Chuyện cụ ông Oki người Nhật bị người xích lô lấy 2,9 triệu/cuốc xe 5 phút ở trung tâm thành phố chỉ là một trong những điểm trừ trong mắt khách du lịch khi đến Việt Nam.
Có cơ hội đi du lịch nhiều, tôi đặc biệt ấn tượng với những nét văn hóa riêng biệt của từng dân tộc hoặc từng địa phương nơi tôi đến. Những điều mới lạ từ văn hóa đến ẩm thực, cùng với sự hiếu khách, dễ mến, tốt bụng và nhiệt tình của người dân luôn là những điều lưu luyến để tôi quyết định quay trở lại một địa điểm du lịch.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, tôi bị hụt hẫng khi nhận ra những con người hiếu khách đó đã không còn giữ được cái chất quý vốn có nữa. Họ trở nên thực dụng hơn bằng cách vòi tiền du khách, chẳng hạn, muốn chụp hình chung khi họ đang gặt lúa cũng phải đưa tiền. Hơn thế, những đứa bé dân tộc thiểu số rất hồn nhiên cũng được người lớn hướng dẫn các chiêu trò để làm tiền du khách.
Tiếp đó, là vấn đề thỏa thuận ấn định giá của những tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Khi đi đến một điểm du lịch nào đó, du khách mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ thì nhận thấy giá khá cao và mức giá này được áp dụng gần như đồng nhất giữa những cơ sở kinh doanh gần nhau, trên thực tế có thể họ bắt chước những đối thủ kinh doanh khác để đưa ra mức giá giống nhau.
Nhưng chúng ta cũng không loại trừ khả năng họ đã cùng nhau để thỏa thuận ấn định một mức giá đồng nhất giữa những hàng hóa, dịch vụ như nhau, mức giá này khá cao so với mặt bằng chung.
Khách du lịch đã mất đi cơ hội cũng như khả năng thụ hưởng được những mức giá cạnh tranh từ những doanh nghiệp này. Khi đó những quy luật về cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường đã bị cản trở, sai lệch. Nếu đặt trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh thì du khách chắc chắn sẽ có thể mua hoặc sử dụng được sản phẩm với giá tốt hơn rất nhiều.
Trong một chuyến tham quan gần đây, tôi ghé đến một làng chài để mua hải sản. Tại đây, tôi thăm dò giá của gần như tất cả cơ sở kinh doanh hải sản tại khu vực này và nhận thấy giá của những loại hải sản này giống nhau.
Qua cuộc trò chuyện với một chủ thương, họ giảm giá cho tôi thấp hơn giá đã niêm yết nhưng yêu cầu tôi đừng tiết lộ chuyên này cho bất cứ ai. Tôi cố gắng khai thác thông tin thì họ nói rằng, giá hải sản ở đây đã được các chủ thương chốt với mức giá này, nếu bán giá khác sẽ bị "chế tài trừng trị" ngay. Trong trường hợp này, tôi chỉ đành ăn đỡ một vài món để lấy vị. Tình trạng này diễn ra không ít ở những nơi khác.
Đất nước ta có nhiều cảnh đẹp từ hùng vĩ đến thơ mộng, ẩm thực ta hấp dẫn phong phú nhưng nếu người dân ta không giữ được những bản sắc, đức tính hồn hậu tốt đẹp vốn có thì chỉ để lại những hình ảnh méo mó, xấu xí trong mắt du khách. Đây là một trở ngại lớn cho ngành du lịch nước nhà.
Thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần tăng cường nâng cao nhận thức cho những người dân kinh doanh các dịch vụ du lịch, bởi hơn ai hết, chính họ là những người đưa văn hóa Việt Nam đến với du khách.