Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) lớn kinh doanh không thuận lợi, phải chuyển chiến lược kinh doanh để tăng trưởng. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng bên cạnh nỗ lực của DN, các chính sách của Nhà nước cần phải hỗ trợ theo hướng giảm chi phí, giảm thủ tục và tạo điều kiện môi trường kinh doanh thông thoáng.
Nhiều doanh nghiệp lớn suy giảm lợi nhuận
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đã nhận lỗi với cổ đông vì đã để công ty lần đầu tiên bị lỗ trong 35 năm hoạt động.
“Là người chèo lái con thuyền Hòa Bình, tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa Hòa Bình phát triển như kỳ vọng, theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng với niềm tin và lòng mong mỏi của cổ đông” - ông Hải nói.
Trong hai năm 2020 và 2021, cuộc chiến với đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề lên toàn bộ nền kinh tế với nhiều hệ lụy, trong đó có ngành xây dựng. Riêng Tập đoàn Hòa Bình sụt giảm đến 40% doanh thu.
Người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu, tác động tiêu cực đến doanh thu của ngành hàng thiết yếu. Ảnh: P.MINH |
Tương tự, đối với ngành sữa, dù vẫn duy trì lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng nhưng lãnh đạo Vinamilk nhìn nhận đã có dấu hiệu suy giảm qua từng năm.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cho biết nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng đã tác động đến giá thành sản phẩm. Thế nhưng công ty không thể tăng giá nhằm chia sẻ những khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ngoài ra, xuất khẩu còn bị tác động bởi bối cảnh lạm phát cũng như ảnh hưởng tỉ giá đã gây sức mua yếu.
Đứng trong nhóm đầu lĩnh vực cảng biển, Gemadept cũng đang chịu sức ép về doanh thu và lợi nhuận do tình hình xuất nhập khẩu giảm sút. Ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT Gemadept, cho biết ngành cảng biển và logistics đang trong giai đoạn khó khăn từ cuối năm 2022 và có thể kéo dài hết năm 2023. Khả năng phục hồi của thị trường sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế thế giới, nhu cầu hàng hóa các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Một loạt nút thắt làm khó doanh nghiệp
Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, kết quả kinh doanh của các DN bị ảnh hưởng nằm trong bối cảnh chung đến từ nội tại lẫn bên ngoài. Một loạt các nút thắt trên thị trường bất động sản và trái phiếu đã gây khó cho nhiều ông lớn trong ngành xây dựng.
Trong khi đó, nền kinh tế còn chịu sức ép từ bối cảnh kinh tế thế giới như lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đã tác động đến DN trong nước khi đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng, ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu khiến họ phải giảm giờ làm, sa thải nhân công.
Đến lượt người tiêu dùng, họ nhìn thấy rủi ro bất định trong tương lai nên siết chặt chi tiêu, giảm sức mua. Từ đó tác động tiêu cực đến doanh thu của các DN trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau nửa năm kinh doanh không như kỳ vọng, nhiều DN vẫn đang hết sức lo ngại thời gian còn lại của năm 2023, việc kinh doanh không biết có sáng sủa hơn khi nhiều ngành hàng chưa nhìn thấy sự khả quan, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu.
Tìm động lực tăng trưởng
Tự tìm lối thoát là cách mà nhiều ông lớn tìm kiếm sự tăng trưởng và hiệu quả lợi nhuận trong thời gian tới. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã giảm 15% doanh thu trong quý I-2023 vì giá mủ cao su vẫn đang ở mức thấp, nhu cầu các sản phẩm từ cao su vẫn chưa thể phục hồi.
Ban lãnh đạo VRG cho biết để có lợi nhuận trong thời gian tới, bên cạnh gia tăng hiệu quả các mảng kinh doanh chính thì đơn vị tập trung phát triển các khu công nghiệp và xây dựng nhà ở xã hội ngay tại các dự án khu công nghiệp.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, đánh giá giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua nhưng công ty vẫn phải kinh doanh một cách cẩn trọng dựa trên nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Để tạo sự tăng trưởng tốt hơn, công ty sẽ thực hiện 10 dự án khu công nghiệp và triển khai đại đô thị quy mô 300-500 ha.
Trong khi đó, ông Lê Viết Hải cho biết sẽ làm mới bản thân bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện để gia tăng hiệu quả chi phí và kinh doanh. Song song đó công ty sẽ tập trung vào thu hồi nợ. Ngoài ra, chuyển nhượng công ty, bán cổ phiếu cho đối tác nước ngoài sẽ giúp công ty có nguồn lực kinh doanh tốt hơn.
Theo GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều biện pháp kịp thời để hỗ trợ DN như giãn, hoãn hay giảm thuế.
Tuy vậy, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu áp dụng nhiều chính sách cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực kinh doanh để hỗ trợ DN. Chẳng hạn, xem xét giảm thuế thu nhập cho DN xuất khẩu.
Ngoài ra, do thiếu đơn hàng, nhiều DN đã phải giảm giờ làm của người lao động. Do đó, Nhà nước cũng cần tính đến việc giãn, hoãn nghĩa vụ đóng BHXH cho những DN này nhằm giảm gánh nặng chi phí cho họ.
Cần trợ lực từ Nhà nước
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI, DN vẫn đang rất cần sự trợ lực từ Nhà nước.
Một loạt chính sách vừa qua đã giúp tháo gỡ khó khăn cho DN. Điển hình là việc giảm thuế VAT 2%. Thế nhưng DN vẫn còn rất lo về quá trình thực thi nên rất cần hướng dẫn thực hiện một cách thuận lợi nhất. Hay việc hoàn thuế VAT hiện nay vẫn bị tắc, đặc biệt khó khăn là những DN trong lĩnh vực nông sản và điện tử. Do đó, chính sách tạo vốn cho DN phải tiến hành đồng bộ, không chỉ là vốn vay ngân hàng mà cả hoàn thuế.
Đơn hàng giảm, ảnh hưởng đến doanh thu của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc. Ảnh: P.MINH |
“Bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước cần nêu cao tinh thần nếu không tạo được thuận lợi hơn cho DN thì cũng đừng gây khó và tạo chi phí cho họ. Đây là hoạt động quan trọng để bổ trợ cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN” - ông Tuấn khuyến nghị.