Doanh nghiệp nỗ lực biến khó khăn thành cơ hội

Không bó tay trước khó khăn do dịch COVID-19, nhiều công ty đã chuyển sang phát triển sản phẩm mới, kênh bán hàng mới, thị trường mới… để cứu mình trong giai đoạn khủng hoảng. Họ đã biến “nguy” thành “cơ”.

Bán khẩu trang, gel kháng khuẩn… tận nhà

Hiện khách hàng chỉ cần lên website đặt những món ăn tươi như bún riêu cua, miến mì Ý, lẩu... sẽ được nhân viên của Công ty cổ phần Saigon Food giao đến tận nơi. Đây là một trong những dịch vụ mới được công ty đưa vào hoạt động.

“Trong mùa dịch, khách hàng chuyển sang mua sắm online nhiều, trong đó có thực phẩm chế biến sẵn. Do vậy, chúng tôi đã quyết định chuyển mình với dịch vụ bán mang đi hoặc giao tận nhà nhằm thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Kết quả bán hàng thông qua kênh này khả quan, đơn hàng tăng trưởng hơn 300% so với thông thường” - bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Saigon Food, chia sẻ.

Tương tự, gần đây trên thị trường xuất hiện sản phẩm gel rửa tay kháng khuẩn Lily của Công ty Mỹ Hảo, vốn lâu nay chỉ chuyên sản xuất nước rửa chén. Ông chủ Công ty Mỹ Hảo Lương Vạn Vinh cho biết: Từ tết đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các nhà hàng, quán ăn, trường học… tạm dừng hoạt động. Chính vì vậy, sản lượng tiêu thụ nước rửa chén sụt giảm 30%-40%. Đứng trước tình hình trên, Mỹ Hảo chuyển sang một ngành hàng mới là sản phẩm gel rửa tay kháng khuẩn.

Ông Lương Vạn Vinh kể: “Trong một lần đi mua thuốc cho người nhà, tôi thấy người dân mua gel rửa tay kháng khuẩn với giá quá cao. Tôi rất trăn trở về điều này nhưng để sản xuất các sản phẩm liên quan đến sức khỏe y tế cần làm nhiều thủ tục, qua rất nhiều bước. Sau khi tính toán, tôi quyết định liên kết với một đối tác có sẵn cơ sở, đủ điều kiện sản xuất theo quy định của Nhà nước. Khi bắt tay vào sản xuất, công ty chỉ phải đầu tư thêm một số thiết bị cho phù hợp”.

Theo ông Vinh, công suất tối đa một dây chuyền cho ra 60 chai gel rửa tay kháng khuẩn/phút. Vì vậy, nhu cầu thị trường cần bao nhiêu công ty cũng có thể cung cấp được. Đặc biệt, từ giữa tháng 3, sản phẩm của công ty đã vào hệ thống Bách Hóa Xanh và bán qua kênh online. Đầu tháng 4, sản phẩm với dung tích 4 lít của công ty đã đưa vào được hệ thống siêu thị MM Mega Market.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Kiên, Tổng giám đốc Công TNHH Lilamiti, chuyên kinh doanh cặp, túi xách cho biết từ khi xảy ra dịch buôn bán ế ẩm. Đối với công ty sản xuất túi, cặp như Lilamiti còn gặp khó khăn do nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc có thời điểm bị gián đoạn. Thậm chí trong hai tháng đầu năm, doanh thu toàn hệ thống giảm 60%-70%, đến cuối tháng 3 sụt giảm nghiêm trọng, hơn 70%-90%.

“Trước thiệt hại từ ngành túi xách quá lớn, nhận thấy mình không thể nằm im “chờ chết” giữa lúc thị trường rất khát khẩu trang nên công ty chuyển sang sản xuất mặt hàng này” - ông Kiên cho hay.

Không bó tay trước khó khăn do dịch COVID-19, nhiều công ty đã chuyển sang phát triển sản phẩm mới, kênh bán hàng mới, thị trường mới. ..Ảnh: TÚ UYÊN

Tự cứu mình bằng phương thức kinh doanh mới

Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar, dịch COVID-19 xảy ra đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhanh và các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, không phải ngành hàng nào cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Kết quả khảo sát cho thấy người dùng Việt Nam có xu hướng mua các nhóm hàng gồm nhóm các sản phẩm vệ sinh cá nhân và gia đình, nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi, gia vị nấu... Bên cạnh đó, khách hàng chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn hẳn so với bình thường.

Những đơn vị kinh doanh kịp thời nắm bắt được xu hướng trên vẫn tồn tại và phát triển khá tốt. Ông chủ Công ty Mỹ Hảo Lương Vạn Vinh nhìn nhận việc chuyển hướng sang sản xuất gel rửa tay kháng khuẩn trong mùa dịch không thể bù đắp cho việc sụt giảm ngành hàng chính. Tuy nhiên, với đóng góp khoảng 5% doanh thu của sản phẩm này trong bối cảnh khó khăn chung là tín hiệu tích cực. Nhờ đó mà đến thời điểm này, dù gặp khó khăn nhưng công ty chưa cắt giảm nhân sự và vẫn trả lương bình thường cho người lao động.

“Điều đáng mừng là công ty đã hoàn tất các giấy tờ để xuất hai container hàng là gel nước rửa tay kháng khuẩn sang Mỹ. Hai công hàng này sẽ đến Mỹ vào ngày 4-5 và 8-5” - ông Vinh chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Saigon Food, chia sẻ công ty tiếp tục phát triển nhiều kênh bán hàng online, kèm theo chính sách khuyến mãi nhằm chia sẻ với người tiêu dùng trong giai đoạn dịch bệnh.

“Bán hàng online không chỉ là một giải pháp nhất thời mùa dịch mà sẽ là chiến lược kinh doanh lâu dài của công ty. Tiêu dùng qua Internet đã thành một xu hướng và qua đợt dịch xu hướng trên càng củng cố hơn. Chúng tôi đang đi đúng hướng” - bà Lâm tự tin.

Đây là hướng đi dài hạn không chỉ với ngành thực phẩm mà còn nhiều ngành hàng khác, bởi lẽ kinh doanh truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế như chi phí vận hành tốn kém. Đáng chú ý là không chỉ phát triển mạnh kênh online, nhiều công ty ngành gỗ còn thử nghiệm mô hình thương mại điện tử, kết hợp với thực tế ảo để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Theo đó, người mua nước ngoài chỉ cần ngồi máy tính vẫn có thể xem được tất cả mẫu mã, năng lực sản xuất… của công ty Việt trên không gian 3D.

Chứng tỏ sức đề kháng tốt trước biến động

Anphabe, công ty cung ứng giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và nguồn nhân lực, vừa đưa ra đánh giá: Dịch COVID19 như liều thuốc thử đo lường sức khỏe và mức độ phản ứng của mỗi doanh nghiệp (DN). Để thích ứng và tồn tại trong giai đoạn này, DN buộc phải liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh, hướng tới những nhu cầu mới và thậm chí là các nhóm khách hàng mới.

Chẳng hạn, khi bị tạm ngưng đội ngũ vận chuyển bằng taxi công nghệ, Grab đã giới thiệu ngay dịch vụ đi chợ hộ Grabmart; chuỗi pizza 4P nổi tiếng vì “nói không” với dịch vụ giao hàng giờ đã phục vụ tận nơi và còn tặng thêm khách hàng danh sách nhạc riêng cho bữa trưa và bữa tối. Hay Vinamilk tập trung đẩy mạnh hàng loạt sản phẩm chuyên về sức đề kháng để đáp ứng nhu cầu tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng.

“Dù muốn hay không, tinh thần dám thay đổi và tốc độ thay đổi chính là thước đo cho khả năng sinh tồn của các DN lúc này. Đây cũng chính là những vũ khí thiết yếu cho các DN này bứt phá trong giai đoạn hậu COVID-19”, bà Thanh Nguyễn, CEO điều hành và truyền cảm hứng Hạnh phúc Anphabe, chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) Trương Gia Bình cũng cho rằng dịch COVID-19 không đơn giản và khó có thể kết thúc nhanh chóng. DN phải đối diện với dịch bệnh này nhưng vấn đề nguy hiểm và lớn hơn nhiều là “virus sợ hãi”. Tuy nhiên, đây là cơ hội của các DN nếu có giải pháp thông minh, sáng tạo, có ý chí, bản lĩnh thì không chỉ duy trì được sản xuất mà còn có vị trí mới.

PHONG ĐIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm