Nhiều trường hợp Nhà nước thu hồi đất của người dân để phục vụ các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng… Tuy nhiên, có những trường hợp người dân bị thu hồi đất nhưng không được nhận bồi thường hoặc bồi thường không thỏa đáng. Nếu gặp phải trường hợp này, người dân có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
|
Việc thu hồi đất để thực hiện một dự án tại TP Thủ Đức từng dẫn đến người dân khiếu nại. Ảnh: HOÀNG GIANG |
ThS Ngô Gia Hoàng, giảng viên Khoa luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết các trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhưng không bồi thường về đất đã được quy định cụ thể tại Điều 82 Luật Đất đai 2013. Khi người dân hiến đất để làm đường có thể áp dụng cơ chế người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng để xây dựng công trình phục vụ lợi ích cộng đồng hoặc tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước.
Mặt khác, theo khoản 4 Điều 146 Luật Đất đai 2013 “cộng đồng dân cư xây dựng, chỉnh trang công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp hoặc Nhà nước hỗ trợ thì việc tự nguyện góp quyền sử dụng đất, bồi thường hoặc hỗ trợ do cộng đồng dân cư và người sử dụng đất đó thỏa thuận”.
Nói cách khác, việc hiến đất để làm đường theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm là trên cơ sở tự nguyện, vận động, thuyết phục. Nếu người dân đồng ý hiến đất thì sẽ không bồi thường vì hoàn toàn tự nguyện. Người dân sẽ được hưởng lợi từ việc mở rộng đường, hẻm.
Tuy nhiên, nếu người dân không đồng ý hiến thì không thể bắt buộc họ giao đất và không bồi thường. Nhà nước thu hồi đất để làm đường thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 và phải bồi thường cho người dân nếu họ đáp ứng đủ điều kiện.
Theo khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai. Do đó, nếu cho rằng việc thu hồi đất và bồi thường là không thỏa đáng, không đúng quy định thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Các quyết định này đều phải công bố công khai và gửi đến người có đất bị thu hồi nên người dân cần lưu ý nội dung của các quyết định để có cơ sở khiếu nại, khiếu kiện.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức họp trực tiếp với người dân.
Do đó, nếu người dân không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì tại cuộc họp này có thể nêu ý kiến. Cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức đối thoại và hoàn chỉnh phương án bồi thường. Khi quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường đã có hiệu lực mà người dân cho rằng không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại, khiếu kiện như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì người dân vẫn phải thi hành các quyết định này cho đến khi có kết quả giải quyết.