Sa tặc (những người khai thác cát trái phép) đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM trong suốt thời gian qua. Mặc dù TP đã đưa ra nhiều biện pháp siết chặt quản lý nhưng hoạt động của sa tặc chỉ dừng lại ít hôm rồi lại bùng phát như một đại công trường.
Khai thác tận diệt ngày đêm
17 giờ ngày 19-11, PV Pháp Luật TP.HCMcó mặt tại bờ biển thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Người dân nơi đây chỉ cho chúng tôi những chiếc sà lan trên biển và cho biết đó là tàu của sa tặc, họ ngang nhiên hoạt động bao lâu nay. Quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy trên biển lúc ấy có khoảng 20 sà lan đang hoạt động.
11 giờ trưa 20-11, chúng tôi ghi nhận có khoảng năm chiếc sà lan của sa tặc di chuyển từ hướng Vũng Tàu tới khu vực trước cửa biển Cần Giờ (phía thị trấn Cần Thạnh). Lúc này các tàu di chuyển cách xa nhau với vận tốc chậm. Được sự hỗ trợ của ngư dân, chúng tôi tiếp cận số sà lan này ở khoảng cách gần và chứng kiến toàn bộ cảnh khai thác tận diệt nguồn cát ở vùng biển Cần Giờ.
Khoảng 13 giờ 49 phút, trên biển có đến khoảng 20 sà lan cùng xuất hiện. Trong đó hai sà lan được xác định đi từ hướng cửa biển Long Hòa vào. Số sà lan còn lại từ hướng TP Vũng Tàu chạy đến.
Ít phút sau chúng tôi tiến gần hơn với “binh đoàn” sà lan khai thác cát lậu. Theo quan sát, trong vòng vài kilomet có đến hàng chục sà lan dàn hàng kéo dài trên biển. Mỗi sà lan khai thác cát có chiều dài lên đến hơn 50 m, chở theo nhiều máy bơm công suất lớn và di chuyển theo đội hình từ bốn đến năm chiếc.
Tàu chúng tôi tiếp cận một sà lan lớn số hiệu HD-2455 đang hành nghề giữa biển. Hai bên mạn sà lan được đặt nhiều máy bơm nối kín với khoảng 24 vòi hút lớn. Mỗi vòi hút có đường kính lên đến 30 cm, thọc sâu xuống lòng biển để hút cát. Trên boong có một số người đứng máy, nước xả lênh láng từ mạn tàu xuống biển. Ngay sau nó là một sà lan khá cũ không có số hiệu cũng đang thả neo, đưa hàng chục vòi hút lớn xuống biển.
Cách bờ khoảng năm hải lý, các sà lan này tập trung thành những nhóm nhỏ, quần thảo nhiều khu vực. Lúc này trên biển có tổng cộng khoảng 30 sà lan đang cùng khai thác. Trong khi đó, hướng cửa biển Long Hòa có một tốp khoảng 10 sà lan hoạt động. Chiều ngược lại từ phía Vũng Tàu, nhiều sà lan nối đuôi nhau trực chỉ biển Cần Giờ.
Các tàu âm thầm chia nhau khu vực hoạt động như có thỏa thuận trước. Trung bình mỗi sà lan dùng khoảng 25 vòi hút công suất lớn, cố định cho hướng xả nước vào giữa boong. Qua quan sát, hầu hết các sà lan này đều không thấy số hiệu. Một số sà lan có số chủ yếu mang mã Hải Phòng, Hải Dương…
14 giờ 45 phút, một tốp khác gồm năm sà lan dùng hàng trăm vòi hút công suất lớn cắm sâu xuống lòng biển. Máy móc hoạt động hết công suất. Lúc này gió to, sóng biển lớn nhưng hoạt động khai thác cát lậu vẫn không hề bị gián đoạn.
14 giờ 53 phút, sà lan dài số hiệu HP-4099 trong nhóm trên có khoảng 30 vòi hút ở hai bên mạn vừa hoàn thành việc thả ống xuống lòng biển. Trong vài giây sau, hàng chục vòi nước lớn màu đục được hút lên boong kéo theo hàng chục mét khối cát từ lòng biển.
6 phút sau, PV tiếp cận sà lan HD-2157. Trên mạn có bốn người chịu trách nhiệm trực máy bơm. Khi tàu chúng tôi xuất hiện ở khoảng cách gần, nhóm người này dừng làm việc và đứng quan sát với vẻ dè chừng.
Trước hoạt động khai thác cát trái phép của hàng chục sà lan trên biển, một ngư dân dùng điện thoại liên lạc với tổ trưởng tổ tự quản (chịu trách nhiệm thông tin về sa tặc cho lực lượng biên phòng Cần Thạnh - PV) nhưng người này không nghe máy. Trong khi đó một ngư dân cho biết đã nhiều lần đi biển gặp tình trạng tương tự đã thông tin cho đội biên phòng nhưng không được phản hồi.
“Mình thấy thì gọi báo tin nhưng người ta không ra vì nghĩ ngư dân tung tin giả, nhiều lần như vậy nên không muốn gọi nữa” - một người dân nói.
Theo người dân địa phương, đa số các sà lan khai thác cát lậu tại khu vực cửa biển Cần Giờ đều đến từ các tỉnh phía bắc. Sau khi khai thác xong, nhóm tàu này rút ống, di chuyển về phía Vũng Tàu để tập kết cát. Sau vài giờ, nhóm tàu lại trở ra hoạt động tiếp. Người dân cũng cho hay tình trạng này đã diễn ra từ rất lâu. Thậm chí nhiều lần số lượng sà lan còn lên đến hàng trăm chiếc cùng hoạt động. Mỗi sà lan có khả năng hoạt động liên tục lên đến 15 tiếng, mỗi giờ có thể khai thác hàng trăm mét khối cát.
Chỉ sau 3 giờ đồng hồ (từ 13 giờ đến 16 giờ), chúng tôi đã phát hiện hơn 50 trường hợp khai thác cát trái phép trên biển.
Một sà lan với rất nhiều vòi hút công suất lớn cắm sâu xuống lòng biển. Ảnh: THU TRINH - NGUYỄN YÊN
“Binh đoàn” sà lan khai thác cát lậu dàn hàng trên biển Cần Giờ. Ảnh: THU TRINH - NGUYỄN YÊN
Ngư dân và nỗi lo bỏ nghề
Anh Phạm Văn A. (ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) cho biết có lúc hàng loạt sà lan hút kéo nhau về đây khai thác cát khiến cả vùng biển bị náo động. Người dân không dám ra xua đuổi vì sợ bị hành hung, trả thù. Nhiều lần người dân phản ánh lên các ngành chức năng, tuy nhiên khi ngành chức năng kiểm tra được vài hôm thì đâu lại vào đấy. Đến nay các hộ dân đi biển đều sợ nạn sa tặc. Anh A. cũng cho hay mặc dù nhiều lần phản ánh tình trạng này với các đồn biên phòng nhưng chỉ nhận được sự im lặng, không giải quyết được vấn đề gì.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn T. (thị trấn Cần Thạnh) lo lắng: “Nước càng thấp, hút cát càng nhiều”. Anh nói quá trình khai thác cát trái phép đã gây thiệt hại rất nhiều cho người dân nơi đây. Việc khai thác cát cả ngày lẫn đêm, hậu quả tạo ra các hố sâu 20-30 m khiến dòng chảy thay đổi và tận diệt nguồn sinh sản của tôm, cá. “Cứ mỗi đêm ngoài khơi sà lan giăng ra 30-40 chiếc hút cát ầm ầm, một chiếc cả chục vòi hút cát thì biển nào chịu nổi! Đa phần sà lan sẽ đưa cát về cảng Gò Găng, Phước Hòa. Sau khi hút xong, sáng sớm sà lan sẽ tập trung hút cát lên bờ” - ngư dân Nguyễn T. nói.
Chạy thuyền dọc theo đường bờ biển, anh T. kể khoảng 30 năm về trước có một đường cồn dài 4-5 hải lý có khu nước cạn sát, nước dữ lắm, ghe mà chạy ngang qua đường cồn ấy sẽ bị mắc cạn. Nhưng giờ thì khác rồi, ghe không mắc cồn được nữa, chưa kể sóng dữ dội hơn vì cồn đã hụt xuống do lượng cát đã bị hút đi rất nhiều.
Ngư dân TH bế đứa con trên tay, nhìn về phía biển với đôi mắt lo lắng. “Bây giờ cá mắm ở biển đã không còn như xưa. Có những hôm đi ra tới biển đành để thuyền trống mà về. Dân ở đây nhiều người đã bỏ nghề nhưng bỏ rồi không biết làm gì kiếm sống nuôi gia đình. Ban ngày vừa lo cơm áo gạo tiền, vừa lo canh sa tặc chắc tôi cũng nghỉ sớm” - anh H. buồn bã nói.
Hôm nay, tại trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP sẽ diễn ra Hội nghị công tác phối hợp kiểm tra, xử lý khai thác, vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP với các tỉnh. Hội nghị sẽ do Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì. Năm 2019, tại vùng biển Cần Giờ, các đơn vị trực tiếp phát hiện và xử lý 15 vụ với 31 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép, xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng, tịch thu 4.900 m3 cát. |
Có lực lượng cảnh giới?
Trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Tất Hùng, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Cần Thạnh, cho biết năm 2019 tình hình hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra, chưa chấm dứt hẳn. Các đối tượng hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý.
Theo ông Hùng, các đối tượng này hoạt động chủ yếu vào ban đêm, khu vực hoạt động là những nơi giáp ranh giữa địa bàn vùng biển của TP.HCM và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, do vậy quá trình phát hiện, bắt giữ rất khó khăn. Phương tiện hoạt động chủ yếu là sà lan trọng tải lớn, gắn máy bơm cát chuyên dụng, khi lực lượng chức năng đến hiện trường thì họ đã chạy sang biển Bà Rịa-Vũng Tàu, tẩu tán tang vật, hợp thức hóa số cát khai thác trái phép bằng hóa đơn, chứng từ của các mỏ cát được phép khai thác.
Ông Hùng cũng cho biết thêm việc phát hiện, xử lý và bắt quả tang các trường hợp vi phạm còn gặp khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, nhất là vào ban đêm, mùa gió chướng, sóng to, gió lớn. Các đối tượng này thường lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu để qua khu vực biển Cần Giờ khai thác cát và còn bố trí lực lượng cảnh giới nên khi gặp lực lượng tuần tra thì họ chạy về phía các tỉnh lân cận, do đó việc truy bắt gặp nhiều khó khăn.
Các phương tiện khai thác trộm cát vào ban đêm thường tắt đèn nên việc phát hiện gặp nhiều khó khăn. Lực lượng tuần tra chỉ phát hiện khi phương tiện tuần tra đi gần cách vài chục mét. “Trong khi phương tiện của đơn vị có công suất nhỏ, không đảm bảo an toàn để thực hiện nhiệm vụ tuần tra biển” - Thiếu tá Hùng thông tin.
Còn theo Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM, thời gian qua TP và các tỉnh lân cận có nhu cầu sử dụng cát xây dựng, cát san lấp rất lớn. Tuy nhiên, nguồn cung cấp từ các mỏ cát cấp phép là rất ít. Đặc biệt, lợi nhuận khai thác cát trái phép rất cao nên các đối tượng sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn tinh vi, có hành vi manh động để khai thác, vận chuyển cát trái phép và đối phó với lực lượng chức năng.
Khó khăn chồng khó khăn Theo báo cáo của huyện Cần Giờ, việc khai thác cát trái phép phần lớn chỉ xảy ra trên vùng biển Cần Giờ bằng phương tiện lớn. Khi phát hiện, bắt giữ phương tiện vi phạm thì các đơn vị có nơi neo đậu chuyên dụng để tập kết các phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, đơn vị không có phương tiện vận chuyển tang vật từ phương tiện lên vị trí tạm giữ và cũng không có kho bãi để giữ tang vật vi phạm nên phải đi thuê. Ngoài ra, hình thức xử phạt cho các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp được xử phạt với mức phạt rất thấp, không đủ răn đe. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đối với hành vi khai thác cát trái phép chỉ là tịch thu tất cả phương tiện vi phạm có khối lượng tang vật từ 50 m3 trở lên. Từ đó Cần Giờ xác định nhiệm vụ trọng tâm sắp tới sẽ phối hợp triển khai thực hiện đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, khu vực giáp ranh giữa TP với các tỉnh” với các TP, huyện, thị xã trong cụm A2. Song song đó, huyện sẽ liên hệ và chia sẻ thông tin giữa địa phương với các lực lượng chức năng giáp ranh trong đấu tranh, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép. |