Chiều 1-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần hai về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020.
Chính phủ đưa ra ba phương án
Thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày báo cáo tóm tắt. Theo ông Nguyễn Văn Thể, dự án cao tốc Bắc - Nam có tám dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án có từ hai nhà đầu tư lọt qua vòng sơ tuyển. Chỉ dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư nào.
Hiện các nhà đầu tư đều gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn tín dụng cho dự án. Đặc biệt, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hạn mức cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng. “Cạnh đó, Chính phủ cũng cần giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…” - ông Thể cho hay.
Theo đó, Chính phủ xây dựng ba phương án chuyển đổi hình thức đầu tư. Phương án một, chuyển toàn bộ tám dự án theo hình thức PPP sang đầu tư công. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách 55.000 tỉ đồng và bổ sung khoảng 44.493 tỉ đồng từ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
Phương án này có ưu điểm là đảm bảo các dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai đúng tiến độ QH đề ra.
Phương án hai, Chính phủ đề xuất chuyển năm dự án sang đầu tư công, gồm bốn dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Phan Thiết - Dầu Giây) và một dự án không có nhà đầu tư đăng ký tham gia là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ba dự án còn lại tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. Phương án này có tổng mức đầu tư khoảng 100.250 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 88.059 tỉ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỉ đồng.
Phương án ba, chuyển đổi hình thức đầu tư ba dự án, gồm hai dự án cấp bách là đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây và dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Năm dự án còn lại tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP. “Với phương án này, tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 78.461 tỉ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỉ đồng…” - ông Thể cho hay.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: VIẾT LONG
Nhiều ý kiến khác nhau
Báo cáo thẩm tra sau đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho biết phương án một và phương án hai đều không phù hợp với kết luận của UBTVQH tại phiên họp thứ 45. Đó là không chuyển đổi cả tám dự án sang đầu tư công, chỉ chuyển đổi dự án không có nhà đầu tư và một số ít dự án có nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công…
Về phương án ba, ông Thanh cho rằng có ba luồng ý kiến khác nhau.
Cụ thể, luồng ý kiến thứ nhất thống nhất với phương án chuyển ba dự án sang đầu tư công. Tuy nhiên, không nhất trí với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Nguyên nhân, đây là hai dự án có lưu lượng xe lớn nhất, lại nằm tại cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, kết nối thuận tiện với các tuyến cao tốc hiện hữu, có thể phát huy hiệu quả ngay… Cạnh đó, nếu dự án này được lựa chọn chuyển đổi, tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn (23.462 tỉ đồng). Nên hai dự án này cần thực hiện theo phương thức PPP. “Đề nghị xem xét phương án lựa chọn dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu hoặc dự án Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo vì có ít nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển và vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thấp” - ông Thanh nói.
Luồng ý kiến thứ hai không tán thành việc chuyển đổi phương thức đầu tư. Bởi không phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong việc thu hút nguồn vốn tư nhân tạo động lực phát triển kinh tế và mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng dự án Luật PPP.
Cuối cùng, luồng ý kiến thứ ba nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Do hai dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây có số vốn huy động lớn, nhà đầu tư khó có thể huy động được vốn tín dụng trong thời điểm hiện nay. Hai dự án này nếu được chọn đầu tư sẽ phát huy ngay hiệu quả trong việc kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Khả năng nhượng quyền thu phí thu hồi vốn nhà nước đối với hai dự án này cao.
Chỉ chuyển đổi hình thức đầu tư ba phương án
Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cho biết đa số thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí với luồng ý kiến thứ nhất, theo đó chỉ chuyển đổi tối đa ba dự án thành phần. “Đồng thời, đề nghị xem xét, lựa chọn thứ tự ưu tiên dự án chuyển đổi, theo nguyên tắc dự án không có nhà đầu tư tham gia; có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công, không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn…” - ông Thanh cho hay.
Góp ý sau đó, các đại biểu đều thống nhất lựa chọn phương án ba, bởi chuyển nhiều dự án sẽ gây áp lực lớn cho ngân sách nhà nước. “Đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại tờ trình, thay vì trình cả ba phương án thì nên đưa ra quan điểm nhất quán của Chính phủ để thảo luận tập trung…” - ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch QH, nói.
Sau khi chuyển sang đầu tư công, ông Hiển đề nghị các dự án trên phải tiến hành các thủ tục đấu thầu theo quy định. “Cạnh đó, các khoản đầu tư của Nhà nước, kể cả Nhà nước đầu tư 100%, theo luật quản lý tài sản công đều phải tiến hành thu phí. Thậm chí kể cả dự án sân bay Long Thành, UBTVQH cũng nêu rõ phải thu phí để hoàn vốn….” - ông Hiển nhấn mạnh.
Kết luận, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nếu các bên thống nhất thì trình ra QH một phương án. Trong đó, cần làm rõ cơ sở pháp lý để chuyển đổi ba dự án trên. Đối với năm dự án còn lại, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định…
Bộ GTVT từng đề xuất chuyển ba dự án sang đầu tư công Theo nghị quyết của QH, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 có tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng. Trong đó gồm 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án, 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Dự án cao tốc Bắc - Nam gồm 11 dự án thành phần, trong đó có ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức PPP. Bộ GTVT từng đề xuất chỉ chuyển ba dự án theo hình thức PPP sang đầu tư công, sau đó Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ chuyển cả tám dự án. |