Siết ‘xe dù, bến cóc’ nhưng đừng làm khó DN

Sau thời gian dài chuẩn bị, mới đây Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó đáng chú ý là những quy định siết mới lại xe hợp đồng, kể cả hợp đồng điện tử - loại hình vận tải đang phát triển mạnh - hiện đang gây ra nhiều tranh cãi.

Áp đặt hành chính

Dự thảo cho rằng quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh của xe hợp đồng, xe du lịch còn khá dễ dãi so với xe chạy liên tỉnh cố định. Do đó cần phải siết lại loại hình kinh doanh vận tải này nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT, cho rằng xe hợp đồng là xe chạy không theo tuyến cố định. Còn xe tuyến cố định chạy từ bến đến bến, có quy hoạch từ trước. Song hiện nay xe hợp đồng có hiện tượng lách quy định để chở khách tuyến cố định bằng cách nhà xe in sẵn hợp đồng, khi hành khách lên xe sẽ ghi tên bổ sung. Vì vậy, dự thảo nghị định mới bổ sung quy định hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Một chuyến xe chỉ được ký kết một hợp đồng.

Tuy nhiên, về vấn đề này, ý kiến của Bộ Tư pháp cho rằng việc quy định như dự thảo còn mang nặng tính chất áp đặt hành chính, tạo gánh nặng cho việc giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Tư pháp nhấn mạnh về bản chất, việc phân biệt xe chở khách theo hợp đồng với xe chở khách theo tuyến cố định phải dựa trên yếu tố quan trọng là quyền của hành khách. Đối với xe hợp đồng thì việc lựa chọn lịch trình, hành trình do hành khách quyết định; ngược lại, xe chạy theo tuyến cố định thì đơn vị vận tải là bên có quyền quyết định lịch trình, hành trình. Cạnh đó, vé bán trước hoặc hợp đồng ký trước khi chạy xe là các hình thức giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận nên không thể trở thành “bằng chứng” để phân biệt giữa xe chạy tuyến cố định với xe chạy hợp đồng.

Bộ GTVT cho rằng xe hợp đồng là xe chạy tuyến không cố định, còn Bộ Tư pháp thì nói hành trình xe hợp đồng là do hành khách quyết định. Ảnh: H.GIANG

Quy định không phù hợp thực tế

Dự thảo nghị định lần này cũng bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại một địa chỉ cố định. Đồng thời dự thảo cũng quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau (trừ những vị trí do UBND cấp tỉnh công bố). Bộ GTVT giải thích việc xây dựng các quy định này nhằm hạn chế tình trạng “xe dù, bến cóc” đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nhiều điểm mở

Dự thảo cũng có nhiều điểm mở cho DN vận tải cần ghi nhận. Đó là việc bỏ quy định hộ kinh doanh vận tải phải có người điều hành. Dự thảo cũng bỏ quy định muốn hoạt động vận tải, DN, hợp tác xã phải có phương án kinh doanh được phê duyệt. Bỏ quy định về số xe tối thiểu của DN vận tải. Nới niên hạn của xe taxi từ tối đa tám năm lên không quá 12 năm…

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đức Thành, Giám đốc hãng xe Thành Bưởi, cho rằng việc quy định xe hợp đồng không được chạy quá 30% tổng số chuyến/tháng có cùng điểm đi và điểm đến là... cắc cớ, không phù hợp thực tế. “Có nghĩa là nếu tôi cho ba xe chia nhau chạy 100 chuyến tháng thì bị các anh phạt! Vậy tôi tăng lên thành bốn xe (nên chỉ đạt 25% tổng số chuyến/tháng ở cùng điểm đi, điểm đến) thì các anh có phạt được không? Hoặc doanh nghiệp (DN) tôi có 2-3 điểm đón trả khách, tôi đảo cho xe hôm nay chạy đón khách từ điểm này, mai từ điểm khác thì các anh cũng không đếm đủ số chuyến xe để phạt tôi được” - ông Thành phản biện.

Dự thảo cũng quy định trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua email hoặc phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi. Theo Bộ Tư pháp, quy định này là không nên vì việc này sẽ thêm thủ tục hành chính, chi phí cho DN mà cũng không bảo đảm đạt được mục đích quản lý. Hướng gỡ cho việc không cần thông báo hợp đồng chạy xe tới Sở GTVT là thời gian tới Bộ GTVT sẽ xây dựng phần mềm báo cáo xe hợp đồng và kết hợp với thông tin từ thiết bị giám sát hành trình để đối soát tự động toàn bộ các thông tin, đưa ra cảnh báo và xử lý nếu các xe này có vi phạm.

Hàng loạt tài xế Grab, Uber phải ngưng hoạt động?

Bộ GTVT muốn siết thêm quy định cho các loại hình vận tải hợp đồng điện tử như Uber, Grab. Chẳng hạn, đối với đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử, dự thảo yêu cầu đơn vị cung cấp phải ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ sử dụng phần mềm và chỉ được cung cấp dịch vụ cho DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải. Không được cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử cho hộ kinh doanh vận tải, phương tiện cá nhân và các phương tiện không kinh doanh vận tải. Như vậy, có thể hiểu dự thảo quy định chỉ cho phép Uber, Grab kết nối hợp đồng vận tải điện tử với các DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải, còn các tài xế có xe cá nhân không thuộc DN, hợp tác xã vận tải thì sẽ không đủ điều kiện hoạt động. Điều này có nghĩa là sắp tới sẽ có hàng loạt tài xế Uber, Grab phải ngưng hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm