Diễn biến mới vụ 'không cần biết cây của ai, không cần biết cây nằm đâu'

(PLO)- HĐXX nhận định hai bị cáo kháng cáo cho rằng không phạm tội nhưng không có chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở để chấp nhận.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-7, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử phúc thẩm (lần 2) bị cáo Nguyễn Thị Yêu (62 tuổi) và Huỳnh Đức Thắng (48 tuổi, cùng ngụ thị xã Phú Mỹ) về tội hủy hoại tài sản.

Trước đó, ngày 11-5-2021, TAND thị xã Phú Mỹ tuyên phạt bị cáo Yêu một năm chín tháng tù, bị cáo Thắng một năm sáu tháng tù. Các bị cáo sau đó kêu oan, cho rằng bản án sơ thẩm tuyên có tội là không đúng với thực tế vụ việc, vi phạm tố tụng, hồ sơ vụ án bị thay đổi, sai lệch.

Đến tháng 8-2022, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm. Tuy nhiên, đến tháng 5- 2023, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án phúc thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và giao lại cho TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.

Hai bị cáo Yêu và Thắng tại tòa phúc thẩm lần 2. Ảnh: VH

Hai bị cáo Yêu và Thắng tại tòa phúc thẩm lần 2. Ảnh: VH

Không xác định đất của ai sao biết cây ai trồng?

Theo hồ sơ, từ năm 1987, gia đình bà Yêu mua, khai hoang thêm mảnh đất tại khu vực Núi Nhọn thuộc xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ.Toàn bộ diện tích đất thuộc quyền quản lý của Trường Sĩ quan Lục quân 2 và đồng ý cho bà Yêu canh tác, trồng cây.

Năm 2004, ông Nguyễn Văn Trình mua mảnh đất hơn 1,9 ha bằng giấy tay từ người dân cũng nằm trong khu vực Núi Nhọn cũng do đất của Trường Sĩ quan Lục quân 2 quản lý. Sau đó, ông này đã san đất làm đường đá, xây dựng tường rào và trồng cây.

Cho rằng ông Trình đã lấn đất của mình nên bà Yêu đã làm đơn khiếu nại đến Trường Sĩ quan Lục quân 2 và yêu cầu ông Trình tháo dỡ nhưng ông này không chịu. Do đó bà Yêu thuê Thắng vào khu đất đang tranh chấp tháo bỏ tường rào để mở lối đi hiện hữu và cưa 46 cây gỗ mà bà Yêu cho rằng đó là do mình trồng.

Theo kết luận giám định, tài sản bị hủy hoại trong vụ án là hơn 25 triệu đồng. Bà Yêu và ông Thắng bị khởi tố, truy tố về hành vi hủy hoại tài sản nhưng được cho tại ngoại.

Cũng như lần các lần xét xử trước, bị cáo Yêu khẳng định đây là phần đất của mình và những cây bà thuê người chặt là do chính tay bà trồng từ năm 1998, có người dân sống ở khu vực làm chứng.

Còn ông Trình cũng cho rằng năm 2004 ông mua và trồng cây.

“Tôi bị oan ức vì những cây này tôi trồng trên đất của mình và những người dân ở khu vực đều biết. Khi tôi mua đất đều có những người tứ cận xung quanh ký xác nhận. Còn ông Trình ở đâu đến mua đất rồi cho rằng cây ông trồng” - bị cáo Yên trình bày tại tòa.

HĐXX cho rằng đây là phiên xét xử hành vi hình sự, không xem xét về đất này của ai, các bị cáo có thể khởi kiện tranh chấp đất ở vụ án dân sự.

Bị cáo Yêu cho rằng nếu tòa không xác định đất của ai thì làm sao có căn cứ để biết đó là cây do ai trồng để xử?

Hồ sơ viết tay nhưng VKS lại nói do lỗi đánh máy

Về phần tranh luận, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và bác đơn kháng cáo của các bị cáo.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng đến lần xử phúc thẩm lần 2 này, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định số cây bị chặt là nằm trên phần đất do ai sử dụng. Cần phải giám định số tuổi những cây bị chặt vì bị cáo và bị hại đều cho rằng mình trồng cây đó nhưng cách nhau thời gian dài.

Bút lục hồ sơ vụ án tạm giữ đồ vật, tài liệu ghi bằng tay... Ảnh: VH

Bút lục hồ sơ vụ án tạm giữ đồ vật, tài liệu ghi bằng tay... Ảnh: VH

Ngoài ra, luật sư cho rằng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, cơ quan tiến hành tố tụng thị xã Phú Mỹ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như không có biên bản tạm giữ tang vật vụ án, không có biên bản xử lý tang vật và tang vật không còn.

Sau đó, tòa cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì xuất hiện những biên bản trên nhưng có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ. Vì biên bản xử lý vật chứng, trả vật chứng lại có trước khi thu hồi vật chứng đến một năm.

Tranh luận về dấu hiệu cố ý làm sai lệch hồ sơ, đại diện VKS cho rằng HĐXX sơ thẩm đã xác định do sơ xuất lỗi đánh máy của cơ quan tiến hành tố tụng cho là ngày 27-6-2019 đánh nhầm sang ngày 27-6-2020.

“Cấp sơ thẩm đã đề cập đến vấn đề này giải thích cho bị cáo biết nên tôi không đề cập đến vấn đề này nữa vì nó không ảnh hưởng gì đến bản chất vụ án đổi bản” - đại diện VKSND tranh luận tại tòa.

Trước lời tranh luận trên, luật sư đã đề nghị đại diện VKS xem lại các bút lục. Vị đại diện VKS cho rằng lỗi do đánh máy trong khi các bút lục này ghi mặt trước và mặt sau đều viết tay.

“Ngày trả đồ vật được ghi rất rõ đến hai lần thì không thể nói là nhầm lẫn. Đây là cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án vì trong hồ sơ này từ đầu đến cuối không có các bút lục này đến khi tòa trả hồ sơ thì cơ quan CSĐT mới "bùa" ba bút lục này vào hồ sơ. Vì vậy việc thêm ba bút lục này thêm vào hồ sơ vi phạm tố tụng nghiêm trọng” - luật sư nêu quan điểm.

Sau giờ nghị án, HĐXX cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện khách quan và tuyên phạt bị cáo Yên một năm chín tháng tù, bị cáo Thắng một năm sáu tháng tù về tội hủy hoại tài sản là có căn cứ. Còn bị cáo Yêu và Thắng kháng cáo cho rằng không phạm tội nhưng không có chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở để chấp nhận.

Vì các lẽ trên, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Hai bị cáo phải bồi thường dân sự cho ông Trình tổng số tiền 26 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm