Bệnh thường xảy ra ở những người có thói quen hoặc nghề nghiệp phải đứng lâu, đi lại nhiều hoặc phụ nữ sinh nở nhiều, béo phì, người mắc chứng táo bón kinh niên. Tại Mỹ, theo thống kê có từ 10% đến 30% người lớn mắc bệnh này, làm tiêu tốn hàng tỉ USD và hơn 1 triệu ngày công lao động hằng năm.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, tỉ lệ người bị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới chiếm khoảng 5%-8% ở những người trưởng thành. Bệnh có thể đưa đến các biến chứng khá trầm trọng như giãn tĩnh mạch nông hay huyết khối tĩnh mạch sâu, gây chảy máu, viêm tĩnh mạch hay tắc động mạch phổi gây tử vong.
Trong điều kiện sinh lý bình thường, máu ở hệ tĩnh mạch lưu chuyển từ hai chân về tim theo chiều từ dưới lên, ngược theo chiều của trọng lực dù cơ thể đang ở tư thế đứng nhờ vào hệ thống van trong lòng tĩnh mạch. Khi các hệ thống van này bị hư hỏng, suy yếu, ngoài dòng máu sinh lý nói trên, trong lòng tĩnh mạch sẽ xuất hiện các dòng máu chảy theo chiều ngược lại, được gọi là dòng trào ngược. Chính dòng trào ngược này gây ra các triệu chứng suy tĩnh mạch chân, đau, nặng, mỏi, vọt bẻ, phù chân… Vì vậy, theo quan điểm điều trị mới của y học ngày nay, cần phải loại bỏ dòng máu trào ngược là nguyên nhân gây ra triệu chứng.
Trên thế giới có nhiều phương pháp để loại bỏ dòng máu trào ngược. Một trong những ứng dụng mới nhất của y học hiện đại là sử dụng sóng cao tần nhằm loại bỏ dòng máu trào ngược trong điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới, gọi tắt là RFA (radio frequency ablation). Đây là phương pháp điều trị đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm và điều trị Mỹ đồng ý cho áp dụng rộng rãi ở Mỹ. Ở Việt Nam, phương pháp này được một số cơ sở điều trị và một số thầy thuốc của Hội Tĩnh mạch học TP.HCM áp dụng có kết quả tốt với những chỉ định đúng, đã được hội đồng khoa học kỹ thuật của hội thông qua.
PGS-TS-BS NGUYỄN HOÀI NAM (Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM)