Tình hình chiến sự
. Theo hãng tin Reuters, quân đội Nga đã tiếp tục bắn phá vùng ngoại ô thủ đô Kiev và một thành phố khác ở miền bắc Ukraine vào hôm 30-3 bất chấp lời hứa sẽ “giảm triệt để” các cuộc tấn công ở khu vực này trước đó của Moscow sau cuộc đàm phán giữa 2 nước ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29-3.
"Đó không phải là sự thật" - Thị trưởng Kiev, ông Vitali Klitschko, nói về lời hứa của Nga trong bài phát biểu trực tuyến với các quan chức khu vực Liên minh châu Âu (EU).
"Cả đêm, chúng tôi vẫn nghe thấy còi báo động, tiếng nổ lớn từ các cuộc tấn công bằng tên lửa ở phía đông và phía bắc Kiev. Những cuộc giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra và vẫn có nhiều người thiệt mạng” - ông Klitschko nói.
Xác xe bọc thép của Nga và các phương tiện quân sự khác được nhìn thấy ở tiền tuyến gần Kiev, Ukraine, vào ngày 29-3. Ảnh: REUTERS
. Cũng theo Reuters, 2 luật sư người Nga tiết lộ rằng một số binh sĩ nước này đang tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý để tránh bị điều đi chiến đấu ở Ukraine, sau vụ việc 12 thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga bị sa thải vì từ chối đi.
Luật sư Mikhail Benyash cho biết có khoảng 200 người đã liên hệ ông để hỏi họ nên làm gì trong tình huống tương tự. Trong khi một luật sư khác có tên Pavel Chikov cũng cho hay có "những câu chuyện tương tự diễn ra Crimea, Novgorod, Omsk, Stavropol".
Hiện Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: AP
. Hãng thông tấn Interfax ngày 30-3 dẫn lời ông Denis Pushilin, nhà lãnh đạo nước cộng hòa tự xưng Donetsk tự xưng (DPR), cho biết có khoảng 140.000 người đã rời Mariupol để đến Nga hoặc khu vực ly khai này kể từ khi Nga bắt đầu bao vây và tấn công thành phố này.
Hiện tuyên bố của ông Pushilin vẫn chưa được xác minh. Trước đó, Ukraine đã cáo buộc Moscow ép buộc cư dân TP Mariupol di tản sang Donetsk hoặc lãnh thổ Nga.
Binh sĩ Nga diễu hành trong cuộc duyệt binh ở trung tâm Moscow, ngày 7-5-2021. Ảnh: REUTERS
. Cùng ngày, hãng thông tấn Ukraine Ukrinform đưa tin Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi NaUy giúp Kiev trang bị vũ khí chống hạm và hệ thống phòng không để bảo vệ tự do và an ninh của người dân Ukraine cũng như toàn bộ châu Âu. Tổng thống Ukraine đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với NaUy về sự hỗ trợ hữu hình mà họ đã dành cho Kiev, bao gồm cả vũ khí.
Bên cạnh đó, ông Zelensky cũng cho hay mặc cho lời hứa của Moscow, số lượng xe bọc thép của Nga vẫn không hề giảm, Nga vẫn tiếp tục không kích vào các thành phố và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine mỗi ngày và đêm.
“Họ tấn công mọi thứ. Họ tấn công các bệnh viện và sân bay, kho lương thực và các khu dân cư” - Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Người dân Ukraine mang đồ di tản khỏi tòa nhà bị các cuộc không kích của Nga phá hủy ở TP Mariupol, vào ngày 28-3. Ảnh: REUTERS
Động thái từ Nga, Ukraine và cộng đồng quốc tế
. Hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Boris Johnson hôm 30-3 cho biết Anh không có ý định thay đổi chế độ ở Nga hoặc loại bỏ Tổng thống Vladimir Putin mà mục tiêu chính của London là giúp bảo vệ người Ukraine.
Khi được hỏi về bình luận của người đồng cấp Mỹ Joe Biden cho rằng ông Putin “không thể nắm quyền được nữa”, ông Johnson khẳng định ông hiểu "những thất vọng mà mọi người cảm thấy về ông Putin".
Logo tập đoàn công nghệ phần mềm đa quốc gia Mỹ Microsoft. Ảnh: REUTERS
. Trong bức thư gửi Tổng thống Zelensky, Chủ tịch tập đoàn công nghệ đa quốc gia Microsoft, ông Brad Smith đã đưa ra thông điệp rõ ràng: bất chấp việc Kiev kêu gọi họ cắt đứt mọi quan hệ với Nga, gã khổng lồ công nghệ phần mềm của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh tại quốc gia này với những nhóm khách hàng không bị trừng phạt, bao gồm cả trường học và bệnh viện.
"Việc tước bỏ các cập nhập phần mềm và dịch vụ của Microsoft tại Nga có thể gây rủi ro cho sức khỏe và sự an toàn của dân thường vô tội, bao gồm cả trẻ em và người già" - ông Smith cho biết trong bức thư gửi đi vào ngày 14-3, Reuters đưa tin hôm 30-3.
Chuyên gia khoa học đang nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: RT
Theo đó, ông Smith nói với ông Zelensky rằng Microsoft "quan tâm đến trách nhiệm đạo đức" để bảo vệ dân thường.
Tuy nhiên, ông cho biết công ty đang thảo luận với chính phủ Mỹ, Anh và EU về việc liệu "có nên dừng bất kỳ dịch vụ và hỗ trợ nào đang diễn ra" ở Nga hay không và sẽ điều chỉnh quyết định của mình "trong thời gian ngắn theo các lệnh trừng phạt và các mục tiêu kinh tế khác".
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS
. Đài RT ngày 30-3 dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết các tài liệu và bằng chứng từ các phòng thí nghiệm do Mỹ tài trợ ở Ukraine cho thấy Kiev đang có kế hoạch sử dụng máy bay không người lái để “thả mầm bệnh” chống lại Nga và phe ly khai ở vùng Donbass.
Ông Konashenkov cho hay Bộ Quốc phòng Nga cũng đã xác định được các quan chức cụ thể của Mỹ có liên quan đến hoạt động phát triển vũ khí sinh học ở Ukraine. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng cụ thể cho tuyên bố của mình.
Tổng thống Ukraine Volodymy Zelensky. Ảnh: UKRINFORM
. Hãng thông tấn TASS dẫn lời cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 30-3 cho biết ông tin rằng phương Tây không thể ràng buộc Moscow trên toàn cầu vì nước này đã sẵn sàng cho các biện pháp trừng phạt.
"Tất nhiên, có những khó khăn thực sự mà Nga phải đối mặt, vì chúng ta vẫn đang bị cô lập khỏi chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, sự phân công lao động quốc tế, đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng và rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế" - ông chia sẻ trên kênh Telegram của mình.
“Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm ràng buộc Nga đã thất bại vì chúng tôi đã sẵn sàng cho những biện pháp trừng phạt có thể đoán trước như vậy” - ông Medvedev nhấn mạnh.