Điện Kremlin: Đàm phán với Ukraine rất khó, nhưng Nga sẽ tiếp tục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng thông tấn RIA dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov ngày 2-4 rằng việc đàm phán với một Ukraine "thù địch" không hề dễ dàng, nhưng điều quan trọng chính là Nga vẫn đang tiếp tục.

"Ukraine là một quốc gia rất khó khăn, rất khó khăn đối với chúng tôi. Trong tình trạng hiện tại, đó là quốc gia thù địch đối với chúng tôi" - RIA dẫn lời ông Peskov nói với đài truyền hình Belarus.

Người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov. Ảnh: REUTERS

Các phái đoàn Nga và Ukraine đã thực hiện nhiều vòng đàm phán, gặp ở Belarus, qua trực tuyến, và mới tuần rồi là gặp trực tiếp ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

“Vấn đề chính là các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục, ở Istanbul hoặc ở một nơi nào khác” – ông Peskov khẳng định, đồng thời nói thêm rằng các cuộc đàm phán “không hề dễ dàng”.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (giữa) phát biểu cảm ơn hai phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine, tại Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul ngày 29-3. Ảnh: ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES

Ông Peskov cũng nói rằng Nga muốn tiếp tục các cuộc đàm phán ở nước láng giềng Belarus nhưng phía Ukraine phản đối ý tưởng này.

Ông Peskov nói thêm rằng Nga phát động chiến dịch quân sự để "cứu" hai khu vực phía đông Ukraine (Donesk và Luhansk) và rằng ông tin tưởng rằng tiếng Nga sẽ được khôi phục đúng vị trí của nó ở các khu vực này.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng "hoạt động đặc biệt" của Nga ở Ukraine là cần thiết "để bảo vệ những người bị bắt nạt và diệt chủng". Ukraine bác bỏ cáo buộc diệt chủng.

Vòng đàm phán mới nhất giữa hai phái đoàn Nga và Ukraine diễn ra ngày 29-3 tại Thổ Nhĩ Kỳ và đã thống nhất được nhiều điểm quan trọng, mở ra hy vọng rằng ngày xung đột kết thúc đã gần.

Sau cuộc đàm phán, người đứng đầu phái đoàn đàm phán Nga – ông Vladimir Medinsky đã đưa ra một đề xuất bằng văn bản cho một hiệp ước hòa bình giữa hai nước, mà ông mô tả là "thực chất”. Ông Medinsky cho biết đề xuất sẽ được chuyển tới Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét.

Đài RT điểm lại những điểm nổi bật từ cuộc đàm phán.

Nga thu nhỏ quy mô chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cam kết giảm "đáng kể" hoạt động gần các thành phố của tỉnh Chernihiv và thủ đô Kiev.

Ukraine muốn có các đảm bảo an ninh giống NATO. Ông David Arakhamia – trưởng phái đoàn đàm phán Ukraine cho biết Kiev tìm kiếm một bảo đảm an ninh tương tự như quy định trong Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Ông Arakhamia nêu tên các nước Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Canada, Ý, Ba Lan và Israel như những nước có thể mang lại bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Ukraine không tham gia khối quân sự nào, và phi hạt nhân hóa. Ukraine cam kết không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không tiếp nhận quân đội nước ngoài, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trong lãnh thổ, ngay cả các cuộc tập trận quân sự cũng cần có sự chấp thuận trước của những nước đảm bảo an ninh.

Ukraine cũng cam kết không tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên đổi lại Ukraine muốn Nga không phản đối khả năng nước này gia nhập Liên minh châu Âu trong tương lai.

Các vấn đề Crimea, Donbass chưa được giải quyết. Ukraine đã đề xuất tạm hoãn xử lý tình trạng Crimea trong 15 năm, trong thời gian này số phận Crimea sẽ được thương lượng và cả hai bên cam kết không sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết. Cả vấn đề Donbass cũng sẽ tạm hoãn giải quyết, chờ thương lượng.

Nga đồng ý với khả năng ông Putin gặp ông Zelensky. Phía Nga đã đồng ý khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky như một phần của giai đoạn đàm phán cuối cùng về hiệp ước hòa bình trong tương lai. Theo Điện Kremlin cuộc gặp có thể được lên lịch sau khi các ngoại trưởng hai nước thống nhất và ký kết tài liệu.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm