“Có dự án thủy điện khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đơn vị thực hiện không đi khảo sát thực tế nhưng vẫn viết được. Vậy mà ĐTM vẫn được phê duyệt. Đó là “mua” ĐTM. Tôi từng tham gia thẩm định ĐTM các nhà máy thủy điện nên có bằng chứng về chuyện này. Nếu cần, tôi sẽ chứng minh”. TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về câu chuyện thủy điện xả lũ.
Thủy điện chỉ lo thủ lợi
. Phóng viên: Ông nghĩ sao về chuyện lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô, Quảng Bình khăng khăng nói xả lũ đúng quy trình dù người dân vùng hạ lưu lãnh đủ hậu quả?
+ TS Vũ Ngọc Long: Nói đúng quy trình là ngụy biện. Đầu tiên có thể khẳng định là khả năng vận hành thủy điện Hố Hô quá kém. Đúng ra đơn vị vận hành phải theo dõi công tác dự báo thời tiết để có phương án ứng phó hợp lý. Khi biết sẽ có mưa, có lũ đến thì nhiều ngày trước phải xả nước chứ không phải đợi khi mưa to, lũ lên, hồ chứa vượt mức báo động thì mới xả.
Xả lũ vào thời điểm đó, lại còn không thông báo sớm cho người dân biết để ứng phó thì đúng là vô trách nhiệm.
.Những vụ như Hố Hô từng xảy ra nhưng hầu như chẳng có đơn vị quản lý nào chịu trách nhiệm. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
+ Tôi cho rằng nguyên nhân là do cơ chế quản lý thủy điện. Nhiều thủy điện vừa và nhỏ là do tư nhân quản lý, vận hành. Họ là đơn vị kinh doanh nên chỉ chăm chăm đặt lợi ích về phát điện lên hàng đầu. Do đó, họ lợi dụng những kẽ hở trong quy trình xả lũ trong khi về mặt quản lý lại không chặt, không có cơ chế giám sát thường xuyên. Đơn cử như vụ Hố Hô, ngay cả lãnh đạo cấp huyện mà cũng không thể biết được quy trình vận hành của thủy điện thì làm sao giám sát được.
Hứa một đằng, làm một nẻo
. Khi đầu tư xây dựng, thủy điện nào cũng khẳng định sẽ tham gia điều tiết nước tốt hơn, như cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vào mùa khô và cắt giảm lũ vào mùa mưa cho hạ lưu. Nhưng thực tế có như thế không?
+ Tôi đã đi thực tế nhiều nhà máy thủy điện và thấy hầu hết các thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ khi đầu tư xây dựng cho đến lúc vận hành thì môi trường tự nhiên ở khu vực đó chỉ xấu hơn mà thôi, nhất là nguồn nước. Có thủy điện làm thay đổi dòng chảy khiến hạ lưu khô cạn, người dân không có nước sản xuất, cuộc sống vô cùng khốn khó. Trong khi đó, rừng bị tàn phá nhiều, khi lũ xuất hiện thủy điện không những không cắt được lũ mà còn xả nước bất thình lình khiến người dân gánh thêm tai họa. Vụ Hố Hô là điển hình.
Nếu không thay đổi cơ chế quản lý, giám sát thì tình trạng thủy điện xả lũ gây hại cho người dân sẽ còn xảy ra. Ảnh: ĐẮC LAM
Các thủy điện chỉ nói hay trên lý thuyết nhưng trên thực tế lại khác xa. Thậm chí đến các phương án ứng phó khi xảy ra những sự cố được cho là “bất khả kháng” họ cũng không làm.
. Ý ông muốn nói là ngay cả trong ĐTM họ cũng không có phương án ứng phó khi xảy ra những tình huống sự cố nguy hiểm như vỡ đập?
+ Như đã nói ở trên, họ làm ĐTM rất sơ sài thì làm sao có các kịch bản, phương án ứng phó. Ví dụ như vụ Hố Hô, nếu ĐTM làm tốt thì khi xảy ra tình huống được cho là bất khả kháng đó (phải xả lũ ngay lúc lũ đang lên để cứu nguy cho nhà máy), nhà máy phải triển khai ngay phương án ứng phó, phải di dời dân ở những khu vực nguy hiểm… Hay như ở thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) dù đã xảy ra động đất, nước rò rỉ qua thân đập nhưng phương án ứng phó cho khu vực hạ lưu cũng không có.
. Vậy phương án cắt giảm lũ vào mùa mưa và cung cấp nước vào mùa khô trong ĐTM thường được thể hiện ra sao?
+ Nhiều ĐTM làm theo kiểu copy nên dự án nào cũng nói thế. Nhưng chẳng có thủy điện nào có phương án cụ thể cả. Thực tế, nếu dân cần nước cho sản xuất mà nhà máy thủy điện không xả nước thì cũng chẳng biết ai sẽ là người đại diện cho người dân yêu cầu thủy điện xả nước. Mùa mưa cũng vậy, nếu thấy khu vực hạ lưu đang gặp nguy hiểm do lũ đang lên, cũng chẳng biết ai là người có trách nhiệm yêu cầu nhà máy thủy điện không được xả lũ.
Phải thay đổi cơ chế giám sát
. Vậy theo ông cần phải có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng “thủy điện nói một đằng, làm một nẻo”?
+ Theo tôi phải thay đổi cách thực hiện ĐTM. Không nên giao cho chủ đầu tư lập ĐTM như hiện nay vì họ chỉ nhắm đến lợi ích của đơn vị mình. Để khách quan, nên giao cho một đơn vị độc lập thực hiện. Tiền thực hiện ĐTM nên trích từ số tiền đầu tư dự án theo tỉ lệ %. Mặt khác, ĐTM phải được công khai, minh bạch, làm sao để người dân cũng có thể đọc được. Hiện nay, dù theo quy định ĐTM phải cung cấp cho đến đơn vị quản lý nhà nước cấp huyện nhưng thực tế nhiều lãnh đạo huyện nói với tôi là họ không được cung cấp tài liệu này.
. Nhưng ĐTM cũng chỉ là “công cụ khoa học” để đánh giá những tác động của dự án, nó không ngăn chặn được tình trạng thủy điện xả lũ làm gia tăng nguy hiểm vào mùa mưa?
+ Ngoài thay đổi cách thực hiện ĐTM, cần phải thay đổi cơ chế quản lý, giám sát. Theo tôi, không nên thực hiện ồ ạt các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung vì đây là khu vực thường xuyên bị bão lũ, rất nguy hiểm. Mặt khác, các nhà máy thủy điện này cung cấp điện không nhiều nhưng sự tàn phá môi trường là rất lớn.
Ngoài ra, cũng không nên làm thủy điện theo kiểu “tư nhân hóa” ồ ạt như hiện nay vì năng lực của nhiều đơn vị tư nhân rất yếu, không đủ trình độ để quản lý, vận hành thủy điện, nhất là công tác tích nước, xả lũ. Hồ thủy điện phải được xây dựng là hồ đa chức năng, có thể điều tiết nước. Đơn vị quản lý phải đủ năng lực. Công tác giám sát phải được xây dựng ngay từ đầu, phải có những kịch bản, phương án ứng phó rõ ràng, kể cả cho những tình huống xấu nhất.
. Xin cám ơn ông.
Loại bỏ hơn 680 thủy điện Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 62/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Theo đó, qua ba năm rà soát quy hoạch, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch 471 thủy điện bậc thang và thủy điện nhỏ, do hiệu quả thấp nhưng có tác động tiêu cực lớn đối với môi trường xã hội. Bộ cũng không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Các dự án thuộc danh mục đầu tư giai đoạn 2015-2020 và đang nghiên cứu đầu tư sau năm 2020 cũng được rà soát để điều chỉnh hợp lý hoặc loại khỏi quy hoạch. Theo đánh giá của Chính phủ, việc phân cấp để quản lý chất lượng công trình thủy điện vẫn tồn tại một số bất cập. Cụ thể, các sở Công Thương chưa hoặc có ít cán bộ có chuyên môn quản lý chất lượng công trình xây dựng nên việc quản lý chất lượng công trình còn tồn tại một số vấn đề, chưa đúng quy định. Ngoài ra, các sở Công Thương và các chủ đầu tư chưa nắm chính xác năng lực, kinh nghiệm của chuyên gia, đơn vị tư vấn và chưa có chuyên môn để lựa chọn được chuyên gia, đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm hoặc đưa ra yêu cầu đầy đủ về nội dung cần thẩm tra. Chính phủ cũng đánh giá sự cố lũ cuốn trôi cửa van số 2 của hầm dẫn dòng thi công công trình thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) là sự cố công trình nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến tiến độ phát điện của công trình. Có thể nói đây là bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý. TRÀ PHƯƠNG Qua vụ Hố Hô, cần rà soát để loại bỏ tình trạng ai cũng có thể xây dựng thủy điện. Với thủy điện có công suất nhỏ (14 MW) lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ như Hố Hô thì không nên xây dựng vì lợi bất cập hại. TS TÔ VĂN TRƯỜNG, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam |