũng có cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước Pakistan, Kazakhstan và Philippines mà theo tờ Business Insider đã “làm rung chuyển chính sách đối ngoại ngoại” của Mỹ.
Đài Loan
Hôm 2-12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lần đầu tiên đã phá vỡ nguyên tắc ngoại giao của Mỹ trong nhiều thập niên qua khi có cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Ian Bremmer, một chuyên gia về địa chính trị và là chủ tịch Eurasia Group - một tổ chức nghiên cứu và tư vấn về các các rủi ro chính trị toàn cầu, nhận định Bắc Kinh sẽ “hoàn toàn giận dữ” đối với cuộc điện đàm này. Ông nhấn mạnh cuộc điện đàm đã lờ đi nguyên tắc ngoại giao của Mỹ. Nhà Trắng thời điểm đó cho biết không hay biết gì về cuộc điện đàm cho đến khi nó diễn ra.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Reuters
“Ông Trump thực hiện mọi cuộc điện đàm nào mà mang tính chúc mừng và đã bỏ qua nguyên tắc ngoại giao cùng các chỉ dẫn tình báo” - ông Bremmer nói với tờ Business Insider. “Đây là bước đi sai lầm nghiêm trọng đầu tiên của ông ấy. Chắc chắn ta sẽ còn chứng kiến nhiều thứ khác nữa”.
Vị chủ tịch Eurasia Group nhấn mạnh: “Do đó Trung Quốc không thể nào không phản ứng một cách giận dữ trước điều đó. Đây rõ ràng là điểm quá hạn đối với họ. Hiện hai nước đang vướng vào thế leo thang căng thẳng và quan hệ Mỹ-Trung dưới thời ông Trump đã mở màn bằng một cú gây khó chịu”.
Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc. Trong khi đó, Đài Loan có quan điểm ngược lại và đa số người dân trên hòn đảo này có quan điểm “thoát Trung”. Phía Bắc Kinh luôn nhấn mạnh các nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cần phải tôn trong nguyên tắc “một Trung Quốc” này.
Philippines
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người “khét tiếng” với các phát ngôn chỉ trích Mỹ, trong đó có việc gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là “con hoang”, cũng đã có cuộc điện đàm với ông Donald Trump.
Cuộc điện đàm được thực hiện sau khi ông Duterte tuyên bố “tách khỏi” Mỹ và “liên kết” với Trung Quốc. Vị lãnh đạo Philippines ngoài ra còn đe dọa sẽ xích lại với Nga, quốc gia mà ông Trump cũng có “thiện cảm”, theo Business Insider.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: GETTY
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và ông Duterte hồi đầu tháng này đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại. Tại một hội nghị về chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc ở Manila tuần trước, ông Duterte dẫn lại lời ông Trump nói rằng Mỹ và Philippines “nên cải thiện mối quan hệ đang xấu đi của hai nước”.
“Tôi biết những gì mà các bạn đang làm. Các bạn lo ngại vì người Mỹ chỉ trích các bạn. Bạn đang làm tốt và cứ tiếp tục” - ông Duterte dẫn lời ông Trump. Vị tổng thống Philippines cho biết ông Trump cũng đã mời ông đến thăm Mỹ.
Fabrizio Bozzato, nhà nghiên cứu Quan hệ quốc tế thuộc ĐH Tam Kang (Đài Loan), nhận định: “Những gì ông Trump đang làm là cố gắng khôi phục những thứ mà Mỹ đã mất ở cuối nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama và cố gắng tăng cường các quan hệ đối tác và đồng minh mà Mỹ đã có trong khu vực”.
Pakistan
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngoài ra cũng đã dành những lời khen ngợi cho Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.
Chính phủ Pakistan trong một văn bản ghi lại nội dung cuộc điện đàm cho biết ông Trump đã khen Thủ tướng Nawaz Sharif là “một người đàn ông tuyệt vời” và gọi người dân Pakistan là “một trong những dân tộc thông minh nhất”.
Thủ tướng Pakisatn Nawaz Sharif (phải) trong cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 25-12-2015. Ảnh: AP
Ông Sharif rõ ràng đã tổ chức điện đàm ông Trump để chúc mừng chiến thắng của vị tỉ phú Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng và ông Trump cũng đã đáp lại bằng việc nói về “danh tiếng tốt đẹp” của ông Sharif với vẻ hài lòng, theo Business Insider.
“Ông đang làm rất tốt công việc của mình, mà có thể thấy rõ trong mọi đường lối” - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói với ông Sharif. “Tôi mong muốn sẽ được gặp ông sớm”.
Thủ tướng Sharif cùng gia đình ông đã dính vào bê bối tham nhũng kể từ khi “Tài liệu Panama” được công bố. Vụ việc đã khiến không ít người dân Pakistan hoài nghi về sự lãnh đạo của ông.
Tờ New York Times nhận định cuộc điện đàm giữa ông Trump và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif có thể “phá vỡ thế cân bằng mong manh giữa Ấn Độ và Pakistan mà Mỹ lâu nay cố gắng duy trì”, đặc biệt khi hai nước có lịch sử tranh chấp này thời gian gần đây leo thang căng thẳng quanh khu vực biên giới.
Kazakhstan
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, người lên nắm quyền từ năm 1991 đến nay. Theo Business Insider, chính phủ Kazakhstan ngày càng độc đoán và ông Nazarbayev bị cáo buộc hạn chế quyền tự do báo chí và gian lận trong các cuộc bầu cử.
Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Ảnh: REUTERS
Theo văn bản ghi lại nội dung cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Nursultan Nazarbayev được chính phủ Kazakhstan công bố: “Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã gửi lời chúc mừng đến nguyên thủ quốc gia Kazakhstan nhân kỷ niệm lần thứ 25 ngày Kazakhstan giành độc lập”.
“Ông Trump đã nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nursultan Nazarbayev, Kazakhstan sau bao năm độc lập đã gặt hái được những thành công tuyệt vời mà có thể gọi là phép lạ” - văn bản cho biết.
Cũng theo văn bản, ông Trump và ông Nazarbayev đã “nhất trí đưa quan hệ Mỹ-Kazakhstan lên một tầm cao mới, gồm thương mại và quan hệ đối tác kinh tế”. Ông Trump cũng mong muốn sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống Nursultan Nazarbayev.