Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ không còn việc nhà nước thu hồi đất thì giá bồi thường rẻ hơn doanh nghiệp thoả thuận

(PLO)- Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải cân nhắc thận trọng khi đưa các dự án để phát triển kinh tế - xã hội vào diện nhà nước thu hồi đất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-11, phát biểu thảo luận tổ về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, nhất là đối với các dự án để phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) dẫn Điều 86 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, Điều 86 đưa ra rất nhiều loại dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi, trong đó có cả dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn, nhà ở thương mại, dự án lấn biển, dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn...

Đại biểu Ngân đề nghị rà soát quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Ngân đề nghị rà soát quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Ngân đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, để đảm bảo quyền của người dân theo Hiến pháp và pháp luật. Ông Ngân cho rằng, dự thảo luật nên hạn chế tối đa những dự án Nhà nước đứng ra thu hồi đất, để các dự án kinh tế, xã hội cho người dân và nhà đầu tư tự thương lượng theo giá thị trường. Ngoài ra, chỉ xem xét thu hồi đất nông nghiệp và hạn chế đến mức tối đa thu hồi đất phi nông nghiệp của dân.

"Khi đi tiếp xúc cử tri, người dân cho biết đất của họ tự nhiên bị quy hoạch đất công viên, cây xanh và được bồi thường giá rất thấp. Trong khi ngay bên cạnh, nhà dân khác thuộc quy hoạch đất thương mại lại được đền bù giá cao hơn nhiều. Tôi cho rằng phải xem xét mặt bằng giá để đảm bảo quyền lợi người dân”, ông Ngân nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Ngân cũng nêu thêm, sau khi thu hồi đất, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ là rất gian nan.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị luật chỉ quy định Nhà nước thu hồi, trưng dụng đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, các dự án còn lại để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân. Ảnh:QUANG PHÚC

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị luật chỉ quy định Nhà nước thu hồi, trưng dụng đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, các dự án còn lại để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân. Ảnh:QUANG PHÚC

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết từ lần sửa đổi Luật đất đai năm 2003, bà và nhiều đại biểu đã đặt vấn đề Nhà nước chỉ nên tập trung thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng. Qua gần 10 năm thực hiện luật, thực tế cho thấy vấn đề thu hồi đất đã gây không ít sự việc mất an ninh trật tự, ảnh hưởng quyền lợi, lòng tin của người dân.

Nữ đại biểu cho rằng mục đích phát triển kinh tế, xã hội, lợi ích công cộng rất rộng, liệt kê vào luật sẽ "chỗ thiếu chỗ thừa". Do vậy, bà kiến nghị luật chỉ quy định Nhà nước thu hồi, trưng dụng đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, các dự án còn lại để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân.

"Nhà nước xen vào chi cho cực, doanh nghiệp giỏi đến mức làm được dự án thì họ cũng sẽ giỏi thuyết phục người dân đồng thuận và làm dự án êm đẹp. Tránh trường hợp tranh chấp khi thu hồi thì mảnh đất đó chẳng tốt lành gì để phát triển kinh tế - xã hội", bà Lan nói và đề nghị quy định trong dự thảo rằng "Nhà nước không có thu hồi đất cho dự án kinh tế, xã hội, trừ dự án đặc biệt lớn do Quốc hội phê duyệt".

Nhiều đại biểu cũng có cùng quan điểm với hai vị đại biểu đoàn TP.HCM liên quan đến vấn đề thu hồi đất vì mục đích để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Bộ trưởng Hà khẳng định: Sẽ không còn khái niệm nhà nước thu hồi đất để làm quốc phòng, an ninh và làm đường thì giá thu hồi rẻ hơn đối với đất đai làm thương mại, dịch vụ của doanh nghiệp. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Hà khẳng định: Sẽ không còn khái niệm nhà nước thu hồi đất để làm quốc phòng, an ninh và làm đường thì giá thu hồi rẻ hơn đối với đất đai làm thương mại, dịch vụ của doanh nghiệp. Ảnh: QUANG PHÚC

Có mặt tại buổi thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ghi nhận, tiếp thu đồng thời giải trình thêm một số nội dung mà các đại biểu quan tâm. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề thu hồi đất, Bộ trưởng Hà khẳng định: sẽ không còn khái niệm nhà nước thu hồi đất để làm quốc phòng, an ninh và làm đường thì giá thu hồi rẻ hơn đối với đất đai làm thương mại, dịch vụ của doanh nghiệp.

“Chúng tôi muốn tất cả các vấn đề này sẽ trên một mặt bằng về chính sách. Luật lần này mong muốn và cố gắng làm như vậy”, Bộ trưởng Hà nói.

Theo Bộ trưởng, để làm được điều đó, nhà nước sẽ trực tiếp điều tiết địa tô chênh lệch do nhà nước điều chỉnh mục đích, xây dựng hạ tầng và nhà nước phải hài hoà được các lợi ích này cho địa phương này với địa phương khác, giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng đất cũng như bảo đảm công bằng cho các đối tượng khác.

Ông Hà nói: “Ở đây có quan điểm nên mở rộng đối tượng thuộc diện nhà nước thu hồi hay giảm tối đa việc nhà nước thu hồi? Về phía Bộ TNMT, quan điểm là chỉ thu hồi khi dự án chứng minh được đó là dự án công, những dự án an ninh, quốc phòng, dự án kinh tế xã hội nhưng mang lại lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Vấn đề quan trọng nhất là bằng cách nào chứng minh được dự án đó mang lại lợi ích quốc gia, công cộng. Việc này chúng tôi xác định sẽ để những người dân trực tiếp bị thu hồi đất nêu ý kiến việc có tạo ra lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng không, có tạo ra khoảng cách giàu nghèo không, có tạo ra bất ổn xã hội không, vấn đề giá cả đền bù hợp lý không, tái định cư hợp lý không...”,

Bộ trưởng Hà cho biết, nếu người dân nói đồng ý thì đó là vì mục đích quốc gia, công cộng. Nếu người dân bảo không phải thì chúng ta chỉ dừng lại ở danh mục các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh và dự án nhà nước bỏ tiền ra đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm