Diện mạo đô thị Đà Nẵng đến năm 2050

Diện mạo đô thị Đà Nẵng đến năm 2050

(PLO)- Đà Nẵng sẽ nối thông nhiều tuyến đường lớn, xây dựng hàng loạt nút giao khác mức, phát triển đồng bộ, hiện đại cả năm phương thức giao thông.

Sở KH&ĐT Đà Nẵng vừa có công văn đề nghị UBND TP Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đây, bức tranh giao thông hiện đại, tầm cỡ của Đà Nẵng dần “thai nghén” hình hài.

sông hàn đà nẵng

Đà Nẵng quy hoạch các tuyến vận tải khách thủy nội địa kết nối cảng Tiên Sa và cảng sông Hàn. Ảnh: TẤN VIỆT

Hầm chui xuyên qua sân bay, 3 bến xe tại Đà Nẵng

Thể hiện trên báo cáo tổng hợp dài hơn 1.000 trang, Đà Nẵng định hướng quy hoạch tuyến đường Vành đai phía Tây 1 nằm giữa đường vành đai phía Tây và đường bộ cao tốc.

Đà Nẵng sẽ có hầm chui xuyên qua sân bay, bổ sung các tuyến đường mới kết nối cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan, đường từ vành đai phía Tây đến cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Đường Nguyễn Sinh Sắc sẽ được nối dài đến đường Hoàng Văn Thái. Đường Lê Duẩn nối với đường Đống Đa. Đường Hoàng Hoa Thám thông ra đường Nguyễn Tất Thành, công trình qua sông Hàn nối từ đường Đống Đa qua Vân Đồn.

Nút giao giữa các tuyến đường bộ với đường sắt quốc gia, nút giao đường bộ cao tốc với đường đô thị sẽ được tổ chức giao cắt khác mức.

Đà Nẵng xây dựng mới Bến xe phía Bắc tại phía Bắc nút giao đường tránh Nam Hải Vân - Vành đai phía Tây 2, Bến xe phía Tây tại khu vực nhà máy xi măng Hòa Khương sau khi di dời, đồng thời cải tạo, nâng cấp Bến xe phía Nam.

Bến xe trung tâm TP được chuyển đổi thành đầu mối giao thông công cộng, khuyến khích khai thác không gian ngầm làm bãi đỗ xe kết hợp thương mại dịch vụ.

bến xe đà nẵng

Bến xe trung tâm TP Đà Nẵng sẽ được chuyển đổi thành đầu mối giao thông công cộng kết hợp thương mại dịch vụ. Ảnh: TẤN VIỆT

Trong tương lai, Đà Nẵng sẽ di dời ga Đà Nẵng hiện trạng, xây dựng ga đường sắt mới tại phía Bắc nút giao đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Ga Đà Nẵng cũ được tái phát triển thành đầu mối trung chuyển vận tải khách công cộng kết hợp thương mại, dịch vụ.

Ga Trung tâm logistics đường sắt tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) gần nút giao cắt của đường sắt quốc gia, đường bộ quốc gia và đường vành đai được xây mới.

Đà Nẵng quy hoạch các tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối giữa đường sắt quốc gia, Ga Trung tâm logistics đường sắt với cảng Liên Chiểu và các đầu mối có nhu cầu thu gom, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.

Phát triển mạnh tàu điện cao tốc, tàu điện đô thị, giao thông thuỷ

Tại báo cáo, Đà Nẵng quy hoạch hai tuyến tàu điện cao tốc (MRT), 11 tuyến tàu điện đô thị (LRT), ba tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển.

Một số tuyến LRT sẽ tận dụng, mở rộng quỹ đất đường ray có sẵn của nhánh đường sắt quốc gia sau khi di dời ga đường sắt cũ, kết hợp tái phát triển đô thị dọc trục hành lang tuyến LRT.

Tuyến giao thông công cộng (LRT hoặc phương thức tương đương khác) sẽ được xây dựng kết nối Đà Nẵng với Hội An, thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Cùng với đó là phát triển loại hình giao thông phi cơ giới, hình thành các tuyến đường dành riêng cho xe đạp để khai thác du lịch trải nghiệm TP.

ga đường sắt đà nẵng

Ga đường sắt Đà Nẵng hiện trạng sẽ được di dời và tái phát triển đô thị. Ảnh: TẤN VIỆT

Đến năm 2030, Đà Nẵng nâng cấp, cải tạo sân bay đạt 25 triệu khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm, cấp 4E. Đây sẽ là sân bay cửa ngõ quốc tế và khu vực, trung tâm logistics chuyên dụng hàng không.

Tầm nhìn 2050, Đà Nẵng tiếp tục nâng cấp, cải tạo sân bay đạt công suất 30 triệu khách/năm và 200.000-300.000 tấn hàng hóa/năm với các phân khu chức năng đa dạng, dịch vụ chất lượng cao, kết nối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Về đường thủy nội địa, tuyến sông Hàn - sông Vĩnh Điện sẽ chuyển thành luồng địa phương. TP quy hoạch các tuyến vận tải khách thủy nội địa kết nối cảng Tiên Sa và cảng sông Hàn.

Ngoài ra còn có các tuyến vận tải khách từ cảng Tiên Sa đi vòng quanh bán đảo Sơn Trà, cảng Tiên Sa - khu du lịch Làng Vân - hòn Sơn Trà Con, cảng Tiên Sa - Cửa Đại - Cù Lao Chàm và các tuyến sông Cu Đê đi Hòa Bắc, Hòa Vang.

Đáng chú ý, Đà Nẵng nghiên cứu phát triển các tuyến vận tải khách đường biển như: Tuyến Hạ Long - Đà Nẵng, Đà Nẵng – TP.HCM, Huế - Thuận An - cảng Tiên Sa - cảng Sông Hàn, Đà Nẵng - Lý Sơn. Cùng với đó là nhiều tuyến vận tải khách đường biển quốc tế trực tiếp từ các nước: Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ, châu Âu, châu Á đến cảng biển Đà Nẵng.

Đà Nẵng định hướng phát triển cảng cạn kết hợp Trung tâm logistics Hòa Nhơn tại gần giao cắt giữa đường Hoàng Văn Thái và đường bộ cao tốc, khu vực Nam hầm Hải Vân.

Đọc thêm