Ngày 15-8, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tổ chức gặp gỡ nhà giáo. Trong đó, vào buổi sáng, Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục. Còn buổi chiều, Bộ trưởng gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các ĐH, trường ĐH.
Dự kiến tăng 5%-10% phụ cấp cho giáo viên
Cô Lê Thị Tuyết Hường, giáo viên (GV) Trường Mầm non xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết thời gian làm việc của GV mầm non là 8 giờ/ngày nhưng GV phải làm việc 10-11 giờ/ngày. Ngoài ra, do thiếu GV nên có những lớp một cô phải dạy hơn 30 trẻ. Công việc áp lực nhưng mức lương rất thấp, GV mới ra trường chỉ dưới 5 triệu đồng/tháng, khó đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
Cùng suy nghĩ, cô Lý Thị Trinh Nguyên, GV mầm non ở thị xã Long Mỹ, Hậu Giang, cho hay công việc gần như phải làm gấp đôi so với quy định 40 tiếng/tuần, từ 6 giờ 30 đến 17 giờ, thậm chí đến 18 giờ. Trung bình mỗi ngày GV làm việc 10-12 tiếng, về đến nhà gần như kiệt sức.
|
Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức chương trình gặp gỡ giáo viên theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Ảnh: BỘ GD&ĐT |
Dù vất vả, áp lực nhưng mức ưu đãi theo nghề thấp so với công sức các thầy cô bỏ ra - chỉ 35%. Thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống nên rất nhiều GV mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non, tiểu học.
Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non lên 10%, GV tiểu học tăng thêm 5%. “Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho GV mầm non, tiểu học” - ông Sơn chia sẻ.
Điều chỉnh dạy học tích hợp
Tại buổi gặp, nhiều GV đã chia sẻ những khó khăn gặp phải khi thực hiện dạy học môn tích hợp ở bậc THCS theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cô Hoàng Hải Vân, GV Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Nha Trang, Khánh Hòa, cho biết việc triển khai chương trình mới gặp những khó khăn nhất định.
Việc tích hợp các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý còn bất cập khi GV chủ yếu được đào tạo để dạy từng môn. Trong khi đó, giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ GV dạy tích hợp chưa thực sự hiệu quả. Cô Vân mong muốn Bộ trưởng có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ dạy các môn học này.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, GV Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, Nghệ An, chia sẻ chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THCS yêu cầu dạy tích hợp hai môn. Để đáp ứng chương trình, các GV được đào tạo đơn môn phải tham gia bồi dưỡng chương trình. Việc bồi dưỡng cơ bản giúp GV có thể dạy được cả môn tích hợp. Tuy nhiên, để các thầy cô tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, đề nghị bộ có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn hơn nữa.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn mà GV, cơ sở giáo dục đang gặp phải khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có dạy học tích hợp, liên môn ở cấp THCS.
“Căn cứ vào thực tế triển khai, trong thời gian tới bộ sẽ quyết định xem xét để có thể điều chỉnh việc dạy học các môn tích hợp cấp THCS, có thể vẫn kiên trì việc dạy tích hợp ở bậc tiểu học. Riêng với bậc THCS, bộ sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Gỡ khó cho tự chủ ĐH
Trong buổi gặp gỡ chiều 15-8, vấn đề những vướng mắc khi thực hiện tự chủ ĐH được lãnh đạo nhiều trường ĐH đề cập.
PGS-TS Phạm Thị Huyền, Trưởng phòng Marketing Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết khái niệm về tự chủ ĐH chưa được hiểu đầy đủ nên nhiều trường ngại tự chủ, người học cũng ngại học trường tự chủ do lo sợ học phí tăng. Do đó, bà đề nghị Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các trường ĐH tăng cường truyền thông về tự chủ ĐH.
Bên cạnh đó, cũng theo bà Huyền, việc thiếu đồng bộ các quy định về tự chủ ở các trường khiến việc tự chủ còn nhiều bất cập. Từ đó, bà đề xuất Bộ GD&ĐT rà soát quy định này để điều chỉnh trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trước mắt cần sớm tháo gỡ khó khăn để mở đường cho tự chủ ĐH phát triển mạnh mẽ. Cụ thể trước mắt là sửa Nghị định 99 và sớm sửa Luật 34 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, năm 2018). “Bộ sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách để sớm giải phóng sự sáng tạo của các giảng viên, nhà khoa học, giải phóng từ bên trong các cơ sở giáo dục... Bộ sẽ duy trì các chính sách để phát triển lực lượng giảng viên cả số lượng và chất lượng bằng nhiều nguồn, đề án, nhiều kênh khác nhau” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giảng viên phải bán hàng online
TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Nha Trang, cho biết công việc của viên chức, người lao động chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Điều lo lắng hơn, không ít viên chức, người lao động dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm nhiều việc khác nhau ngoài công việc chính như bán hàng online, bất động sản… Kết quả là việc phụ đem lại thu nhập chính, việc chính cần được dành nhiều trí tuệ, tâm huyết thì lại sao lãng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng GD&ĐT.
Ông Đạo đề xuất phải có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Bên cạnh đó, phải có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10-20 năm), phương thức trả nợ vay.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ hai từ trái qua) trò chuyện với các đại biểu tham dự buổi gặp. Ảnh: BỘ GD&ĐT |
Hiệu trưởng không phải ông quan trong trường học
Trong công cuộc đổi mới, tôi rất muốn nhấn mạnh vai trò của hiệu trưởng, người đứng đầu trường phổ thông. Hiệu trưởng là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục. Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được. Nếu các hiệu trưởng không thay đổi thì sự thay đổi của các GV sẽ rất khó khăn và có thể dẫn tới sụp đổ.
Rất nhiều hiệu trưởng qua thăm dò, tiếp xúc rất nhiệt huyết, làm tốt nhưng cũng có một phần không tham gia tập huấn, không nghiên cứu chương trình, phó thác việc đó cho hiệu phó, tổ trưởng bộ môn, GV cốt cán… Việc đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới.
Trong sự đổi mới, muốn có một trường học hạnh phúc, vai trò của mỗi GV được phát huy, để làm được điều đó, hiệu trưởng rất quan trọng. Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp. Cho nên mong các hiệu trưởng bắt nhịp với các mục tiêu đổi mới để trở thành những người dẫn dắt công cuộc đổi mới. Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng thì tính nhân văn, tính chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN KIM SƠN
2.000 câu hỏi về mức lương
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, cho biết trước cuộc gặp đã có trên 6.500 câu hỏi của các nhà giáo gửi đến. Trong đó, 2.000 câu hỏi liên quan đến vấn đề lương, phụ cấp dành cho nhà giáo, nhất là GV đang làm việc ở các vùng sâu, vùng xa.
Có trên 500 ý kiến đề nghị Bộ trưởng có kiến nghị để tuổi nghỉ hưu của GV mầm non là 55 tuổi thay vì 60 tuổi, do ngành mầm non có những đặc thù riêng.
Đồng thời, có 200 ý kiến từ các trường CĐ sư phạm và cơ sở giáo dục ĐH. Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như tự chủ ĐH và vai trò của đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ ĐH; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ...