BỊ TỐ ÉP CUNG, NHỤC HÌNH

Điều tra viên phải chứng minh mình “vô tội”

LTS: Ai có nghĩa vụ phải chứng minh có hay không chuyện ép cung, nhục hình - cơ quan điều tra hay bị can, bị cáo? Luật sưNguyễn Minh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa gửi đến Pháp Luật TP.HCM bài viết bàn luận về vấn đề này.

Ở Việt Nam, nhiều bị cáo ra tòa phản cung cho rằng mình bị bức cung, nhục hình nên phải nhận tội. Có bị cáo bị ép cung thật nhưng cũng không loại trừ bị cáo khai ẩu vậy để chối tội. Tuy nhiên, hầu hết các lời khai này đều bị tòa bác bỏ vì bị cáo không có gì để chứng minh.

Ai cũng hiểu nhưng chưa chắc tòa chấp nhận

Các điều tra viên (ĐTV), kiểm sát viên chắc chắn không thù hằn gì với bị can nên không có chuyện bức cung, nhục hình nhằm mục đích trả thù. Chẳng qua họ chỉ muốn mau chóng phá án. Nhưng thay vì dùng các biện pháp nghiệp vụ hợp pháp, họ lại sử dụng biện pháp ép cung, bức cung, nhục hình với niềm tin “bị can/nghi can chắc chắn có tội”. Vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang có lẽ cũng không ngoại lệ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 21-11, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình nói: “Tôi cho rằng bất cứ đất nước nào có pháp luật tiên tiến cũng không tránh được oan sai, chúng ta cũng nằm trong số đó. Nhưng oan đối với trường hợp cao nhất là chung thân, tử hình là không chấp nhận được… Nếu có ép cung, nhục hình sẽ không chấp nhận được. Nhưng nếu có phải được chứng minh”. Vấn đề là ai chứng minh, bị can/bị cáo hay ĐTV/cơ quan tố tụng?

Trong vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn, ông tố cáo mình bị ĐTV ép cung, nhục hình, bị bắt “tập cầm dao, bê xác”. Nhưng các ĐTV lại khẳng định họ không hề ép cung, nhục hình ông Chấn. Bản thân ông Chấn thì lại không thể nào chứng minh được. Rõ ràng ai cũng biết nếu không bị ép cung thì chỉ có kẻ khùng mới khai nhận tội trạng mà mình không hề làm.

Tất nhiên, “ai cũng biết” là một chuyện, vấn đề là tòa có chấp nhận hay không.

Điều tra viên phải chứng minh mình “vô tội” ảnh 1

Theo tư duy tố tụng của Trung Quốc, nghĩa vụ chứng minh chuyện ép cung, nhục hình là của điều tra viên và kiểm sát viên chứ không phải của ông Nguyễn Thanh Chấn. Ảnh: Viết Thịnh

Bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh

Trở lại với câu trả lời của ông chánh án TAND Tối cao. Ông đã trả lời đúng theo nguyên tắc tố tụng. Tiếc rằng các đại biểu chưa hỏi đến tận cùng để làm sáng tỏ nghĩa vụ chứng minh bức cung, nhục hình thuộc về ai. Bởi câu hỏi này liên quan đến nguyên tắc tố tụng chứng minh trong hoạt động điều tra tội phạm.

Từ trước đến nay, HĐXX đều cho rằng nghĩa vụ chứng minh bị bức cung, nhục hình là của bị cáo. Vì vậy, mới có điệp khúc: “Bị cáo có gì chứng minh là mình bị đánh không? Không hả? Vậy thì tòa căn cứ vào đâu để chấp nhận lời khai của bị cáo?”. Rõ ràng trước câu hỏi này, các bị cáo bị oan thật đành bất lực vì lấy đâu ra bằng chứng trong hoàn cảnh chỉ có bị cáo và ĐTV. Vì thế án oan, sai đang tồn tại như một mảng xám trong bức tranh tố tụng.

Theo quy định hiện hành, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Nghĩa vụ chứng minh bị cáo có tội hay vô tội (chứ không chỉ chứng minh theo hướng có tội) là thuộc về các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Hoạt động này gồm nhiều thao tác như thu thập, củng cố, nghiên cứu, so sánh tổng hợp, đánh giá chứng cứ… để kết luận có hay không có sự việc phạm tội.

Về nguyên tắc, bị cáo có quyền khai báo mình bị bức cung, nhục hình… và không có nghĩa vụ phải chứng minh lời khai đó. Lời khai này cũng như các lời khai khác về sự việc phạm tội, cũng chỉ có tính chất chung là các lời khai. Việc đánh giá, chứng minh lời khai của bị can, bị cáo là thật hay gian dối thuộc về nghĩa vụ của ĐTV, kiểm sát viên và cơ quan tố tụng. Vì vậy, theo tôi, việc buộc bị cáo phải chứng minh lời khai bị bức cung, nhục hình của mình là một tư duy trái với nguyên tắc chứng minh tội phạm đã được luật tố tụng hình sự quy định.

ĐTV phải tự chứng minh

Nghĩa vụ chứng minh nói trên phải được chuyển cho ĐTV, kiểm sát viên. Vụ án Nguyễn Thanh Chấn vừa qua, các ĐTV khi được yêu cầu làm tường trình đều đồng loạt phủ nhận lời khai của ông Chấn vì họ biết chẳng có gì chứng minh điều này cả. Tôi cho rằng các ĐTV phải có nghĩa vụ chứng minh điều ngược lại là họ đã không bức cung, nhục hình bị cáo.

Logic của tư duy này là: Người ta đang tố cáo anh bức cung, nhục hình thì anh phải ra đối chất và trả lời câu hỏi anh có làm điều đó không. Nếu không làm thì anh phải chứng minh, còn không chứng minh được thì anh đã không hoàn thành nghĩa vụ chứng minh và phải chịu hậu quả bất lợi. Điều này xuất phát từ nguyên tắc chứng minh tội phạm trong pháp luật tố tụng hình sự.

Vậy ĐTV, kiểm sát viên bị tố cáo ép cung chứng minh bằng cách nào? Để phòng ngừa vi phạm, Nhà nước phải tạo điều kiện, môi trường tốt nhất để ĐTV không thể bức cung, nhục hình bị can khiến họ có muốn cũng không thực hiện được. Luật tố tụng hình sự nhiều nước đều quy định lắp camera theo dõi toàn bộ cuộc hỏi cung để làm bằng chứng. Đây là công cụ và phương tiện hữu hiệu để bảo vệ ĐTV, kiểm sát viên trong trường hợp bị can, bị cáo phản cung, tố cáo họ. Sự tham gia bắt buộc của luật sư trong các buổi hỏi cung cũng là một cách để chứng minh ĐTV, kiểm sát viên đã làm đúng luật.

Cần ghi nhận khi sửa BLTTHS

Tôi cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa có chuyến thăm và làm việc với Hiệp hội Luật sư toàn Trung Quốc. Liên quan đến nghĩa vụ chứng minh chuyện bị cáo khai bị ép cung, nhục hình, tôi thấy tư duy tố tụng của Trung Quốc rất đáng để chúng ta học hỏi kinh nghiệm khi sửa đổi BLTTHS.

Trong buổi làm việc tại Tòa án Tối cao Trung Quốc, tôi có trao đổi với Thẩm phán Giong Ming (Công Minh), Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát kiêm thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao Trung Quốc, về chủ đề này. Tôi hỏi: “Nếu khi ra tòa bị cáo phản cung và cho rằng giai đoạn điều tra bị ĐTV bức cung, dùng nhục hình nên bị cáo phải khai theo hướng dẫn của ĐTV. Tình huống này tòa án Trung Quốc sẽ đánh giá lời khai này như thế nào? Có triệu tập ĐTV đó đến tòa đối chất không?”.

Thẩm phán Công Minh trả lời: “ĐTV phải chứng minh là mình không bức cung và dùng nhục hình như bị cáo khai. Bằng chứng là các băng ghi âm, ghi hình các buổi hỏi cung được Luật Tố tụng hình sự cho phép áp dụng. Tòa chúng tôi cũng áp dụng phương pháp đối chất giữa ĐTV và bị cáo để làm rõ sự thật tại tòa”.

Tôi hoàn toàn ủng hộ tư duy tố tụng này và nghĩ đến lúc chúng ta phải học hỏi một cách có chọn lọc.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm

Ông Nguyễn Thanh Chấn có đơn đề nghị khởi tố điều tra viên bức cung

Ngày 25-11, luật sư Vũ Thị Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Công lý Việt cho biết đã được nhận giấy chứng nhận là người bảo vệ miễn phí quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn (trú thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang).

Ông Nguyễn Thanh Chấn cũng vừa có đơn tố cáo gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan tố tụng trung ương, đề nghị xử lý những cá nhân đã làm oan ông. Trong đơn, ông Chấn tố cáo đích danh những cán bộ điều tra Công an tỉnh Bắc Giang, một kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Giang dọa dẫm, bắt ông ký vào các biên bản lời khai… Ông Chấn đề nghị trước mắt đình chỉ công tác các điều tra viên bức cung ông.

TX (Theo NLĐ, Tiền Phong)

Luật sư NGUYỄN MINH TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm