Những tiềm năng của tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM thông báo đã lựa chọn được nhà đầu tư cho tuyến phà biển Cần Giờ (TP.HCM) - Vũng Tàu. Đơn vị được giao đầu tư là Công ty TNHH MTV Quốc Chánh.

Giảm tải cho đường bộ

Nhớ lại hành trình di chuyển tới Vũng Tàu, anh Trần Văn Thành (Long An) than thở: “Nghĩ mà mệt, có lần tôi đi từ Long An tới Vũng Tàu để dự đám cưới. Khi đi qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ai ngờ gặp cảnh kẹt xe nên cũng mất 6 giờ mới tới nơi. Đi đám cưới mà xuống tới nơi tiệc đã tan rồi”.

Theo anh Thành, ngoài kẹt xe đường cao tốc thì khi đi qua đoạn đường từ Nguyễn Văn Linh tới cầu Phú Mỹ, đường Võ Chí Công (TP.HCM) cũng gian nan không kém bởi xe container, xe tải dàn hàng đi lại mà thót tim. “Nay nghe tin sắp có tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu mà tôi cũng thấy mừng, hy vọng người dân đi lại thuận tiện hơn” - anh Thành nói.

Tương tự, anh Nguyễn Tấn Đạt (Tiền Giang) cho hay: “Nếu có tuyến phà biển này thì tôi đi từ khu vực Tiền Giang, Long An tới Vũng Tàu cũng chỉ mất khoảng 2 giờ 30 phút (bắt đầu từ huyện Cần Giuộc đến Vũng Tàu). Đi phà biển sẽ rút ngắn thời gian so với đi qua tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây”.

Anh Đạt còn vui vẻ cho rằng khi đi đường sông thì người dân có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Rừng Sác và các điểm du lịch khác ở Cần Giờ, như vậy là tiện đủ đường.

Trao đổi với PV, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay phà biển sẽ là phương tiện kết nối TP.HCM với Vũng Tàu một cách thuận lợi. Để lựa chọn được đơn vị đầu tư, vận hành, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức, đánh giá năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Cuối cùng đơn vị quyết định chọn Công ty Quốc Chánh để thực hiện đầu tư chuyến phà biển này.

Chiếc phà biển sẽ chạy tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu. (Ảnh do Sở GTVT cung cấp)

Khai thác du lịch huyện Cần Giờ

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1 TP.HCM), cho biết việc phát triển giao thông đường thủy là hết sức cần thiết, đặc biệt là tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Phát triển giao thông đường thủy sẽ góp phần giảm tải giao thông đường bộ, từ đó khai thác tối đa tiềm năng giao thông thủy.

Theo ông Toản, khi tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đi vào hoạt động sẽ làm tăng khả năng liên kết vùng, giữa Tiền Giang, Long An, Cần Giờ với Vũng Tàu mà trước đây chúng ta mất rất nhiều thời gian để di chuyển. Đồng thời phà biển sẽ là động lực để thúc đẩy tiềm năng du lịch của huyện Cần Giờ mà bấy lâu nó đã bị ngủ quên.

“Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên bị kẹt xe là tiếng chuông báo rõ về thực trạng giao thông hiện nay. Vì vậy, phát triển giao thông đường thủy là giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm hiện nay để giảm tình trạng kẹt xe trong thời gian chờ xây dựng thêm cầu, đường” - ông Toản bày tỏ.

Việc phát triển giao thông đường thủy là một xu thế tất yếu. Giao thông đường bộ vốn đã kẹt cứng, riêng giao thông đường thủy thì vẫn còn thị phần. Việc phát triển giao thông đường thủy không chỉ làm tăng kết nối vùng từ các tỉnh miền Tây với Cần Giờ, Vũng Tàu mà còn giảm kẹt xe cho đường bộ, tăng hiệu quả phát triển kinh tế cho huyện Cần Giờ hiện nay.

Ông HOÀNG SONG HẢI, Tổng giám đốc Công ty TNHH 
Công Nghệ Xanh DP
 

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, góp ý: Nhà nước tổ chức, kết nối giữa giao thông đường thủy và giao thông đường bộ được đồng nhất thì sẽ không xảy ra tình trạng chết yểu như một số dự án giao thông thủy hiện nay. Theo đó, một tuyến giao thông đường thủy được hoạt động phải có sự kết hợp với giao thông đường bộ từ lịch trình chạy đến bến bãi… tất cả phải đồng nhất. Từ đó nhà đầu tư nên quy tụ hệ thống giao thông này thành một mạng lưới chứ không nên phân nhỏ các tuyến cho nhiều doanh nghiệp khác đảm nhận.

“Tuyến mới này không chỉ là tuyến đường biển mà nhà đầu tư cần tính đến phương án tổ chức để kết hợp với lịch trình xe buýt nhằm gom khách cho hiệu quả. Đồng thời tại bến thì phải có bãi gửi xe cho các phương tiện cá nhân. Thậm chí trong lộ trình di chuyển, nhà đầu tư phải tính toán đến lộ trình dừng đỗ cụ thể để kết hợp với du lịch, dịch vụ, khách sạn…” - ông Sơn phân tích.

Do đó, tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu cũng cần kết nối đồng bộ với tuyến phà Cần Giuộc - Cần Giờ thì mới mang lại hiệu quả cao. “Nhà nước cần xã hội hóa các dự án đường thủy, trong đó phải giao làm trọn gói. Cụ thể, đơn vị thực hiện sẽ xây dựng, vận hành từ hệ thống phương tiện đường thủy đến kết nối giao thông công cộng đường bộ, bến bãi. Từ đó tạo ra một hệ thống khép kín, thuận tiện để thu hút người dân chọn đường thủy làm lộ trình ưu tiên” - ông Sơn nói.

Dự kiến khai thác vào tháng 4-2020

Theo Sở GTVT, người dân từ Long An, Tiền Giang khi đến TP Vũng Tàu có thể đi qua phà Cần Giuộc - Cần Giờ (khoảng 30 phút). Sau đó đi theo đường Lý Nhơn, đường Rừng Sác với cự ly 40 km, thời gian hành trình khoảng một giờ đến bến Tắc Suất. Tiếp tục đi phà biển khoảng 30 phút để đến TP Vũng Tàu (hành trình cự ly khoảng 15 km mỗi chiều). Tổng thời gian hành trình từ huyện Cần Giuộc đến TP Vũng Tàu chỉ khoảng 2 giờ 30 phút kể cả thời gian chờ phà. 

Sức chở của chuyến phà này là hơn 250 hành khách với 100 xe máy và 15 ô tô; tần suất khai thác dự kiến là 24 lượt/ngày. Dự kiến tháng 4-2020 sẽ vận hành tuyến phà này.

Sở GTVT đánh giá khi tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đi vào hoạt động kết hợp với các tuyến phà hiện hữu như phà Bình Khánh, phà Cần Giờ - Cần Giuộc sẽ tạo điều kiện cho huyện Cần Giờ kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận. Từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm