Phá rừng và cái giá phải trả - Bài 2: Tràn lan thủy điện ‘cóc’

Hiện nay, thủy điện được xác định là nguồn cung cấp điện chủ lực trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Xét chung trong hệ thống điện quốc gia, các dự án thủy điện đang vận hành chiếm tỉ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 37% về điện năng. Tuy nhiên, vừa qua tình trạng sạt lở núi tại các dự án thủy điện và trận lũ lụt lịch sử khiến nhiều người thiệt mạng đã làm dấy lên câu hỏi liệu tình trạng phá rừng phát triển thủy điện tràn lan liệu có phải là nguyên nhân của thảm họa này không,

Một khúc sông “cõng” 14 thủy điện

Những ngày qua, hơn 1.400 người dân ở các bản, làng xã Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam… huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An đã phải sống trong sợ hãi, lo sợ sạt lở đất núi nên đã sơ tán ra khu lều bạt để ở tạm. Cùng với đó, hàng chục ngàn người dân ở hạ nguồn đang lo sợ thủy điện Bản Vẽ, Bản Ang, Chi Khê, Châu Thắng, Khe Bố… xả lũ gây ngập và sạt lở đất.

Theo bà Lê Thị Thu Hường, Phó phòng phụ trách Phòng quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh có 21 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất hơn 931 MW. Ngoài ra, tỉnh cũng có ba dự án thủy điện đang thi công và ba nhà máy đang lập dự án với công suất hơn 200 MW. Với dự án hồ chứa nước Bản Mồng đang thi công, sắp tới Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 1.131 ha rừng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa để thực hiện dự án. Trong đó có hơn 310 ha rừng phòng hộ.

Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều thủy điện. Tính đến năm 2020, tỉnh có 10 thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn đang hoạt động và đang xây dựng sắp đưa vào hoạt động với năng lực phát điện gần 1.200 kW. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn có 36 thủy điện vừa và nhỏ. Các thủy điện này đã đi vào vận hành, đang trong quá trình triển khai và cũng sẽ đưa vào vận hành trong thời gian sắp tới với công suất phát điện 565 kW.

“36 thủy điện nhỏ này đã được HĐND tỉnh rà soát so với quy hoạch trước đây là 42 thủy điện dựa trên đánh giá tác động, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, môi trường để điều chỉnh. Quảng Nam không phát triển thêm thủy điện nào ngoài các thủy điện này” - ông Thanh khẳng định.

Còn tại Bình Định, Sở Công Thương tỉnh cho biết theo quy hoạch, trên sông Kôn đoạn qua tỉnh Bình Định có đến 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất hơn 312 MW.

Một cựu lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cũng cho biết việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện trên sông Kôn không chỉ gây bức xúc đối với người dân đầu nguồn mà còn là nỗi lo sợ của hàng vạn người dân vùng hạ du sông Kôn thuộc các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát,…

“Nỗi lo lớn nhất của chính quyền, người dân là vấn đề an toàn hồ chứa của thủy điện trên thượng nguồn sông Kôn. Với hệ thống thủy điện bậc thang, thủy điện dưới sử dụng lại nguồn nước của thủy điện trên, tất cả đều dồn về hồ chứa Định Bình cũng nằm trên sông Kôn, sau đó đổ xuống hạ du. Khi có mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ lớn luôn hiện hữu trong khu vực ven sông, vùng hạ du” - vị này phân tích.

Theo một chuyên gia thủy lợi, dù các nhà máy thủy điện có xả lũ theo đúng quy trình thì hồ chứa Định Bình vẫn là nơi gánh chịu cuối cùng. Trên thực tế, hồ chỉ đảm bảo cho việc phòng, chống, cảnh báo sớm cho người dân các vùng hạ du sông Kôn khi có mưa lũ lớn, còn chức năng ngăn lũ thì không thể đảm nhận được.

Các công trình thủy điện dày đặc trên sông Kôn đoạn qua huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC

Dừng, loại bỏ thủy điện “cóc”

Theo tìm hiểu của PV, tỉnh Nghệ An từng có 47 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất hơn 1.400 MW. Sau khi rà soát, tỉnh Nghệ An đã loại 15 dự án thủy điện “cóc” do hiệu quả thấp và vẫn còn 32 dự án với tổng công suất hơn 1.300 MW. Vừa qua, dự án thủy điện xã Tiền Phong (huyện miền núi Quế Phong) mặc dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng gần 5 ha rừng nhưng Sở Công Thương tỉnh vẫn phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật của chủ đầu tư. Nay dự án này đang tạm dừng để… xin chuyển đổi đất rừng.

Tại Hà Tĩnh, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, nhà đầu tư khảo sát ý định xây hai nhà máy thủy điện ở hai huyện miền núi Hà Tĩnh nhưng quá trình tham mưu ngành chúng tôi “phản ứng”. Sau đó hai dự án thủy điện đó dừng lại, không xây dựng để bảo vệ rừng”.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có hai nhà máy thủy điện là Hố Hô và Hương Sơn. Còn ở Hương Sơn có một nhà máy thủy điện Hương Sơn và dự án thủy điện Hương Sơn 2 cũng đang được Chính phủ cho chủ trương đánh giá lại ảnh hưởng rừng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, xác nhận ông vừa có ý kiến thống nhất với đề xuất của Sở Công Thương không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh này.

Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết theo quy hoạch được Bộ Công Thương phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có tám dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy 113 MW. Trong đó có ba dự án đang vận hành phát điện, một dự án đang đầu tư xây dựng. Sau khi rà soát, tỉnh có bốn dự án đã được loại ra khỏi quy hoạch thủy điện toàn quốc, UBND tỉnh cũng đã thu hồi thỏa thuận đầu tư với lý do chiếm dụng nhiều diện tích đất rừng, công suất nhỏ… Trong hai năm qua, nhiều nhà đầu tư đã đề nghị được khảo sát đầu tư các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên UBND tỉnh đều từ chối do tác động đến môi trường quá lớn.

“Với những thủy điện nhỏ và vừa trước đây đã phê duyệt, đã triển khai xây dựng, chúng tôi yêu cầu tuyệt đối không mở rộng nhằm đảm bảo cho vùng hạ du” - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói.

Theo bà Lê Thu Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh mặt tích cực của các dự án thủy điện thì mặt tiêu cực cũng không nhỏ. Đó là phải thu hồi khá nhiều diện tích đất các loại. Theo tính toán, trung bình 1 MW thủy điện nhỏ và vừa chiếm dụng khoảng 7,4 ha đất, điều này ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Bên cạnh đó, việc hình thành các tuyến đường phục vụ thi công, vận hành công trình bị lâm tặc lợi dụng tiếp cận để gia tăng chặt phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép.

Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng cho biết Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo rà soát các thủy điện, đặc biệt là các thủy điện vừa và nhỏ. Đây là những dự án ở địa hình hiểm trở, thi công không thuận lợi, tác động nhiều đến môi trường và việc đấu nối với lưới điện khó khăn nên quyết định dừng, loại bỏ.

Đà Nẵng thu hồi dự án thủy điện duy nhất

Cụ thể, dự án thủy điện sông Nam - sông Bắc được UBND TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 22-6-2009, khởi công ngày 16-6-2010. Dự án nằm trên địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) với diện tích 1.038,09 ha, gồm bốn cụm thủy điện với tổng công suất lắp máy 49,2 MW. Mục tiêu dự án hằng năm cung cấp 151,62 triệu kWh điện. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 1.000 tỉ đồng, do Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, bốn năm sau khi khởi công, dự án này chỉ triển khai được vài gói thầu phụ trợ như rà phá bom mìn, đường, điện thi công. Thủy điện sông Nam - sông Bắc hóa thành dự án treo.

Lý do chủ đầu tư đưa ra là khủng hoảng kinh tế lúc đó khiến vật giá leo thang, công ty gặp khó khăn về tài chính vì thuộc diện thoái vốn của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Do đó, chủ đầu tư phải tìm đối tác để tiếp tục triển khai dự án. Cũng trong thời gian này, dư luận liên tục phản đối dự án. Nhiều sở, ban, ngành tại Đà Nẵng cũng đồng loạt đề nghị thu hồi dự án. Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng khẳng định nếu thực hiện dự án sẽ phá vỡ cấu trúc rừng và đa dạng sinh học, không đáp ứng được tiêu chí của một TP môi trường.

Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho hay để triển khai xây dựng dự án này, TP phải thu hồi 1.038,09 ha đất rừng. Công suất phát điện của dự án tương đối nhỏ. Trong khi diện tích rừng bị mất là rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Từ những ý kiến trên, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất trình và được HĐND TP thống nhất thu hồi dự án tại kỳ họp giữa năm 2014.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, khẳng định: “Sau khi thu hồi dự án thủy điện sông Nam - sông Bắc, chủ trương của Đà Nẵng hiện nay là không đầu tư thủy điện nữa”. 

“Nhấn chìm” thủy điện “cóc” để xây hồ thủy lợi

Ngày 26-10, nguồn tin của PV cho biết sau rất nhiều tranh cãi, bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa có quyết định chuẩn bị đầu tư dự án hồ La Ngà 3, tỉnh Bình Thuận. Cụ thể, xây dựng hồ chứa nước trên sông La Ngà (dự kiến dung tích khoảng 470 triệu m3) thuộc địa phận huyện Tánh Linh, Bình Thuận.

Theo đó, mục tiêu đầu tư là tạo nguồn cấp nước cho sản xuất nông nghiệp (dự kiến khoảng 77.000 ha) của tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Ngoài ra, hồ còn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu, kết hợp phát điện...

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hồ La Ngà 3 là công trình thủy lợi chiến lược, tạo nguồn nước với quy mô lớn và duy nhất trên sông La Ngà để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững, lâu dài cho khu vực phía nam tỉnh và vùng ven biển. Tuy nhiên, nếu thi công hồ La Ngà 3 thì sẽ nhấn chìm toàn bộ dự án thủy điện La Ngâu trong lòng hồ.

Dự án thủy điện La Ngâu được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 và chỉ là thủy điện “cóc” với tổng mức đầu tư 1.270 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, Công ty cổ phần Thủy điện La Ngâu đã cam kết với tỉnh Bình Thuận là sẽ chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro khi công trình La Ngà 3 được đầu tư, xây dựng.

Để giải quyết hậu quả việc chồng lấn này, tháng 5-2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo cần ưu tiên đầu tư xây dựng các hồ chứa nước có dung tích lớn, đa mục tiêu nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên sông La Ngà phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam tỉnh Bình Thuận và vùng phụ cận thuộc các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đến tháng 10-2019, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét, giải quyết dứt điểm kiến nghị của tỉnh Bình Thuận đưa thủy điện La Ngâu ra khỏi quy hoạch điện. Đồng thời, yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận lập dự án và chuẩn bị các thủ tục để triển khai công trình hồ chứa nước La Ngà 3 theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Điều đáng nói hơn là 14 năm qua, tổ dự án thủy điện La Ngâu vẫn chưa triển khai các hạng mục chính… Từ năm 2010 đến nay, dự án này gần như bỏ hoang. Với quyết định mới nhất của bộ trưởng Bộ NN&PTNT, vụ việc dùng dằng, gây tranh cãi 14 năm qua xem như đã được quyết định.

Hiện tỉnh Bình Thuận cũng vừa có văn bản giao Sở NN&PTNT khẩn trương cung cấp thông tin cho Công ty Thủy điện La Ngâu về chủ trương và thời gian xây dựng dự án hồ La Ngà 3. Sau khi tiếp nhận thông tin, đề nghị Công ty Thủy điện La Ngâu sớm có văn bản chính thức nêu các kiến nghị và đề xuất các giải pháp của công ty khi không triển khai dự án và đề xuất dự án mới để đầu tư. Trên cơ sở đó, Sở KH&ĐT xem xét, tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định. 

PHƯƠNG NAM 

_____________________________

Kỳ sau: Bộ Công Thương nói gì về thủy điện “cóc”?

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

(PLO)- Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh.

Thời tiết ở Nam Bộ những ngày Tết Giáp Thìn 2024

Thời tiết ở Nam Bộ những ngày Tết Giáp Thìn 2024

(PLO)- Trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ở Nam Bộ sáng sớm có nơi có sương mù nhẹ làm cho tầm nhìn xa có phần hạn chế; trưa, chiều giảm mây và nắng, cường độ nắng gia tăng vào giữa trưa, trời nắng nóng.

TP.HCM: Mỗi người dân quận 1 sẽ trồng một cây xanh

TP.HCM: Mỗi người dân quận 1 sẽ trồng một cây xanh

(PLO)- Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM, cho biết quận sẽ phấn đấu bình quân mỗi người dân quận 1 trồng một cây xanh, cùng chung sức ‘Vì một Việt Nam xanh” theo chủ trương trồng một tỉ cây xanh của Chính phủ.