Dinh dưỡng ngừa bệnh cận thị

Căn bệnh hiện đại

Hiện nay, cận thị không chỉ phổ biến ở lứa tuổi học sinh, sinh viên mà tỉ lệ bị cận thị đối với mọi tầng lớp, độ tuổi cũng tăng rõ rệt. Trong đó, sử dụng máy vi tính không đúng cách là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều đường cũng dẫn đến bị cận thị. Bởi vì đường khiến cho độ đàn hồi của các tổ chức mắt giảm sút; đường cũng làm giảm lượng dự trữ crom khiến cho trục mắt có thể dài ra và ăn nhiều đường còn làm lượng đường trong máu gia tăng, làm biến đổi áp suất thẩm thấu của thủy tinh thể, phát sinh tật cận thị.

Theo một số nghiên cứu, cận thị là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất gây giảm thị lực trên toàn thế giới và là nguyên nhân đứng thứ hai gây nên tình trạng mù có khả năng điều trị được. Vì vậy, tốt hơn hết là có những cách thức để phòng tránh như: tăng cường hoạt động ngoài trời; không đọc khi nằm, đi lại hay đi tàu xe và phải có tư thế đúng khi đọc, viết; ánh sáng phải vừa phải khi xem tivi; tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào màn hình, đảm bảo độ sáng tốt khi làm việc với máy vi tính... Nếu đã bị cận thì phải có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ để mua và đeo loại kính phù hợp, đặc biệt là đối với trẻ em. Nếu trên 18 tuổi và có sự chỉ định của bác sĩ, người bị cận có thể mổ laser. Thêm đó, người bị cận cần thường xuyên được massage vùng mắt, tra dung dịch dưỡng mắt, uống thuốc bổ mắt; thường xuyên nhìn xa, đặc biệt nhìn vào cây xanh vào buổi sáng (phương pháp dân gian).

Hãy chăm sóc để đôi mắt trẻ luôn sáng và đẹp. Ảnh minh họa: PL

Dinh dưỡng giúp hạn chế, phòng ngừa

Dưới đây là một số thức ăn giúp hạn chế và phòng ngừa chứng bệnh cận thị ngày càng gia tăng như: thức ăn chứa nhiều vitamin A (có nhiều trong gan động vật, sữa bò, sữa cừu, sữa dê, lòng đỏ trứng gà, dầu gan cá…); thực phẩm chứa nhiều caroten (có trong các loại rau cải xanh, cải trắng, rau chân vịt (rau sam), cải dầu, đậu xanh, bí đỏ, cà chua, cà rốt, táo, khoai lang, bí, đu đủ, đặc biệt là gấc… Sau khi ăn, cơ thể hấp thu caroten rồi chuyển hóa thành vitamin A; thức ăn chứa nhiều vitamin B1 và riaxin (niacin), có trong các loại đậu, thịt nạc, lạc, gạo lứt - tức gạo bóc vỏ trấu, không giã. Các loại rau lá xanh, đậu xanh, táo, ngô…; thực phẩm chứa nhiều vitamin B2, có nhiều trong nội tạng động vật như cừu, thịt nạc, sữa bò, trứng các loại, các loại đậu và rau lá xanh…; thức ăn chứa nhiều crom, có trong men bia, rượu, gan động vật, thịt bò, bột mì thô, gạo lứt, đường đỏ, nước nho, nấm các loại…; thức ăn chứa nhiều kẽm, có trong sò biển, cá trích, gan, trứng…; thực phẩm chứa nhiều canxi, có trong tôm, cua, rau câu, tương, vừng, đậu tương, bơ, lòng đỏ trứng và các loại cá…; thực phẩm chứa nhiều selen, có trong cá, tôm, các loại sò, hến, các món ăn bằng bột mì, gạo lứt, đậu tương, vừng, ớt, tỏi, hành tây, nấm các loại, rau mã thầy, cà rốt…; các thức ăn có chứa nhiều phốt pho, có nhiều trong cá, tôm, sò biển, sữa, táo đỏ, rau câu…; các loại thức ăn kiềm tính, có trong rau xanh, hoa quả, đậu các loại.

Những món ăn giúp khỏe mắt trong thời gian dài

Caramen mật ong: Đập một quả trứng gà, đánh tan, cho vào cốc sữa đã làm nóng, đun nhỏ lửa đến khi trứng chín. Để nguội, sau đó cho mật ong vào. Ăn sau bữa sáng hoặc làm thực đơn cho bữa sáng;

Nước nhãn mật ong: Cho 10 g cẩu khởi và 3 g trần bì vào trong túi lọc riêng rẽ rồi thả vào nồi nước (lượng nước tùy ý) nấu cùng với 10 cái cùi nhãn. Nấu sôi khoảng 30 phút rồi lọc bỏ cùi nhãn, chắt nước ra ly, thêm một muỗng mật ong, uống vào khoảng 3 giờ chiều;

Nước táo đỏ mật ong: Cho 10 g cẩu khởi, 3 g trần bì và 8 quả táo đỏ vào nồi, thêm nước, nấu ở lửa nhỏ trong vòng 20 phút, lọc lấy nước đầu, sau đó cho nước lạnh vào nấu thêm, lọc lấy nước hai. Cách ăn: Nước đầu và nước hai trộn lẫn, sau đó chia ra uống hai lần, mỗi lần cách nhau 3-4 tiếng, khi uống cho thêm một muỗng mật ong.

VŨ YẾN tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới