UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về quy trình thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử trong công tác cấp giấy phép xây dựng (GPXD) thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng TP. Khoảng một tuần nữa, khi quyết định này có hiệu lực (15-10), các doanh nghiệp (DN) thay vì mất 122 ngày để được cấp phép xây dựng (CPXD) thì sẽ còn 42 ngày, giảm được 80 ngày chờ đợi.
“Giảm thời gian cũng chính là giảm chi phí, nâng cao chất lượng cạnh tranh cho DN. Vì vậy, cơ chế một cửa liên thông điện tử góp phần giải quyết nhanh hơn thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo nên sức hấp dẫn cho DN khi đến với TP.HCM” - Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn cho biết khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngay sau khi quyết định này được ban hành.
Giải quyết cùng lúc ba thủ tục
. Phóng viên: Với quy trình hiện nay, để được cấp GPXD cho một công trình, DN phải qua rất nhiều “cửa ải”. Còn áp dụng liên thông điện tử thì sẽ phải cắt giảm những khâu nào trong quy trình CPXD, thưa ông?
+ Ông Trần Trọng Tuấn (ảnh): Theo quy định hiện hành, việc CPXD với các trình tự, thủ tục và thành phần hồ sơ đã được quy định cụ thể, không thay đổi. Tuy nhiên, khi áp dụng cơ chế một cửa liên thông điện tử trong CPXD thực chất là giải quyết cùng lúc ba thủ tục là hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở, hồ sơ thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công và cấp GPXD thay vì phải tách ra giải quyết từng thủ tục như hiện nay. Theo cách làm này sẽ giảm được thời gian giải quyết từ 122 ngày xuống còn 42 ngày.
. Như vậy, đường đi của GPXD một công trình theo cơ chế một cửa liên thông điện tử sẽ như thế nào?
+ Hiện nay, để cấp một GPXD phải trải qua nhiều bước, mỗi bước thủ tục lại thực hiện theo quy định pháp luật riêng và tại nhiều sở, ngành khác nhau. Chẳng hạn, đăng ký đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư; lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thì theo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; phê duyệt quy hoạch thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị… Việc CPXD tại Sở Xây dựng là khâu cuối cùng trước khi triển khai thi công công trình dự án.
So sánh thời gian xin GPXD bình thường và một cửa liên thông điện tử tại Sở Xây dựng TP.HCM. Ảnh: VIỆT HOA
Sau khi thực hiện xong các bước có liên quan trên thì theo quy trình lâu nay là chủ đầu tư phải nộp hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở (khoảng 30-45 ngày) tại Sở Xây dựng. Duyệt xong khâu này mới có cơ sở thực hiện tiếp bước hồ sơ thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công (tối đa 45 ngày). Cuối cùng là CPXD (30 ngày). Nay theo cơ chế một cửa liên thông điện tử thì chủ đầu tư sẽ cùng lúc nộp cả ba thủ tục này và Sở Xây dựng sẽ giải quyết trong vòng 42 ngày (kể cả thời gian liên thông với các sở, ngành có liên quan).
Toàn bộ thủ tục và quy trình cấp GPXD sẽ thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng TP (http://www.constructiondpt.hochiminhcity.gov.vn ) hoặc cổng thông tin điện tử của TP.HCM (http://www.hochiminhcity.gov.vn). DN chỉ cần vào các trang và gõ số biên nhận thì sẽ theo dõi và giám sát được toàn bộ quy trình cấp GPXD của mình. |
Không phải đi lòng vòng
. Trước giờ DN muốn nộp hồ sơ đề nghị CPXD thì phải đến rất nhiều sở, ngành, đơn vị có liên quan, vừa mất thời gian vừa phiền phức. Cơ chế một cửa liên thông có giải quyết được vấn đề này?
+ Để thực hiện một dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải trải qua rất nhiều bước như đã nói ở trên. Lâu nay, khi chủ đầu tư nộp hồ sơ xin CPXD, chẳng hạn như hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở thì phải liên hệ Sở GTVT để có ý kiến về đấu nối hạ tầng kỹ thuật, hồ sơ thiết kế kỹ thuật thì liên hệ cảnh sát PCCC để có ý kiến thẩm định về an toàn PCCC… Tuy nhiên, những công đoạn này khi thực hiện cơ chế một cửa liên thông điện tử thì Sở Xây dựng sẽ tự liên thông với các sở, ngành có liên quan bằng văn bản điện tử có chữ ký số. Do vậy, DN không phải đi lại nhiều mà chỉ nộp hồ sơ và nhận kết quả duy nhất một cửa là tại Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, để quy trình này vận hành một cách trôi chảy thì công chức được giao nhiệm vụ phải chuyên nghiệp; chủ đầu tư phải có ý thức tôn trọng pháp luật; đơn vị tư vấn cũng phải có năng lực hành nghề và chuyên nghiệp trong các bước chuẩn bị hồ sơ. Có như vậy thì toàn bộ quy trình mới thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả.
. Xin cám ơn ông.
Tiếp tục cải cách triệt để . Phóng viên: Thật ra CPXD chỉ là khâu cuối cùng để thực hiện một dự án. Trước đó DN phải gõ cửa rất nhiều cơ quan khác và mất khoảng hai năm để hoàn thành thủ tục pháp lý. Nhân việc áp dụng một cửa liên thông CPXD, nếu tất cả các bước đều tập trung một đầu mối tại Sở Xây dựng thì chắc chắn đây là điều mà bất kỳ DN nào cũng trông đợi. Ông nghĩ sao về việc này? + Ông Trần Trọng Tuấn: Tôi cũng đồng tình với việc cải cách triệt để các thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian, tạo mọi điều kiện cho DN đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cơ sở dữ liệu giữa các ngành còn chưa đồng bộ nên sẽ phải tiến hành từng bước. Do đó, trong thời điểm hiện nay chưa thể tập trung một đầu mối duy nhất để giải quyết hết mọi thủ tục pháp lý của một dự án. Mới đây, có DN đề xuất nên chia thành hai giai đoạn trong CPXD dự án để rút ngắn thời gian chờ đợi. Cụ thể là tách CPXD phần móng và phần thân công trình thành hai giai đoạn thay vì buộc phải hoàn thiện một lần như hiện nay. Theo quy định hiện hành, chỉ công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I mới được cấp GPXD theo giai đoạn, không áp dụng cho công trình cấp II. Tôi cho rằng đề xuất của DN cũng xuất phát từ thực tiễn và cũng là cách xử lý hiệu quả nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Đồng thời đảm bảo chi phí, hiệu quả đầu tư của DN. Sở Xây dựng cũng rất ủng hộ đề xuất trên. Về vấn đề này, qua trao đổi công tác với lãnh đạo Bộ Xây dựng, chúng tôi cũng có đề xuất và cũng được Bộ đồng tình. Dự kiến sẽ đưa vào nội dung cải cách hành chính trong năm 2018. |