DN ngại chống hàng giả vì sợ… mất mặt

“Hiện nay các mặt hàng giả mạo, hàng nhái rất đa dạng về chủng loại từ hàng công nghệ cao như máy tính xách tay, điện thoại di động đến hàng tiêu dùng. Doanh nghiệp (DN) bị thiệt nhưng chịu cảnh “sống chung với lũ”, người tiêu dùng không biết tìm đến ai và không biết cơ quan hỗ trợ có giải quyết có rốt ráo không”. Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TP.HCM cho biết như vậy tại hội thảo Chống hàng giả và gian lận thương mại do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Vietnam Economic News và Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vina tổ chức ngày 26-11.

Chợ Kim Biên, An Đông, Bà Chiểu tiêu thụ nhiều hàng giả nhất

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó phòng Hành chính nhân sự Công ty Mỹ phẩm LG Vina, cho biết hầu hết các mặt hàng mỹ phẩm của công ty đều bị làm nhái. Trong đó phấn trang điểm Essance bị làm giả nhiều nhất và chủ yếu được tiêu thụ ở chợ Kim Biên, chợ An Đông, chợ Bà Chiểu (TP.HCM) và một số chợ xa. Son Essance thật có giá 126.000 đồng nhưng hàng giả chỉ có giá 20.000-30.000 đồng. Người có thu nhập thấp thường chọn loại giá rẻ này. Hàng thật và hàng giả giống nhau một chín một mười, nếu ai không xài thường xuyên rất dễ nhầm lẫn. Hàng nhái đã gây không ít thiệt hại về doanh thu của DN.

Không chỉ có mỹ phẩm, văn phòng phẩm bị nhái mà ngay cả gas cũng bị làm giả tràn lan. Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Petro, cho biết tỉ lệ gas giả rất cao, đa số các thương hiệu gas lớn đều bị làm giả. Trên các bình gas có tem chống hàng giả nhưng bọn làm gas nhái cũng làm luôn cả… tem chống giả!

Người tiêu dùng có thói quen mua hàng ít khi lấy hóa đơn chứng từ nên khi về nhà phát hiện đó là hàng giả thì không biết đường nào mà “níu áo”. Ảnh minh họa: TÚ UYÊN

Đại lý cũng trộn hàng giả vào hàng thật

Nhà phân phối có tiếp tay cho hàng nhái đến tay người tiêu dùng hay không? Bà Trần Huệ Ngọc, Giám đốc cơ sở sản xuất văn phòng phẩm Thiên Lộc, cho biết một số đại lý biết rõ hàng nào giả, hàng nào thật nhưng vì lợi nhuận nên vẫn bán ra.

Anh Nguyễn Bá Cương Trực, quản lý bán hàng của Kềm Nghĩa, kể gần đây QLTT và công an kinh tế Hà Nội đã phát hiện một cửa hàng bán 100% hàng giả và một cửa hàng bán 50%-60% hàng giả. Người bán hàng giả trà trộn chung với hàng thật và bán với giá gần bằng nhau chứ không thấp quá.

“Người kinh doanh cứ nhận hàng ký gửi, thiếu thông tin về xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Đến khi người tiêu dùng phát hiện ra hàng giả thì không truy được nguồn gốc của sản phẩm. Thêm nữa, chính người tiêu dùng cũng có thói quen mua hàng không lấy chứng từ hóa đơn, thấy giá rẻ là mua ngay” - ông Nguyễn Văn Tấn, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Gia Lai, nói.

DN: Im lặng là vàng

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, hệ thống văn bản pháp luật chưa được hoàn thiện, nhiều văn bản chồng chéo cho nên quá trình kiểm tra áp dụng còn nhiều vướng mắc. Có những vụ muốn truy cứu trách nhiệm hình sự cũng không thể, hồ sơ cứ bị chuyển tới chuyển lui giữa QLTT và cơ quan điều tra. Hay khi bắt được một sản phẩm giả cần đối chứng với sản phẩm thật thì nhà sản xuất lại sợ bị ảnh hưởng đến uy tín nên không cung cấp cho cơ quan chức năng các giấy tờ cần thiết để đối chiếu. Vì vậy sự phối hợp thông tin giữa DN với cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả là rất cần thiết.

Không chỉ DN ngại hợp tác với cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả, mà theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TP.HCM, người tiêu dùng cũng ngại kiện cáo nên không đến cơ quan chức năng để đòi quyền lợi cho mình. Thời gian đi kiện, thủ tục hành chính, những chứng cứ cần có quá phiền phức mà không biết có đượcgiải quyết rốt ráo hay không.

Cùng bức xúc trên, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi Cục QLTT Bình Dương, cho biết: “Trước đây khi bắt được gas giả, chúng tôi báo cho DN đến để giám định đối chiếu thì chỉ sau 3 giờ đồng hồ là họ đã có mặt. Thế nhưng nay chúng tôi báo trước một tuần lễ mà vẫn không thấy ai đến. Vì không đối chiếu được nên không thể kết luận sản phẩm vừa bắt là hàng giả”.

4.800 là số vụ làm hàng giả mà lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện trong sáu tháng đầu năm 2011. Số tiền xử phạt là 15 tỉ đồng.

Việc đưa ra các con số chỉ mang tính tương đối vì cơ quan QLTT chỉ xử phạt những trường hợp thuộc thầm quyền của mình, nếu không thuộc chức năng sẽ chuyển sang cơ quan khác. Vì vậy số liệu này chỉ để đánh giá về sự phát hiện nhiều thủ đoạn, cách thức tổ chức của đối tượng vi phạm.

Ông ĐỖ HỮU QUANG,Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới