Phải gỡ các nút thắt để doanh nghiệp sống được

(PLO)- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính cần tham mưu, đề xuất các giải pháp quyết liệt, khả thi hơn để tạo thuận lợi cho nền kinh tế trong sáu tháng cuối năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói về những khó khăn, thách thức của ngành tài chính và một số giải pháp tháo gỡ.

Nhiều khó khăn trong sáu tháng đầu năm

Cụ thể, Bộ trưởng Phớc nhắc lại nhận định về những khó khăn, thách thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tổng kết ngành tài chính năm 2022. Nhận định này trùng với tình hình sáu tháng từ đầu năm 2023 đến nay. Theo đó, kinh tế tăng trưởng chậm lại đã tác động trực tiếp tới nguồn thu ngân sách.

“Ngành tài chính đã rất nỗ lực điều hành trong bối cảnh kinh tế chững lại, thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng tính chung vẫn đạt 54%, đảm bảo tiến độ thu ngân sách so với dự toán. Đây cũng là yếu tố phải tính đến trong xây dựng dự toán ngân sách năm 2024” - Bộ trưởng Phớc cho hay.

Theo ông Phớc, từ đầu năm 2023 đã có nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp; đơn hàng giảm, tỉ lệ tồn kho tăng; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 20%; lãi suất giảm nhưng tiếp cận vốn còn khó khăn, giải ngân thấp; bất động sản (BĐS) trầm lắng…

“Các yếu tố nói trên làm cho kinh tế sáu tháng sụt giảm tăng trưởng và sáu tháng cuối năm phải quyết tâm hơn, tập trung cho tăng trưởng, phát triển kinh tế thông qua việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), cho nền kinh tế” - Bộ trưởng Phớc nói.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023. Ảnh: CHÂN LUẬN
Quang cảnh Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023. Ảnh: CHÂN LUẬN

Điểm qua vài nét, Bộ trưởng Phớc cho hay trái phiếu DN và thị trường chứng khoán rất khó khăn và có mối liên kết với ngân hàng. Nếu DN có năng lực tốt đương nhiên họ sẽ trả nợ trái phiếu nhưng khi khó khăn thì lại lâm vào vòng luẩn quẩn.

“Phải tăng năng lực cho DN” - Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh. Theo ông, tổng cầu hiện nay kém là do đầu tư tư nhân, đầu tư công đều kém. Nút thắt này phải gỡ được thì mới tạo được công ăn việc làm cho xã hội; DN mới sống được, sống được mới trả nợ được, ngân sách mới có thu, thị trường chứng khoán mới tăng trưởng.

Hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn

Bộ trưởng Phớc cho rằng những nút thắt này nằm ở pháp luật. Ông kêu gọi các tỉnh, thành tham gia vào công cuộc hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho DN, cho nền kinh tế.

Cụ thể, Bộ trưởng Phớc lấy ví dụ về định giá đất đang làm ngưng đọng thị trường BĐS. Ông cho rằng BĐS ngưng đọng thì cả nước ngưng đọng. TP.HCM vừa rồi được cho phép thí điểm áp dụng bảng giá đất hằng năm để tính giá đất. Chính phủ cũng đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 44/2014 về giá đất, Thông tư 36/2014 của Bộ TN&MT về phương pháp định giá đất.

“Một số chuyên gia nêu phương pháp thặng dư trong định giá đất nhưng như vậy thì giá đất không tiếp cận thị trường. Các địa phương phải có quan điểm về vấn đề này để xác định giá đất đúng đắn để ai vào làm cũng ra kết quả như vậy, nếu không sẽ rủi ro cho cơ quan nhà nước.

Bộ Tài chính cũng sẽ tham gia sâu sát để tránh rủi ro cho cán bộ các địa phương trong định giá đất” - Bộ trưởng Phớc nói. Ông cũng khẳng định giá đất là rất quan trọng trong triển khai các dự án BĐS, góp phần phát triển kinh tế.

Cần nhiều giải pháp quyết liệt

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết những lĩnh vực quan trọng, các đề án quan trọng, các nhiệm vụ của các bộ, ngành khác đều cần ý kiến tham gia của Bộ Tài chính. Chính kiến của Bộ Tài chính cũng rất rõ ràng, quyết liệt khi tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng.

Sáu tháng cuối năm 2023 còn nhiều thách thức, nhất là các ảnh hưởng từ bên ngoài như áp lực lạm phát, rủi ro của thiên tai, dịch bệnh vẫn còn hiện hữu...

Cho rằng những mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội vẫn còn chưa đạt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính cần bám sát phương châm hành động của Chính phủ, tập trung triển khai trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả các giải pháp thuộc nhiệm vụ của mình.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: CHÂN LUẬN
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 mà Quốc hội giao, chúng ta cần sự phấn đấu rất lớn của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính cần tham mưu các bước đi cụ thể” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Ông Khái cũng yêu cầu ngoài việc thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính cần điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, nhanh chóng, dứt khoát trong điều kiện nguồn lực có hạn.

Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước, cổ phần hóa, quản lý tài sản công… đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến nợ công, nợ nước ngoài của Chính phủ, của quốc gia.

Hiện nay chưa có đề xuất thay đổi, điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Sáu tháng đầu năm 2023, tỉ lệ tăng trưởng GDP chỉ là 3,72% nên áp lực cho sáu tháng còn lại là rất lớn. “Thị trường trái phiếu DN, chứng khoán còn khó khăn. Bộ Tài chính cần tham mưu, đề xuất các giải pháp quyết liệt, khả thi để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cho nền kinh tế” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Việc hoàn thuế cũng mang lại rủi ro

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng việc hoàn thuế cũng đem lại nhiều rủi ro cho cán bộ ngành thuế. Theo ông, vừa qua một số DN trục lợi qua việc hoàn thuế. Ngành thuế đã áp dụng các phương pháp tiên tiến như công nghệ thông tin, AI… để phát hiện sớm rủi ro. Đồng thời có phân công, phân nhiệm cụ thể hơn để khi có dấu hiệu tiêu cực về thuế thì thanh tra, kiểm tra ngay.

Về trường hợp một số DN dăm gỗ, bột sắn kêu ca về việc hoàn thuế, Bộ trưởng Phớc cho hay ngành thuế ngày 12-7 đã báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có DN nêu rằng cơ quan điều tra đã xác nhận không có dấu hiệu hình sự rồi tại sao lại không được hoàn thuế. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phớc cho rằng hoàn thuế thì phải tuân thủ Luật Quản lý thuế, tức là phải đủ điều kiện cần.

Bộ trưởng dẫn ví dụ hợp đồng phải hợp lệ, hợp pháp. Có trường hợp cơ quan thuế đã đối chiếu với cơ quan thuế Trung Quốc thì phía Trung Quốc nói không có hợp đồng xuất nhập khẩu giữa các DN đó. Như vậy thì hợp đồng vô hiệu và không được hoàn thuế. “Có DN đã kiện ra tòa nhưng tòa cũng phán quyết không hoàn được” - Bộ trưởng Phớc cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm