Bị 'chặt chém' khi du lịch, cầu cứu ở đâu?

Mới đây, vụ việc một nhóm du khách Hà Nội tố mình bị “chặt chém” tại bãi biển Đồ Sơn khiến người dân ngao ngán. Nhóm du khách này cho biết sau khi trả hơn 2 triệu đồng tiền hải sản, nhóm còn bị thu thêm 500.000 đồng tiền thuê bàn ghế trên bãi biển để… ngồi ăn.

Những sự việc như cung cấp dịch vụ không theo giá niêm yết, bán đặc sản với giá cao, ép du khách mua hàng, thậm chí khi xảy ra bất đồng thì thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với khách vẫn rải rác xảy ra.

Một quán bình thường nhưng "hét giá" mỗi quả dừa 50.000 đồng, một quả dưa chuột nhỏ 15.000 đồng. Ảnh: Đ.TRUNG

Mùa du lịch cao điểm đã đến, vấn nạn trên vẫn còn tồn tại, ngay cả ở những trung tâm du lịch nổi tiếng khiến du khách nội lẫn ngoại đều e ngại. Các địa phương đang khẩn trương xúc tiến kế hoạch chuẩn bị phục vụ cho mùa du lịch hè năm nay.

Mới đây, Sở Du lịch, Công an TP, Sở Công Thương, Sở GTVT, Sở LĐ-TB&XH và UBND các quận/huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng đã cùng ký kết quy chế phối hợp trích xuất hình ảnh qua hệ thống camera quan sát. Việc này nhằm phục vụ công tác xử lý các hành vi đeo bám, chèo kéo khách du lịch, bán hàng rong, lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng và các hành vi gây mất trật tự, mỹ quan đô thị trên địa bàn.

Lãnh đạo các sở, UBND quận/huyện ký kết quy chế. Ảnh: T.An

 Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết du lịch trong tỉnh bước vào mùa cao điểm trong các tháng hè, lượng khách đến sẽ nhiều hơn so với các tháng đầu năm. Do đó, Sở đã có văn bản yêu cầu các phòng VH&TT, BQL khu du lịch các huyện/TP, các đơn vị kinh doanh du lịch triển khai thực hiện một số nội dung để đón và phục vụ khách du lịch tốt, hiệu quả nhất.

Một bữa ăn ở Quảng Ninh được du khách tố "chặt chém" quá mức.

Cụ thể, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về giá để mọi cá nhân, tổ chức kinh doanh. Tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết và bán đúng giá niêm yết; không để xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, đầu cơ kiếm lời bất chính.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách, bố trí cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn tại các điểm tham quan; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tuyên truyền, vận động du khách sử dụng các dịch vụ du lịch chất lượng, tin cậy. Công bố các “điểm đen” về du lịch để du khách biết… Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho nhân viên trực tiếp phục vụ khách du lịch biết cách xử lý tình huống đúng chuẩn mực của người phục vụ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xô xát, cãi vã với du khách…

Về phần mình, du khách cũng cần ghi nhớ những số điện thoại đường dây nóng để phản ánh các bức xúc, vấn đề tiêu cực gặp phải trên đường du hí.

Số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh các vấn đề du lịch:

Hà Nội: 0941.33.66.77  

Hạ Long: 033.6282.282 - 0913.265.009

Đà Nẵng: 0236.1022 - 0236.3550.111

Vũng Tàu: 0989.217.417 - 088.8803.247 

Phú Quốc: 0297.3911479

Điện Biên: 0915.531.244

Sầm Sơn (Thanh Hóa): 0237.3201.999 - 0988.148.300/Cấp cứu biển: 0988.595.763

Thừa Thiên-Huế: 0234.3847.232, 0908.218.217 (chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL).

Bình Thuận: 0252.3810.801 - 0252.3608.222

Nha Trang: 0947.528.000 - 0258.3528.000

An Giang: 0911.575.911 - 0969.536.584

Quảng Nam: 0235.3666.333

Quảng Bình: 0232.3833.399 - 0232.3503.399

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm