Đà Nẵng cần 1 quy hoạch không gian ngầm bài bản

(PLO)- Theo chuyên gia, TP Đà Nẵng cần một đồ án quy hoạch không gian ngầm bài bản dựa trên những dữ liệu được xây dựng từ bản đồ ngập lụt thật tỉ mỉ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho hay: “Các đồ án quy hoạch phân khu của Đà Nẵng hiện chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về không gian ngầm, chỉ mang tính chất đề xuất tương đối”.

Quy hoạch ngầm gắn với phòng chống ngập lụt

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, trong các đồ án quy hoạch phân khu mà phía tư vấn đang làm cho Đà Nẵng đều có quy hoạch không gian ngầm, bởi đơn vị tư vấn nào cũng muốn có một không gian ngầm để đưa vào đồ án nhằm hoàn thiện đầy đủ hồ sơ quy hoạch.

Đà Nẵng cần một bản quy hoạch không gian ngầm bài bản định hướng cho tương lai lâu dài. Ảnh: TẤN VIỆT

Đà Nẵng cần một bản quy hoạch không gian ngầm bài bản định hướng cho tương lai lâu dài. Ảnh: TẤN VIỆT

“Tuy nhiên, đưa quy hoạch ngầm vào đồ án thì lại không tìm hiểu kỹ các vấn đề, nhất là chuyện ngập lụt. Vừa rồi Đà Nẵng ngập lụt rất nặng nhưng dữ liệu về ngập lụt lại không có, các đơn vị tư vấn cũng không có. Họ cũng chỉ hỏi rồi ước chừng, vẽ lên bản đồ sơ sơ thôi chứ bản đồ ngập lụt của Đà Nẵng không có” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn lý giải thêm: Những khu vực ngập lụt nặng của Đà Nẵng như ở quận Liên Chiểu mà làm không gian ngầm là bất khả thi. Trong khi các đồ án quy hoạch hiện chỉ mới phác họa chứ chưa tính toán kỹ lưỡng đến việc ngập lụt và vấn đề chỉnh trang cao độ đô thị.

“Vì trong đô thị có những khu vực làm mới, đắp đất nền cao lên thì không ngập nữa. Tuy nhiên, có những khu vực chỉnh trang như phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) nếu nâng lên vài mét nữa để khỏi ngập thì coi như xóa hết toàn bộ đô thị. Khu đó mà đưa không gian ngầm vào là không ổn” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, khẳng định đô thị hiện đại rất cần không gian ngầm. Đất đai Đà Nẵng nhỏ hẹp nên giờ mới đặt vấn đề làm đô thị nén, tức là có cả cao độ và ngầm hóa.

“Đô thị ngầm cũng chia sẻ được hạn mức giao thông, khai thác được quỹ đất ngầm cho vấn đề phát triển kinh tế thương mại chứ không phải để ở. Tư vấn Singapore cũng định hướng cho không gian ngầm của Đà Nẵng rồi nhưng đòi hỏi kinh tế quá lớn trong khi nguồn lực của TP còn hạn hẹp” - ông Loan cho hay.

Nội dung định hướng không gian ngầm khu vực trung tâm TP đã được thể hiện trong thuyết minh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Định hướng cho tương lai

Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho hay nội dung định hướng không gian ngầm khu vực trung tâm TP đã được thể hiện trong thuyết minh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, đồ án xác định Đà Nẵng gặp phải hạn chế lớn do sự phát triển đô thị dày đặc, sân bay ngay giữa đô thị và địa hình đồi núi chiếm ưu thế ở phía tây. Do đó cần định hướng phát triển không gian ngầm trong dài hạn, đặc biệt là với các khu vực có giá trị kinh tế - xã hội lớn và bị hạn chế về phát triển cao tầng trong trung tâm đô thị hiện tại.

Theo ông Phong, Đà Nẵng sẽ tăng cường việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất khu vực trung tâm TP, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

Đà Nẵng cũng chú trọng xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao thông chính, các khu vực nhà ga, tuyến vận tải công cộng kết nối với bãi đỗ xe và hầm đi bộ ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh. Điều này giúp TP hình thành các tổ hợp công trình ngầm đa năng như trung tâm thương mại, các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí… phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.

Để hiện thực hóa các ý tưởng trên, ông Phong cho hay Đà Nẵng sẽ quản lý và khai thác không gian ngầm theo hướng quy hoạch tích hợp. Cụ thể, ngành xây dựng Đà Nẵng sẽ định hướng loại móng công trình, độ sâu và khoảng không gian đảm bảo việc kết nối với hệ thống giao thông công cộng ngầm. Qua đó giảm áp lực vận tải trên mặt đất, tạo nên không gian đô thị thống nhất hài hòa, liên kết chặt chẽ giữa tầng cao, tầng mặt đất và tầng ngầm.

Các tuyến đường phố mới xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng khu vực trung tâm cũng cần đầu tư các công trình cống, hộp kỹ thuật hoặc hào; kỹ thuật lắp đặt đường dây và đường ống theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các đô thị cũ, đô thị cải tạo phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cống, hộp kỹ thuật hoặc hào… để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp nổi theo quy định.•

Đã cơ bản hoàn thành lập đồ án quy hoạch phân khu

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay UBND TP đã giao UBND huyện Hòa Vang và sáu ban quản lý dự án chủ trì lập các đồ án quy hoạch phân khu. Hiện các ngành cơ bản hoàn thành việc lập bảy đồ án quy hoạch phân khu và đưa ra lấy ý kiến cộng đồng gồm: Đô thị sườn đồi, công nghệ cao, đô thị huyện lỵ Hòa Vang, sân bay, ven vịnh Đà Nẵng, trung tâm lõi xanh, đổi mới sáng tạo.

Đà Nẵng đang tiếp tục thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu khác như: Khu du lịch khu vực phường Hòa Hiệp Bắc, khu du lịch quốc gia Sơn Trà, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu du lịch khu vực Khe Răm, khu du lịch khu vực đỉnh và chân núi Bà Nà, khu du lịch khu vực hồ Đồng Nghệ, khu du lịch Sông Bắc, khu du lịch dọc tuyến Quốc lộ 14G…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm