Trong ngày đầu làm theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngành giao thông ở TP.HCM và nhiều địa phương đều tích cực triển khai. Trong đó, việc kiểm soát các phương tiện ra vào địa phương được thực hiện quyết liệt nhằm đảm bảo phòng, chống dịch COVID19 hiệu quả.
TP.HCM lập chốt kiểm tra xe ở các cửa ngõ
Ghi nhận của PV ngày 1-4 tại Bến xe Miền Tây cho thấy các bãi trả khách đã được rào chắn lại. Các khu vực vào bến, bãi được lực lượng bảo vệ túc trực để nhắc nhở người dân về việc bến xe đang tạm ngưng hoạt động. Tuy vậy, vẫn có nhiều người dân không nắm thông tin bến xe tạm ngưng hoạt động nên đã ra bến mua vé để về quê.
Tại Bến xe Miền Đông, các cửa ra vào bến như cửa G, cửa H,… đều đã treo bảng “Cửa khóa”. Lực lượng bảo vệ túc trực ở cổng số 3 không quên đo thân nhiệt và giải quyết một số trường hợp hành khách vào nhận hàng của tuyến xe khách chạy trước 0 giờ ngày 1-4. Còn một số trường hợp khách có nhu cầu về quê, lực lượng cũng đều giải thích và thông báo bến đang ngưng hoạt động.
Đại diện Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết kể từ 0 giờ ngày 1-4, lực lượng thanh tra đã lập chốt tại các cửa ngõ, bến xe ở TP để kiểm soát xe khách, xe hợp đồng, du lịch... ra, vào TP.
Tại các cửa ngõ, nơi có chốt chặn của lực lượng thanh tra giao thông và CSGT có rất ít phương tiện hoạt động, chủ yếu là xe đưa rước công nhân hoặc xe trống quay đầu từ các tỉnh, thành về.
Đà Nẵng: Xe ké hoạt động rầm rộ
Ghi nhận của PV tại ga đường sắt và sân bay Đà Nẵng, do các phương tiện taxi ngưng hoạt động nên các lối ra vào rất thông thoáng. Bên trong các sảnh chờ hành khách cũng thưa vắng do Bộ GTVT đã chỉ đạo giảm tối đa máy bay, xe lửa trong một ngày.
Khác với sự vắng vẻ ở các loại hình giao thông chủ lực vì bị cấm hoạt động, loại hình xe ké, xe ghép trở thành “cứu tinh” cho những người có nhu cầu cần thiết từ Đà Nẵng đi các tỉnh, TP khác. Tuy nhiên, việc hoạt động rầm rộ của các xe ké này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.
Xe ké, ghép đi nhiều nhất là các chặng ngắn như Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị, Đà Nẵng - Tam Kỳ - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Hội An, Đà Nẵng - Nông Sơn…
Lực lượng chức năng ở TP.HCM lập chốt kiểm tra các xe ra vào TP tại quốc lộ 1K. Ảnh: ĐÀO TRANG
Trên các hội nhóm đi xe ké miền Trung, chỉ cần đăng thông tin nơi đi, nơi đến kèm số điện thoại sẽ có nhiều bình luận mời chào xe giá rẻ, giá bao xe.
Tuy nhiên, khác với bình thường, hầu hết bình luận đều khuyến cáo hành khách mang đầy đủ giấy tờ tùy thân khi di chuyển, sẵn sàng khai báo y tế ở nơi đến.
Chủ một đội xe ké Đà Nẵng - Quảng Nam cho hay hầu hết thành viên xe ké trong đội xuất thân từ tài xế taxi, xe công nghệ… với các ô tô từ bốn đến bảy chỗ ngồi.
Ở chiều các tỉnh khác vào TP Đà Nẵng, bảy trạm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra vào TP vẫn hoạt động tích cực bất kể ngày đêm.
Trung tá Nguyễn Duy Hoan, Trạm phó Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải (Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng), cho hay đây là cửa ngõ chính của hành trình Đà Nẵng - Hội An, lưu lượng phương tiện rất đông nên cần kiểm soát thật kỹ.
Tại cửa ô Hòa Hiệp, nơi đón lượng phương tiện từ Thừa Thiên-Huế vào Đà Nẵng, việc kiểm soát cũng chặt chẽ tương tự.
Trung tá Võ Phi Hùng (Trạm phó Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp) khẳng định công tác phòng, chống dịch là không có trường hợp ngoại lệ. Tất cả ô tô đều phải tuân thủ các yêu cầu bắt buộc trước khi qua trạm.
Người dân cần suy nghĩ kỹ trước khi rời TP PV đặt câu hỏi trường hợp người dân có việc gấp cần phải ra khỏi TP thì sẽ được giải quyết như thế nào? Đại diện Sở GTVT cho rằng đây là thời điểm rất quan trọng để phòng, chống dịch COVID-19 được hiệu quả nhất. Do đó, trước khi rời khỏi TP, người dân cần suy nghĩ kỹ việc di chuyển này có thực sự cần thiết hay không, nếu không đi trong vòng 15 ngày có ảnh hưởng gì không. Sau khi suy nghĩ và buộc phải di chuyển thì người dân có thể đi bằng phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, Sở GTVT khuyến cáo người dân nên thực hiện đúng theo tinh thần hạn chế đi lại, nhà cách ly với nhà, tỉnh - TP này cách ly với các tỉnh - TP khác. Đồng thời, người dân cũng phải xem xét mình có đủ sức khỏe để di chuyển không nhằm hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh. |
Sở GTVT cần tham mưu nếu dân có nhu cầu đi cấp thiết
Đại diện Bộ GTVT cho biết trước Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng, ngày 31-3 đơn vị đã ban hành các văn bản tới các đơn vị liên quan nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch.
Theo đó, bộ yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh dừng hoạt động xe chở khách liên tỉnh, xe hợp đồng… Tuy nhiên, Bộ GTVT yêu cầu trường hợp đặc biệt, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định.
“Bộ GTVT không thể đưa ra quyết định cho từng địa phương nên quy định trên nhằm tạo ra sự linh hoạt cho các tỉnh. Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ quy định việc tổ chức giao thông vận tải công cộng, vận tải xe khách tuyến cố định thuộc thẩm quyền của địa phương… nên những hướng dẫn trên là cần thiết” - đại diện Bộ GTVT giải thích.
Để hướng dẫn kỹ hơn cho các đơn vị, ngày 1-4, Bộ GTVT có văn bản tiếp theo gửi các đơn vị liên quan. Trong đó, quy định trường hợp hành khách là người hết cách ly hoặc trường hợp đặc biệt cấp thiết có nhu cầu di chuyển, Sở GTVT phối hợp với Sở Y tế đề xuất và tham mưu cho UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương xem xét, quyết định.
“Có nghĩa Bộ GTVT không đóng khung, chỉ định hướng cho các sở GTVT hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân từ địa phương này sang địa phương khác, trừ trường hợp cấp thiết thì có đề xuất, tham mưu. Tất cả quy định này trên tinh thần quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu cách ly toàn xã hội trong 15 ngày để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân…” - đại diện Bộ GTVT cho hay.
Cần Thơ: Chỉ xem xét trường hợp đặc biệt Trong ngày đầu tiên thực hiện thông báo tạm dừng hoạt động các bến đò ngang sông ở Cần Thơ, nhiều người dân cho biết đã gặp khó trong việc đi lại. Cụ thể, nhiều công nhân ngụ Tân Quới, Tân Lược (bên bờ Vĩnh Long) nhưng làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc phản ánh do không có đò ngang sông như thường ngày nên họ buộc lòng phải chạy vòng đường cầu Cần Thơ. Theo các công nhân, việc này đã làm mất nhiều thời gian vì quãng đường đi làm xa hơn gấp nhiều lần. Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng khẳng định nếu cho công nhân đi lại thì làm sao cách ly theo tinh thần của Thủ tướng. “Cấm phà chạy tuyệt đối trong vòng 15 ngày, trừ các trường hợp đặc biệt” - ông Dũng nhấn mạnh. Vĩnh Long: Phà vẫn hoạt động nhưng giới hạn Bến phà, bến khách ngang sông trên đường độc đạo ở Vĩnh Long vẫn được phép hoạt động nhưng trong giới hạn. Cụ thể, đối với các bến đò, bến khách ngang sông qua các xã cù lao như bến đò An Bình - TP Vĩnh Long, bến Trung Thành Tây - Thanh Bình, bến Quới An - Chánh An, bến thị trấn Trà Ôn - Lục Sỹ Thành được hoạt động. Tuy nhiên phải giảm 50% tần suất, vận chuyển tối đa 50% sức chứa của phương tiện và không quá 20 người/chuyến. Ngoài ra, chủ các bến đò ngang sông bố trí phương tiện trực tại bến để kịp thời vận chuyển các trường hợp đặc biệt phát sinh theo quy định. Quảng Nam: Người dân chấp hành tốt việc phòng dịch Ngày 1-4, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết đã chỉ đạo công an tỉnh, công an địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai lực lượng túc trực tại tám chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19. Theo đó, tám chốt được lập tại các điểm cửa ngõ đi vào địa phận tỉnh Quảng Nam. Công an phối hợp cùng các cơ quan kiểm soát y tế, thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người vào địa phận tỉnh Quảng Nam. Theo cán bộ công an làm nhiệm vụ tại chốt, tính đến 16 giờ ngày 1-4, hầu hết tài xế, người được kiểm tra đều chấp hành tốt việc phòng, chống dịch COVID-19. Đến thời điểm này, tổ công tác tại chốt vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào phải can thiệp y tế. |