Theo quy hoạch, tuyến đường ven biển dài hơn 700 km sẽ kết nối từ TP.HCM qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau tới Kiên Giang. Tuyến đường ven biển này khi hình thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) khu vực ĐBSCL và chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường hiện hữu.
Khẩn trương triển khai
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết tuyến đường ven biển kéo dài từ TP.HCM tới Cà Mau là kỳ vọng mới của các tỉnh miền Tây. Theo ông Bon, hiện trung ương đã đồng ý chủ trương mở tuyến đường ven biển này, trong đó các bộ KH&ĐT, GTVT cũng rất quan tâm, ủng hộ.
Sắp tới, tại tỉnh Bến Tre sẽ diễn ra hội nghị thảo luận về quy hoạch chung của tuyến đường ven biển này. Ông TRẦN VĂN BON, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang
Hiện tại dự án đường ven biển đang trong giai đoạn nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch đường ven biển quốc gia. Tiền Giang mong muốn trung ương sớm đầu tư để tạo điều kiện phát triển KT-XH địa phương và các tỉnh lân cận. Tỉnh Tiền Giang luôn sẵn sàng điều chỉnh giao thông, quy hoạch sử dụng đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo điều kiện cho quá trình triển khai dự án.
Dự án đường ven biển trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có chiều dài gần 25 km, rộng hơn 20 m, bốn làn xe, tốc độ 80 km/giờ và tổng cộng 18 cầu. Dự án được chia làm hai đoạn, đoạn 1 có điểm đầu từ nút giao cầu Mỹ Lợi đến quốc lộ (QL) 50 (Gò Công Tây, Tiền Giang) dài gần 12 km, đoạn 2 sẽ nối tiếp điểm cuối đoạn đầu đến cầu Bình Thới 1 (Bình Đại, Bến Tre) dài 13 km. Hai đoạn này kết nối với trục lộ sẵn có, đi dọc ven biển, song song với QL1. Theo đó sẽ có khoảng 90 ha đất cần GPMB, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Tuyến đường ven biển hơn 700 km sẽ đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Đồ họa: HỒ TRANG
Tương tự, tỉnh Long An cũng có tuyến đường mới hoàn toàn nằm trong tuyến đường ven biển ĐBSCL. Đây cũng là trục động lực mà tỉnh Long An kỳ vọng sẽ phát triển KT-XH của tỉnh. Trục giao thông mới này được tỉnh Long An coi là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết tuyến đường này qua địa phận tỉnh Long An dài 55 km. Trên tuyến sẽ có ba cây cầu được xây mới bắt đầu từ TP.HCM bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Thuật Đông và Vàm Thuật Tây. Hiện tỉnh Long An đã lập quy hoạch và được phê duyệt, dự kiến được khởi công vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.
Phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 1
Nói về ý nghĩa của tuyến đường ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Long An, ông Nguyễn Hoài Trung nhận định đây không chỉ là trục động lực phát triển KT-XH của tỉnh mà còn là tuyến giao thông liên kết liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cả vùng ĐBSCL.
Theo đó, tỉnh Long An luôn đánh giá cao vai trò của tuyến đường ven biển này, khi tuyến đường hoàn thành sẽ giảm hẳn tình trạng ùn tắc giao thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương và QL1 hiện đang quá tải. Khi đó, thời gian di chuyển, chi phí vận chuyển hàng hóa giảm, sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các tỉnh miền Tây khi kết nối với Long An, TP.HCM và các cảng biển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Long An.
Ông Trung cho biết tỉnh Long An đã tiến hành tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò của dự án và nhận được sự đồng thuận. Tuy nhiên, về cơ bản, tuyến đường ven biển là tuyến đường hoàn toàn mới, chủ yếu đi qua đất ruộng, dân cư thưa thớt nên chi phí GPMB thấp. Hiện tỉnh Long An đã lập quy hoạch giải phóng bề ngang tuyến đường thêm 300 m để tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư trục giao thông này. Đây được coi là một nguồn xã hội hóa để làm giao thông, đầu tư phát triển kinh tế.
Về phía Cà Mau, lãnh đạo tỉnh cho biết hiện đơn vị đã trình Bộ KH&ĐT dự án này. Theo đó, tuyến đường ven biển đi qua địa phận tỉnh Cà Mau sẽ có chiều dài khoảng 200 km với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn đầu tư. Sau khi hoàn thành, tuyến đường ven biển sẽ đảm bảo việc kết nối vùng và phá thế độc đạo của QL1.
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL, nhận định giao thông khu vực ĐBSCL hiện nay được xem là điểm nghẽn trong phát triển vùng. Tuy nhiên, nhiều năm nay giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế, nhu cầu đi lại của người dân vẫn chưa được khơi thông. Ông Hiệp cho rằng việc xây dựng tuyến đường này sẽ kết nối liên vùng, chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường hiện hữu, tạo điều kiện phát triển KT-XH.
Tương tự, theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT, Trường ĐH Việt Đức, TP.HCM là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước song giao thông kết nối vùng chưa được đảm bảo. Hiện nay gần như toàn bộ hàng hóa khu vực ĐBSCL đều di chuyển về hệ thống cảng biển ở Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và Hiệp Phước… Bên cạnh đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, QL1 đã quá tải nên việc xây dựng các tuyến đường mới, hành lang kinh tế xuyên suốt là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay.•
40.000 tỉ đồng cho tuyến đường ven biển, hồ lớn, đường kết nối…
Tại hội nghị quy hoạch vùng ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tuyến đường ven biển sẽ tiếp cận theo một cách khác, không chỉ về mặt giao thông đơn thuần. Tuyến đường này phải trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
Về nguồn lực thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ có hai nguồn lực là ngân sách trung ương hỗ trợ các dự án liên kết vùng khoảng 17.000 tỉ đồng cho các tỉnh. Nguồn thứ hai là vay của Ngân hàng Thế giới (WB) tăng thêm cho ĐBSCL khoảng 24.600 tỉ đồng. Hai nguồn này khoảng 40.000 tỉ đồng để thực hiện những dự án như đường ven biển, hồ lớn, đường kết nối vùng, liên tỉnh…