Cuốc xích lô 2,9 triệu đồng: Sở Du lịch đang xử lý

Liên quan đến vụ việc tài xế xe xích lô lấy của du khách người Nhật 2,9 triệu đồng cho một cuốc xe 5 phút vào ngày 3-8-2019, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết Sở đã nắm được thông tin và đang giao Thanh tra Sở Du lịch phối hợp với Thanh tra Sở GTVT TP rà soát vụ việc.

“Làm ảnh hưởng hình ảnh TP.HCM”

“Sở cũng đang liên hệ với người thân của du khách Nhật để tiếp xúc trực tiếp, có thêm thông tin, thêm chứng cứ chuyển cơ quan chức năng để xử lý nếu có những vi phạm xảy ra ảnh hưởng đến du khách” - bà Hoa nói.

Sở Du lịch cho rằng hành động nói trên và vấn nạn “chặt chém” là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, gây tâm lý lo lắng và cảm giác không an toàn cho khách khi đến du lịch tại TP.

Trong nhiều năm qua, Sở cũng đã phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong TP tăng cường lực lượng trật tự viên du lịch tại các điểm có đông khách du lịch tham quan nhằm hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ du khách, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thân thiện, lành mạnh và đem lại sự yên tâm cho du khách khi đến tham quan TP.HCM.

Bà Hoa thông tin trong năm 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, qua Trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch, Sở đã tiếp nhận 50 trường hợp mất giấy tờ, đồ đạc cá nhân, tài sản và phản ánh tình trạng thu quá cước taxi, chèo kéo, đeo bám du khách, chất lượng dịch vụ kém… Sở cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và có hướng dẫn cũng như xử lý trao trả lại đồ bị mất, cấp lại giấy tờ tùy thân cho khách, trả lại tiền cho khách…

Đường dây nóng về du lịch

Bà Hoa cho biết Sở Du lịch đang tham mưu UBND TP.HCM đề án khuyến khích hỗ trợ người dân làm du lịch.

Theo bà Hoa, TP luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch như hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn, phục vụ nhà hàng… Đặc biệt là lực lượng tài xế, trong đó có tài xế xe xích lô là một trong những người làm cầu nối cho khách du lịch hiểu thêm về văn hóa, cách sinh hoạt, lối sống của người dân TP.

2.652 trường hợp taxi, xích lô, hàng rong, ăn xin chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách đã được Sở Du lịch phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong TP xử lý trong sáu tháng đầu năm 2019. Con số này trong năm 2018 là hơn 8.000 trường hợp. 

Hiện nay, Sở Du lịch cũng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tổng đài Thông tin du lịch 1087 để tiếp nhận và chuyển xử lý thông tin, cung cấp số hotline của các đơn vị hành chính cho khách du lịch. Đường dây nóng 028.3823 4056 của Thanh tra Sở tiếp nhận các thông tin phản ánh về công tác thanh tra, an ninh trật tự trong du lịch.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh dành cho cơ quan quản lý nhà nước, du khách, doanh nghiệp và người dân tham gia làm du lịch. Từ đó người dân TP sẽ có những ứng xử văn minh, thân thiện đối với du khách hơn.

2,9 triệu đồng cho cuốc xe 5 phút

Theo báo Thanh Niên, cụ Oki từ Nhật sang thăm con trai đang sinh sống tại TP.HCM. Ngày 3-8, khi đang đi dạo ở khu vực chợ Bến Thành thì một người đạp xích lô đến tiếp cận làm quen rồi tỏ ý chở cụ về khách sạn (ở phường Bến Nghé, quận 1). Trên đoạn đường ngắn từ đó về lại khách sạn, cụ rất cảm kích trước ý tốt của anh xích lô và có ý định sẽ gửi anh 500.000 đồng để cám ơn khi đến nơi. Tuy nhiên, anh xích lô chỉ thả cụ gần khách sạn, cụ rút ví ra, lấy một tờ 500.000 đồng đưa cho anh này thì anh này… tỏ ý đòi thêm. Cụ cũng đồng ý nhưng chưa kịp lấy tiền thì anh xích lô thò tay vào ví cụ, lấy hết tổng cộng năm tờ 500.000 và hai tờ 200.000 đồng của cụ rồi bỏ đi.

Khi kể lại với PV Thanh Niên, cụ còn cho xem cuốn nhật ký đi du lịch của cụ, vẽ ra đoạn đường đi xích lô và ghi chi phí… 2,9 triệu đồng.

Xử nghiêm hành vi “chặt chém” du khách

Hành vi “chặt chém” của tài xế xích lô sẽ bị xử phạt theo Văn bản hợp nhất số 1433 năm 2017 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo), theo đó cơ quan chức năng có thể áp dụng mức phạt tiền 1-3 triệu đồng về hành vi chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ.Tài xế xích lô còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Ngoài ra, theo như thông tin bước đầu cho thấy tài xế này còn thò tay vào trong ví của khách lấy đi 2,9 triệu đồng. Do đó các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, điều tra để trích xuất camera tại khu vực đó. Hành vi này cũng có thể cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 BLHS hiện hành với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm nếu có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có đặc điểm là thực hiện một cách công khai, không che giấu, thực hiện trước mặt người bị hại và những người khác. Cạnh đó, hành vi chiếm đoạt này thường là do người phạm tội biết bị hại không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ như biết bị hại là người già yếu, người bị hại là trẻ em…

Luật sư NGUYỄN TRI ĐỨCĐoàn Luật sư TP.HCM

HỮU ĐĂNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm