Sân bay Nội Bài vận hành ‘mắt thần’ để tránh ‘mạnh ai nấy làm’

Ngày 1-1, tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài, lần đầu tiên nhiều đơn vị như Cảng vụ Hàng không miền Bắc, các hãng hàng không trong nước, công ty phục vụ mặt đất và đơn vị sân bay cùng tham gia trực tập trung tại Trung tâm Điều phối khai thác (Airport Operation Control Center - AOCC) để giám sát hoạt động khai thác sân bay.

Theo lãnh đạo Cảng HKQT Nội Bài, các cơ quan, đơn vị trực theo ba khung giờ cao điểm: 9 giờ 15 đến 11 giờ 15, 14 giờ đến 16 giờ và 20 giờ đến 22 giờ hằng ngày từ ngày 1-1 đến 31-3-2020. Việc trực điều hành sẽ thực hiện tập trung tại Trung tâm AOCC (đặt tại tầng một nhà ga hành khách T2).

Theo lộ trình, sau ngày 1-4-2020, Cảng HKQT Nội Bài sẽ đầu tư hệ thống camera CCTV và thiết bị hỗ trợ công tác giám sát, theo dõi trực quan tại AOCC thì việc trực điều hành tập trung sẽ được tiến hành 24/7.

Cảng HKQT Nội Bài cho biết công tác phối hợp trên sẽ giúp nâng cao khả năng kiểm soát mọi hoạt động khai thác tại Cảng HKQT Nội Bài. Đồng thời đảm bảo ra quyết định khai thác chính xác, kịp thời cũng như đảm bảo tối ưu hóa công tác điều hành hoạt động bay.

Buổi trực tập trung tại Trung tâm AOCC sáng 1-1-2020. Ảnh: V.LONG

“Cụ thể, kiểm soát các vị trí đỗ máy bay, cửa ra máy bay, quầy thủ tục, đảo hành lý. Đồng thời tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát các phương tiện mặt đất hoạt động trong khu vực sân đỗ máy bay và kiểm soát tình trạng cơ sở hạ tầng, khu bay, vật ngoại lai, chim và động vật hoang dã…” - lãnh đạo Cảng HKQT Nội Bài cho hay.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trước đây công tác vận hành ở sân bay thường riêng lẻ, không tập trung. Nên việc thành lập AOCC là bước đầu tiên trong lộ trình thực hiện Chương trình mô hình phối hợp hiệp đồng ra quyết định tại sân bay (A-CDM) như khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới ICAO.

“Với việc triển khai phối hợp ra quyết định tại AOCC, sau này là triển khai A-CDM sẽ giúp đảm bảo tốt nhất hiệu quả khai thác cũng như an ninh, an toàn. Triển khai A-CDM không chỉ mang lại lợi ích riêng rẽ cho nhà khai thác sân bay, hãng hàng không, quản lý bay hay dịch vụ mà tất cả đều có lợi” - ông Thắng khẳng định.

Người đứng đầu Cục Hàng không cũng cho biết thêm trên thế giới, nhiều sân bay lớn đã triển khai thành công chương trình A-CDM. Trong khu vực, hai cảng hàng không Changi (Singapore) và Chep Lac Kok (Hong Kong) cũng đã triển khai rất tốt mô hình này. Tại Trung Quốc, hầu hết cảng lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu cũng đang quyết liệt triển khai.

Theo khuyến nghị của ICAO các cảng hàng không có lượng hành khách đạt 20 triệu khách/năm và từ 100.000 chuyến bay/năm trở lên thì nên triển khai mô hình A-CDM, nhằm đạt hiệu quả về khai thác cho các bên liên quan. Nhưng để triển khai A-CDM nhanh chóng thì cần xây dựng Trung tâm Điều phối khai thác AOCC.

AOCC chia làm ba giai đoạn

Lãnh đạo Cảng HKQT Nội Bài cho biết AOCC đã đi vào hoạt động từ ngày 10-8-2019 và chia làm ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, lực lượng tham gia trực tại AOCC là đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cảng HKQT Nội Bài.

Giai đoạn hai, kể từ ngày 1-1-2020, bắt đầu có thêm đại diện các đơn vị hoạt động tại cảng, trực vào các khung giờ cao điểm trong ngày. Giai đoạn ba được tính từ ngày 1-4-2020 với chế độ trực điều hành tập trung và thường xuyên 24/7. Trong 22 sân bay của Việt Nam, Nội Bài là sân bay đầu tiên thực hiện mô hình này. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm