Tối 14-7, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức sơ kết sáu tháng đầu năm và phương hướng hoạt động sáu tháng cuối năm 2023. Chương trình có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM.
Dịp này, các số doanh nghiệp (DN) phản ánh nhiều khó khăn cũng như gửi nhiều góp ý chính sách đến lãnh đạo TP.
Doanh nghiệp như đang "thở ô xy"
Ông Đinh Công Khương, Chủ nhiệm câu lạc bộ các DN Thép tại TP.HCM cho biết chưa bao giờ DN khó khăn như năm nay. Thứ nhất là về thuế, việc hoàn thuế phải giải quyết từ gốc bởi nhiều DN xuất khẩu không hoàn thuế được nên không có vốn để kinh doanh.
Bên cạnh đó, đa số DN đều vay ngân hàng ít nhiều, từ vài tỉ đến vài trăm tỉ đồng. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước có nhiều đợt giảm lãi suất nhưng các ngân hàng thương mại giảm lãi rất ít.
“DN như đang thở ô xy, rất khó khăn ”- ông Khương nói.
Theo ông Khương, TP nên có đề xuất Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp lãi suất tối thiểu. Đây là điều cần làm ngay chứ không phải chờ lâu.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 có những chính sách TP có thể làm ngay là tháo gỡ một số chính sách về đất đai. Đặc biệt, hiện nay tiêu dùng của người dân thấp, mặt bằng kinh doanh ở TP trống rất nhiều. Do đó, TP cần kích cầu đẩy mạnh sức mua giúp hoạt động kinh doanh của DN khôi phục.
|
Nhiều mặt bằng khu vực trung tâm thành phố tìm người thuê. Ảnh: TÚ UYÊN |
Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại
Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch HUBA cho biết, DN mong mỏi TP cụ thể hóa kế hoạch hành động về Nghị quyết 98. Cụ thể là sở, ban ngành nào giải quyết những vấn đề, lĩnh vực nào, phải thời gian giải quyết cụ thể.
Trường hợp xin ý kiến, trao đổi với sở, ngành, quận huyện khác cũng cần quy định rõ thời gian, nếu không trả lời xem như đồng ý để sở đó tiếp tục giải quyết cho DN…
“Chúng ta cần làm sao giải quyết nhanh thủ tục hành chính vì hiện nay cơ chế có nhưng các cơ quan trao đổi qua lại gây nhiều khó khăn cho DN” - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa dẫn chứng, hiện nay các dự án của DN gần như bị sai điểm rơi tài chính. DN dự kiến bốn năm sau sẽ thu hồi vốn nhưng tám năm thủ tục vẫn không xong.
Điều này làm cho DN đã vay Ngân hàng đến ngày trả nhưng không trả được do dự án chưa có pháp lý. Đồng thời, lãi vay gần đây tăng cao DN càng chồng chất khó khăn.
“Cả nước năm nay vốn đầu tư công là 707 ngàn tỉ đồng, riêng TP.HCM là 70,5 ngàn tỉ đồng. Nếu chúng ta giải quyết được thủ tục hành chính cho 1.000 dự án đầu tư tư nhân ở tất cả các lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, nhà máy sản xuất....
Nếu mỗi dự án vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng chúng ta có một triệu tỉ đầu tư tư song hành cùng đầu tư công sẽ giúp nền kinh tế TP phát triển, kéo theo nhiều ngành nghề phát triển” - ông Nghĩa góp ý.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, cộng đồng DN nhận được nhiều hỗ trợ của Chính phủ, các ngành, các cấp... Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy hầu hết DN đang kinh doanh không thuận lợi, thậm chí 30% DN đánh giá kinh doanh quý tiếp theo tiếp tục giảm.
Do đó, khả năng số lượng DN tiếp tục rút lui khỏi thị trường sẽ còn gia tăng, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và thu ngân sách.
HUBA tiếp tục kiến nghị trung ương có các chính sách cụ thể tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của DN.
Tạo điều kiện thuận lợi để DN được tham gia các dự án đầu tư công, các chương trình trọng điểm.
Trong bối cảnh sức mua thấp, TP cần hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, quảng bá giới thiệu hàng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường.
“Thành phố cần nhanh chóng triển khai chương trình kích cầu theo Nghị Quyết 98, sớm ban hành danh mục các lĩnh vực, ngành nghề được hưởng các chính sách hỗ trợ kích cầu. Có cơ chế để DN đầu tư dự án tại các tỉnh theo các chương trình liên kết vùng, được tham gia chương trình kích cầu theo Nghị quyết 98” - ông Hòa nhấn mạnh.